Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đẩy căng thẳng với Trung Quốc lên cao khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ra tuyên bố chính thức bác bỏ toàn bộ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Liệu tuyên bố này sẽ châm ngòi cho những động thái gì?
Mục đích của Mỹ
Trong thông báo phát đi rạng sáng 14/7 (theo giờ Việt Nam), ông Mike Pompeo nói, Mỹ bác bỏ tất cả những cáo buộc chủ quyền ngoài khu vực lãnh thổ 12 hải lý xung quanh Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), chỉ ra một số tuyên bố ngang nhiên của Bắc Kinh đối với khu vực biển xung quanh Bãi Tư Chính, Cụm bãi cạn Luconia, khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và đảo Natuna Besar của Indonesia. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra đúng dịp kỉ niệm 4 năm ngày phán quyết The Hague (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách - đường chín đoạn - trên Biển Đông.
“Chúng tôi muốn làm rõ rằng: Những tuyên bố của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi bao quát gần hết Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, cũng như việc Trung Quốc sử dụng chiến lược đe doạ để kiểm soát những khu vực này”, tuyên bố của ông Pompeo nói. Vị Ngoại trưởng cho biết thêm: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình”.
Mỹ đưa ra thách thức vào đúng thời điểm quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới đang “căng như dây đàn” vì hàng loạt vấn đề từ chiến tranh thương mại, dịch Covid-19, đến nhân quyền. Hiển nhiên, nó chắc chắn đối mặt với phản ứng gay gắt từ siêu cường châu Á.
Hơn nữa, thông báo còn được đưa ra theo sau các động thái triển khai 2 tàu sân bay và 4 tàu chiến khác tới khu vực nhạy cảm trên Biển Đông để “tập trận” cùng thời điểm Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận phi pháp trên khu vực Quần đảo Hoàng Sa hồi đầu tháng 7. Do đó, lời bác bỏ của Washington càng được củng cố sức mạnh.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời nhiều nhà phân tích cho rằng, qua động thái này, Washington muốn nhắc nhở thế giới rằng, họ đang căn chỉnh chính sách ngoại giao phù hợp với phán quyết của tòa trọng tài The Hague (Hà Lan) năm 2016, theo Luật quốc tế về Công ước Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, trong đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một số nhà phân tích tại Washington như nghiên cứu sinh tại Viện Doanh nghiệp Mỹ Zack Cooper cho rằng: Thông báo của Mỹ mang ý nghĩa, cường quốc lớn nhất thế giới đã quyết định phải thực thi luật pháp quốc tế và thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Do đó, động thái này sẽ thu hút sự đồng thuận từ cộng đồng thế giới dù chưa rõ Nhà Trắng sẽ triển khai những biện pháp gì tiếp theo. “Tôi không chắc Mỹ sẽ có hành động đáng kể nhưng quyết định này sẽ tạo tiền đề để các lực lượng Mỹ dễ dàng hỗ trợ các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nếu họ bị thách thức trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”, ông Cooper nói.
Nhiều học giả nhận định, tuyên bố mới nhất từ Nhà Trắng có thể tạo ra chất xúc tác, củng cố những nỗ lực tái cử của ông Trump, tạo cơ sở để vị tỷ phú New York đưa ra lập luận rằng: Trong khi đối thủ chính của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng (ông Joe Biden, cựu Phó Tổng thống Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama) đã không theo đuổi quyết định của tòa trọng tài The Hague năm 2016, thì ông (Trump) lại theo đuổi đến cùng.
Tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn
Mặt khác, một số chuyên gia e ngại, động thái này tạo ra rủi ro gây bất ổn thế giới. Bởi nó chắc chắn sẽ kích động Trung Quốc và có khả năng dẫn đến một vòng trừng phạt khác. “Trung Quốc sẽ không thích điều này”, ông Kelsey Broderick, nhà phân tích châu Á thuộc Tập đoàn Eurasia nói và cho rằng, Bắc Kinh có thể đơn phương tuyên bố “khu vực nhận diện phòng không” trong khu vực.
Washington lâu nay luôn chối bỏ yêu cầu trên với lý do họ muốn duy trì tầm quan trọng của tự do hàng hải trong lãnh thổ quốc tế.
Thực tế, ngay trong ngày 14/7, báo chí chính thống của Trung Quốc đã có nhiều bài viết phản pháo Mỹ về quan điểm và động thái liên quan tới Biển Đông. Trong một bài bình luận trên tờ PLA Daily, ông Zhang Junshe, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc kêu gọi Mỹ nên dừng những hành động khiêu khích trên Biển Đông và Bắc Kinh có quyền quyết định bảo vệ cái mà Bắc Kinh coi là “chủ quyền hàng hải”.
Ông Zhang nói: “Mỹ không phải là quốc gia thuộc khu vực này và đang thực hiện nhiều cuộc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông, cách rất xa nước họ. Trong khi đó, họ cáo buộc Trung Quốc vì những cuộc tập trận quân sự (mà ông này gọi là bình thường) ở ngay ngưỡng cửa quốc gia mình”, ông Zhang nói.
“Những bình luận nước đôi từ Mỹ không thể che giấu những động cơ thực sự của họ đó là muốn tăng cường quân sự hóa và làm mất cân bằng hòa bình trên Biển Đông”, cũng theo lập luận của ông Zhang.
Cùng lo ngại nguy cơ bất ổn, ông Michael Green, Phó Chủ tịch Cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho rằng: “Tiếp theo đây, Chính phủ Mỹ có thể trao đổi với các quốc gia khác để đảm bảo tuyên bố mới của Washington có thể thuyết phục Trung Quốc dừng những hành động đe dọa, tranh giành chủ quyền trên Biển Đông mà không kích động các quốc gia nhỏ làm những việc có thể khiến Bắc Kinh nổi giận”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận