Lấp khoảng trống cấp GPLX cho người điều khiển xe dưới 50cc, xe máy điện
Theo TS Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cần cấp giấy phép lái xe cho trẻ từ 16-18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích dưới 50cc hoặc xe máy điện rất cần thiết, nhằm giáo dục kiến thức và hướng dẫn kỹ năng lái xe, đảm bảo an toàn cho các em đến trường.
Chúng ta đang xây dựng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, đây chính là cơ hội để luật hóa quy định này.
Có nhiều cách để thực hiện, trong đó, có thể tổ chức đào tạo, sát hạch như: Cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 hiện nay.
Cách khác có thể tích hợp giáo dục lý thuyết trong chương trình đào tạo tại nhà trường cho học sinh từ cấp 2.
Khi các em vào lớp 10, đủ 16 tuổi, đủ kiến thức lý thuyết, có thể đăng ký tham gia thi cấp giấy phép lái xe tại các trung tâm sát hạch trên địa bàn, luyện tập sa hình, kỹ năng thực hành tại đây trước khi thi.
Có thể thực hiện theo nhiều cách, nhưng nhất định phải tổ chức sát hạch giấy phép lái xe cho các em tại các trung tâm sát hạch chính quy.
Thực tế, tỷ lệ người điều khiển xe dưới 50cc ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với tỷ lệ người điều khiển xe mô tô.
Hiện nay, chúng ta đã xã hội hoá rất mạnh và thực hiện cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy, xe mô tô rất tốt, hệ thống trung tâm đào tạo, sát hạch có đủ năng lực.
Tôi cho rằng không khó để triển khai cấp giấy phép lái xe cho đối tượng từ 16-18 tuổi.
Xử nghiêm hành vi giao xe máy cho học sinh tham gia giao thông
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa chia sẻ: Theo quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô.
Vì vậy, hành vi giao hay để trẻ chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện là hành vi vi phạm pháp luật, là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Thời gian gần đây, lực lượng công an các địa phương quyết liệt truy tố, xử lý những người giao xe cho học sinh, thanh thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe tham gia giao thông, truy rõ và xử lý tận gốc nguyên nhân TNGT liên quan lứa tuổi học sinh, có ý nghĩa trong việc bảo đảm ổn định trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Đồng thời, như một lời nhắc nhở, răn đe đối với tất cả người lớn trong xã hội, cần điều chỉnh hành vi của mình, yêu thương con cháu đúng cách, đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh truy tố người giao xe khi TNGT xảy ra, cần xử lý nghiêm hành vi giao xe cho học sinh không đủ điều kiện lái xe, ngay cả khi chưa xảy ra hậu quả.
Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu TNGT liên quan đến học sinh, thanh thiếu niên như: Xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn; Đưa nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm.
Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường. Yêu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo trong thực hiện pháp luật giao thông và văn hóa giao thông.
Đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học.
Siết quy định điều kiện an toàn xe đưa đón học sinh
Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT hiện đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, trong đó, đề xuất quy định riêng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe chở học sinh.
Theo đó, phương tiện phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh 2 bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học. Xe phải có biển hiệu, có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh.
Ghế ngồi phải được trang bị loại dây đai an toàn hai điểm; Có camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống; hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, hành vi của giám hộ học sinh và hành vi của học sinh trên xe; Có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe, thời gian không quá 15 phút.
Tôi cho rằng, quy định màu sơn riêng, thậm chí có thể hướng đến chung một kiểu dáng để tạo đặc trưng riêng cho xe buýt học sinh là tốt nhất. Từ đó cũng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu tiên cho loại phương tiện này.
Trong đó, có thể ưu tiên bố trí các điểm dừng đón/trả học sinh gần khu vực các cổng trường học; ưu tiên làn đường khi di chuyển
Ngoài ra, cần có lộ trình thực hiện, quy định mốc thời gian cụ thể chuẩn hóa loại hình phương tiện này để các doanh nghiệp chủ động trong đầu tư.
Đồng thời, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi cho các đơn vị đầu tư phương tiện, tham gia kinh doanh dịch vụ này.
Nâng cao chất lượng vận tải công cộng, cải tạo giao thông trường học
PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT nhận định: Vận tải công cộng hiện nay có thể nói chưa thuận lợi và không đủ an toàn để cho trẻ sử dụng đến trường/về nhà; Trong khi đó, vỉa hè thường xuyên bị lấn chuyến, trẻ không có không gian đi bộ. Đi xe đạp trong dòng giao thông hỗn hợp vào giờ tan tầm cũng hết sức rủi ro cho trẻ em.
Để trẻ tự đến trường an toàn, bên cạnh việc chuẩn hóa xe buýt học sinh như các nước trên thế giới, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện trên cao cũng là các giải pháp quan trọng để tạo môi trường giao thông an toàn hơn cho trẻ, hạn chế sự tăng trưởng của xe máy và tai nạn liên quan tới xe máy.
Cùng đó, cần nghiên cứu xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp, cải tạo môi trường xung quanh trường học, như: Lắp đặt các biển báo hiệu đi chậm, cảnh báo khu vực trường học, sơn vạch kẻ dành cho người đi bộ, gờ giảm tốc…
Về lâu dài cần quy hoạch lại mạng lưới trường học, di dời trường học không được nằm trên trục các tuyến quốc lộ, đường lớn, hoặc phải có đường gom đi vào để tránh bị xung đột giao thông và hạn chế va chạm.
Đặc biệt, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATGT cho học sinh, phụ huynh. Nội dung tuyên truyền ATGT dành cho thanh, thiếu niên và phụ huynh phải sát với thực tế, lấy dẫn chứng những câu chuyện, hình ảnh thương tâm do TNGT gây ra, từ đó giúp nhận thức sâu sắc hậu quả của TNGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận