Thể thao

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Kỳ tích Xuân Vinh hơn cả một “cú hích”

12/08/2016, 09:25

Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng, việc đoạt 1 HCV, 1 HCB kèm theo 1 kỷ lục Olympic là một thành quả vĩ đại...

9

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh

Từng nhiều lần đảm trách cương vị Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các kỳ Đại hội thể thao quốc tế lớn, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh cho rằng, việc đoạt 1 HCV, 1 HCB kèm theo 1 kỷ lục Olympic 2016 là một thành quả vĩ đại và kỳ diệu của Hoàng Xuân Vinh, có thể tạo ra bước ngoặt cho cả nền thể thao. 

Thể thao Việt Nam đã có một kỳ Olympic lịch sử

Ông đánh giá như thế nào về kỳ tích mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vừa lập được ở Olympic Rio 2016?

Chỉ có thể nói đây là một thành quả vĩ đại và kỳ diệu. Xuân Vinh trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt HCV và đoạt hai huy chương tại một kỳ Olympic. Anh đã thực sự nâng tầm và thay đổi diện mạo của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như toàn xã hội. Trước Vinh, mục tiêu và khả năng của chúng ta tại đấu trường mà chỉ có 1/3 số đoàn có thể đoạt huy chương, mới chỉ dừng ở mức hi vọng, phấn đấu. Như mọi người thấy, Vinh đã vươn tới đỉnh cao, nhất là nội dung 10m súng ngắn hơi, một cách thực sự thuyết phục, đẳng cấp.

Dưới góc độ của một nhà quản lý và chuyên môn kỳ cựu, ông nhìn nhận gì từ thành công ngoạn mục ấy?

Kỳ tích của Xuân Vinh đã chứng tỏ tiềm năng, nội lực và sức vươn của người Việt Nam, cụ thể là lĩnh vực thể thao. Chúng ta có những con người tài năng đủ sức chinh phục những đỉnh cao nhất của thế giới.

Thành công đó cũng chứng tỏ bước chuyển về nhận thức cùng hiệu quả đầu tư của ngành Thể thao. Kể từ năm 2010, cách nghĩ, cách làm đã bắt đầu có bước chuyển rõ rệt, với sự ưu tiên cho các môn Olympic, cho các tuyển thủ trụ cột ở những môn có thế mạnh. Đơn cử ở “chiến dịch Rio 2016”, ngành Thể thao đã dành 40 tỷ đồng để đào tạo tập trung cho 46 tuyển thủ của 12 môn. Rồi một số niềm hi vọng tranh huy chương được tạo điều kiện để xuất ngoại tập huấn, cọ xát tại các trung tâm hàng đầu, nhiều giải đấu hàng đầu.

Rõ ràng kỳ tích của Xuân Vinh vượt cả nền tảng, sự đầu tư của ngành Thể thao. Cần nhớ rằng chúng ta chỉ phấn đấu có huy chương, mà Vinh chỉ là một trong ba niềm hi vọng và không phải số 1. Giờ đây, anh đã lập đại công để “kích cầu” đầu tư cho thể thao. Nói chính xác hơn, đó là cả một bước ngoặt.

Sự “kích cầu” từ Xuân Vinh có thể hiểu ra sao, thưa ông?

Tôi tin rằng xã hội sẽ có cái nhìn lại, nhìn khác, nhìn sâu về thể thao, như một lĩnh vực đặc biệt, nhất là trong việc nâng cao thể chất nhân dân, vị thế quốc tế của đất nước. Thể thao sẽ có thể có thêm nhiều nguồn lực hơn để phát triển, trên cả hai phương diện kinh phí và phong trào chung. Trong đó, việc phát hiện, đào tạo tài năng thể thao chắc chắn sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Chuyện chăm lo, đãi ngộ đối với các HLV, VĐV sẽ tốt hơn. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua hiệu ứng, sức lan tỏa của “hiện tượng Ánh Viên” ở SEA Games 28.

Theo tôi, sự “kích cầu” từ nhà tân vô địch và kỷ lục Olympic Xuân Vinh có thể còn ở tầm mức sâu rộng hơn nhiều. Điều quyết định ở đây phụ thuộc vào quyết tâm, năng lực tận dụng, phát huy, đột phá của chính ngành Thể thao.

Với Xuân Vinh, thể thao Việt Nam đã có một kỳ Olympic lịch sử, thành công lớn về nhiều mặt. Ngành Thể thao đang đứng trước một cơ hội lịch sử để tăng tốc, song cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rào cản.

10

Hoàng Xuân Vinh đi vào lịch sử thể thao Việt Nam khi xuất sắc giành 1 HCV, 1 HCB Olympic môn bắn súng

Ngành Thể thao cần thay đổi quyết liệt từ nhận thức tới cách làm

Liệu kinh phí mà ngành Thể thao luôn kêu ca về sự thiếu thốn có phải là “vấn đề” đầu tiên?

Kinh phí quả đúng là một nỗi lo thường trực, ảnh hưởng trực tiếp đến cả mảng phát hiện, đào tạo VĐV, đặc biệt với các tài năng. Đơn cử con số 40 tỷ đồng mà ngành Thể thao được cấp cho cả quá trình chuẩn bị, dự tranh Olympic, dù đã tăng lên đáng kể so với Đại hội trước song còn rất thấp so với mặt bằng quốc tế. Ngay như Thái Lan chi tới 200 tỷ, gấp bốn lần Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể đáp ứng một cách tương đối nhu cầu của các tuyển thủ, kể cả những người có hi vọng tranh huy chương. Cả bộ môn bắn súng của Xuân Vinh chỉ có 200.000 USD mỗi năm, đủ biết thày trò họ phải quyết tâm, nỗ lực vượt khó ra sao.

Giới chuyên môn cũng từng ví với các điều kiện tại chỗ chỉ đủ để thi đấu trong nước, thưa ông?

Thể thao Việt Nam cũng đang rất thiếu các điều kiện cơ sở vật chất tại chỗ. Ví như môn bắn súng chỉ có một trường bắn lạc hậu tới 20 năm, đang dùng hệ thống bia giấy mà thế giới đã bỏ từ lâu. Hay môn cử tạ không có địa điểm nào đạt tiêu chuẩn tối thiểu so với quốc tế, thậm chí không có phòng tập thể lực, hồi phục. Trang thiết bị dụng cụ, nhìn vào môn nào cũng thấy thiếu và cũ, từ bắn súng, đấu kiếm, đua thuyền, thể dục dụng cụ... Ngành Thể thao đã cố gắng khắc phục bằng cách đưa quân ra nước ngoài, song lại vấp phải bài toán kinh phí.

Tất cả đã tạo nên một vòng luẩn quẩn, bó buộc, gắn với một cách nghĩ, cách làm còn mang nặng tính “dàn trải, thời vụ” theo kiểu SEA Games của ngành Thể thao.

Có thể hiểu, gốc rễ của chuyện đầu tư vẫn là cách nghĩ, cách làm của ngành Thể thao?

Chúng ta chuẩn bị cho Olympic gần như chỉ trong khoảng hai năm, trong khi các nước muốn có VĐV tranh chấp được huy chương phải theo một chu kỳ 4-6 năm, thậm chí 8 năm. Đích nhắm chính của ngành Thể thao mới chỉ là đoạt suất dự thi, còn chưa thực sự sẵn sàng cho việc tranh huy chương.

"Nếu ngành Thể thao không phát huy, tận dụng được, vẫn duy trì cách làm cũ, chưa biết bao giờ mới có thể sản sinh được một trường hợp, chứ chưa nói nhiều tài năng tầm thế giới như Hoàng Xuân Vinh. Câu chuyện đầu tư, không chỉ nằm ở số tiền 40 tỷ đồng vốn quá khiêm tốn ở cả chiến dịch Rio."

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh

Nó đã được minh chứng rõ ở kỳ Thế vận hội này khi các tuyển thủ tham dự Olympic, kể cả những niềm hi vọng, đã chưa được chăm lo tốt nhất trong mức có thể. Đô cử Thạch Kim Tuấn, người được trông chờ nhất và đã thất bại, là một điển hình. Nguyên nhân thất bại, như lý giải là do tâm lý kém và chấn thương, thực ra là hậu quả của cả một quá trình thiếu hẳn các giải pháp đảm bảo về y học, dinh dưỡng hay không có bác sĩ, chuyên gia tâm lý, nhân viên hồi phục hỗ trợ. Hoặc việc hai tay vợt Tiến Minh - Vũ Thị Trang hay võ sĩ judo Văn Ngọc Tú không có HLV dẫn dắt tại Rio là rất bất cập. Lần này, đoàn TTVN có ba bác sĩ cũng là một sự thua thiệt đối với các tuyển thủ, mà không thể lấy việc những lần trước chỉ có một người để lý giải. Tôi cho rằng, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp như thế, chúng ta đáng ra đã có thể làm tốt hơn nhiều.

Rõ ràng phía sau kỳ tích đầy hào quang của Xuân Vinh không chỉ là cú hích, là sự kích cầu mà còn có những bài học lớn và nóng. Ví như thất bại của đội cử tạ, rõ nhất với Kim Tuấn, hay chuyện đầu tư, đào tạo VĐV trọng điểm.

Ngành Thể thao sẽ phải làm gì để có thể có thêm những Xuân Vinh, tạo thành tích ổn định trên các đấu trường quốc tế đỉnh cao như Olympic, thưa ông?

Thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng, với những chuyển biến tích cực song vẫn còn chậm, còn thiếu và chưa đủ để có thể có một thành tích, thứ hạng tốt ở Olympic. Cụ thể, là việc giành huy chương ổn định như mục tiêu được nêu trong chiến lược phát triển.

Theo tôi, kỳ tích của Xuân Vinh sẽ là một bước ngoặt để chúng ta xác lập mục tiêu “vươn lên tầm châu Á, tấn công vào Olympic” từng giống như một khẩu hiệu cho có. Ở đây, toàn ngành Thể thao cần phải thay đổi quyết liệt từ nhận thức tới cách làm. Ngay từ năm 2010, chúng ta đã xác lập 10 môn thể thao trọng điểm nhóm 1, song chưa làm được gì nhiều.

Ngành Thể thao cũng cần sớm tham mưu Nhà nước để có một đề án đào tạo VĐV trọng điểm cho Olympic, ASIAD với các giải pháp chuyên biệt, với nguồn kinh phí riêng đảm bảo. Trước đây, chúng ta từng có một đề án như vậy, được thực hiện trong nhiều năm, góp phần đắc lực để Việt Nam có một lực lượng hùng hậu giành ngôi nhất tại SEA Games 2003. Chỉ tiếc rằng, ngay sau đó, đề án không được tiếp tục.

Ngành Thể thao cũng cần phải có chính sách nhằm xã hội hóa mạnh mẽ, huy động các nguồn lực cho việc phát hiện, đào tạo, chăm lo các tài năng. Cách tốt nhất là thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hiện tại, chúng ta đang có tới 24 Liên đoàn - Hiệp hội Thể thao quốc gia nhưng ngoài một số ít như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, hầu hết đều đang rơi vào tình cảnh “hữu danh vô thực”. Một xạ thủ như Xuân Vinh, nếu ở Hàn Quốc sẽ là thành viên của CLB chuyên nghiệp, có tới vài nhà tài trợ riêng và như vậy kinh phí tập luyện, thi đấu sẽ không còn là gánh nặng cho Nhà nước.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.