Phối cảnh tổng quan Dự án chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu do Công ty CP R&D Quy hoạch đề xuất |
Công ty CP R&D Quy hoạch (R&D Planners) vừa đề xuất phương án tái sinh môi trường sông Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng). Theo ông Trần Tuấn Anh, đại diện R&D Planners, phương án chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu được xây dựng trước bối cảnh dòng sông này đang phải hứng chịu một lượng nước thải lớn từ các hộ dân sống xung quanh. Cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông. Cùng đó là lượng nước thải lớn xả thẳng, không qua xử lý từ các tuyến đường: Lò Đúc, Trần Khát Chân.
Theo phương án, việc cải tạo môi trường sông Kim Ngưu sẽ được thực hiện trên diện tích 42.000m2, chiều dài 1,2km từ ngã tư phố Lò Đúc, Trần Khát Chân tới cầu Mai Động. Các giải pháp thực hiện bao gồm: Tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt; Hình thành hệ thống sông hai lớp, đảm bảo thoát nước cho toàn bộ khu vực đường Trần Khát Chân, phố Lò Đúc cũng như thoát nước mưa dọc hai bên đường Kim Ngưu; Hình thành tuyến phố thương mại, dịch vụ cho người dân Hà Nội và du khách.
“Bên cạnh đó, vấn đề đậu xe công cộng cũng sẽ được giải quyết thông qua bố trí các nhà đậu xe tự động, cao tầng. Khi hoàn thành, dự án không chỉ đảm bảo mục tiêu thoát nước, làm sạch môi trường mà còn cung cấp lượng cây xanh nhằm giảm nhiệt đô thị, cung cấp môi trường sinh thái trong lành và là điểm giải trí mới của Hà Nội”, ông Tuấn Anh thông tin.
Tuy vậy, theo PGS.TS. Phạm Đức Nguyên, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi trường xây dựng VN, dự án cần được nghiên cứu triển khai trên toàn bộ chiều dài 3km của sông Kim Ngưu. “Nếu chỉ thực hiện cải tạo trên 1,2km, nước thải đổ ra sông sau 1,2km sẽ hòa vào nước của dòng sông đoạn sau gây ô nhiễm nặng nề hơn cho dân cư đoạn sông 2km còn lại. Có thể nghiên cứu dự án theo 3 giai đoạn: Thoát nước thải sinh hoạt cho các công trình dân sinh hai bên sông suốt chiều dài 3km; Xử lý dòng chảy (nước mưa hoặc nước cấp) của sông và cuối cùng là đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, dịch vụ kinh doanh ven sông”, ông Nguyên nói.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN Trần Ngọc Hùng lại cho rằng, việc đặt ra các mục tiêu hình thành tuyến phố với các dự án công trình thương mại, dịch vụ, chỗ đậu xe công cộng là ý tưởng tốt, nhằm kêu gọi đầu tư xã hội hóa, giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước cải tạo sông Kim Ngưu. Tuy nhiên, tỷ lệ xây dựng cần cân đối ở mức dưới 15% và cần nghiên cứu bổ sung các điểm sinh hoạt công cộng.
Theo GS.TS. Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, người dân sống quanh khu vực sông Kim Ngưu hiện tại rất thiếu điểm vui chơi công cộng nên việc cải tạo, chỉnh trang cần cân nhắc giữa chuyện chất tải thêm nội dung mới, công trình mới để có nguồn thu xã hội hóa hay là ưu tiên cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân.
Còn theo ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, 4 con sông: Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Lồ, sông Sét không chỉ đơn giản là hệ thống tiêu thoát nước của Thủ đô mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa môi trường đô thị. Vì vậy, việc chỉnh trang, sông Kim Ngưu cần được ứng xử như một công trình lịch sử, nghĩa là việc cải tạo phải trả lại hình ảnh nguyên bản ban đầu, không phải đập bỏ, cống hóa như “bể cảnh” khiến môi trường đô thị của Thủ đô ngày càng bị “biến dạng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận