Tranh cãi lối sống, cách ứng xử của rapper Việt
Mới đây, hàng loạt những rapper tên tuổi, được giới trẻ yêu mến như Double2T, 24K.Right, Obito, Niz... khiến dư luận xôn xao khi vướng lùm xùm về thái độ ứng xử và lối sống tình cảm.
Cụ thể, 24K.Right bị nói thiếu tôn trọng phụ nữ; Double2T bị chỉ trích "mắc bệnh ngôi sao", thiếu chuyên nghiệp khi làm việc với các ê kíp, không tôn trọng người hâm mộ; Obito bị tố "bắt cá hai tay"...
Double2T (phải), 24K.Right - lần lượt là quán quân, á quân Rap Việt mùa 3 đều vướng ồn ào về thái độ, lối sống.
Mặc dù, một số người như Double2T, Obito đã lên tiếng phân trần, làm rõ các tin đồn nhưng hình ảnh của giới rapper bị mất điểm trước công chúng.
Đây không phải lần đầu tiên các rapper đứng trước tranh cãi, thậm chí khiến dư luận ngán ngẩm.
Giữa tháng 7, MCK có động thái cực gắt đáp trả những bình luận tiêu cực xoay quanh hình ảnh mới khác biệt như cạo sạch lông mày, đeo chocker da. Đứng trên sân khấu với phong cách này, anh còn nói với khán giả: "Ai sợ thì đi về".
Trên mạng xã hội, thí sinh Rap Việt còn hé lộ luôn 1 bài rap diss (công kích) liên quan đến câu chuyện này. Nam rapper dùng lời lẽ gai góc, thậm chí có lời thô tục để chỉ trích những cư dân mạng bình phẩm tiêu cực về mình.
Nam rapper tung bài rap diss với lời lẽ gay gắt để chỉ trích những người công kích anh vì phong cách mới.
Trước MCK, giới rap Việt cũng "nổi sóng" với hàng loạt trận rap diss căng thẳng giữa các gương mặt từng lên sóng truyền hình như: ICD vs Richchoi, 16 Typh vs Thành Draw, Rtee vs $A Milo...
Với tính chất của một trận beef (rap chiến), các rapper này ngày càng sa lầy, dùng âm nhạc để bóc mẽ tất cả góc tối, điều tệ hại nhất của đối phương.
Sự việc còn bị đẩy đi quá xa khi ca sĩ Min, người được cho là bạn gái cũ của 16 Typh, cũng vô tình bị lôi vào ồn ào của nam rapper.
Sau cùng, phía công ty quản lý 16 Typh phải lên tiếng giải thích và thông báo không cho rapper này tham gia vào bất kỳ trận beef nào để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực.
Rapper Việt có đang ảo tưởng "đặc quyền" khi bước ra ánh sáng?
Có thể thấy, sau một thời gian là cái gai trong mắt dư luận, rap Việt đã có những bước chuyển mình vượt bậc. Các rapper không chỉ phủ sóng dày đặc trên truyền thông, các cuộc thi trên truyền hình mà còn có thành quả nhất định khi góp mặt trong các giải thưởng âm nhạc uy tín.
Tuy nhiên, giới rap Việt bước ra từ cộng đồng underground dường như vẫn chưa thật sự hòa hợp với dòng chảy của âm nhạc mainstream (chính thống).
Bằng chứng là các rapper vẫn bộc lộ giằng co giữa bản năng bên trong và những gì họ thể hiện ra bên ngoài. Hay nói cách khác, liệu rằng rapper Việt vẫn đang ảo tưởng về những "đặc quyền" về tự do phát ngôn, tự do sử dụng ngôn từ như khi hoạt động trong cộng đồng underground, dù họ đã bước ra ánh sáng?
Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng, nghệ sĩ không đơn thuần là người bước ra từ một cuộc thi và có giải.
Bởi, các cuộc thi, ở đó là hội đồng chấm giải chỉ là một yếu tố đánh giá năng lực nghệ thuật của họ. Một nghệ sĩ thực thụ không chỉ có sản phẩm nghệ thuật phù hợp với văn hóa, lối sống của dân tộc Việt Nam mà còn phải có đạo đức. Hay nói cách khác, nghệ sĩ và sản phẩm của họ phải hướng đến vẻ đẹp chân - thiện - mỹ.
"Những người có hành vi, phát ngôn thiếu cẩn trọng với khán giả và với chính tác phẩm nghệ thuật của mình thì không phải là nghệ sĩ.
Nếu những rapper có hành động như trên, có lẽ họ đang ảo tưởng và kỳ vọng về tài năng của mình. Hoặc có thể quan điểm cá nhân của họ tự phong cho mình đặc quyền như lúc vẫn hoạt động trong một cộng đồng nhỏ, đặc thù - đó là giới underground.
Nhạc rap xuất phát từ châu Mỹ, nhưng khi vào Việt Nam, phải "nhập gia tùy tục", phù hợp với văn hóa và tôn trọng khán giả Việt Nam.
Tức là từ cách thức biểu diễn, ngôn từ... thậm chí đến cách ăn mặc cũng phải chọn lọc, điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa, cách thức vận hành âm nhạc của người Việt", ông Ngô Hương Giang nói với Báo Giao thông.
Theo ông Giang, có hai lý do khiến tình trạng rapper có cách ứng xử, lối sống lệch chuẩn, hay tung ra sản phẩm âm nhạc phản cảm, gây tranh cãi.
Một là, ý thức làm nghề và đạo đức cá nhân của rapper trẻ. Theo ông Ngô Hương Giang, nhiều rapper đang lầm tưởng về khái niệm tự do sáng tạo trong nghệ thuật. Sự phóng khoáng quá đà, đi ngược với thuần phong mỹ tục là kiểu tự do chủ nghĩa tự nhiên, hoang dã chứ không phải tự do sáng tạo nghệ thuật.
Hai là, lỗ hổng trong công tác quản lý. Theo vị chuyên gia này, luật Nghệ thuật biểu diễn của chúng ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và vẫn chưa có quy định rõ ràng về phát ngôn, ứng xử của nghệ sĩ và về việc quản lý nghệ thuật của giới underground.
"Đây cũng là lỗ hổng để nhiều rapper tự tung tự tác trong việc phát ngôn, ứng xử và sáng tạo nghệ thuật.
Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải tính toán vấn đề là rap là một bộ phận của nghệ thuật. Khi đó, những người sáng tạo, biểu diễn dòng nhạc này phải theo một cái tiêu chí, quy tắc giống như các nghệ sĩ trên sân khấu chính thống", nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận