Từ lời khai sát hại nạn nhân vì món nợ 50 triệu
Công bố kết quả điều tra vụ sát hại cô gái 17 tuổi H.Y.N (SN 2006, ở quận Ba Đình), Công an TP Hà Nội cho biết đối tượng Tạ Duy Khanh (SN 1985, quê Kiến Xương, Thái Bình) khai anh ta cho nạn nhân vay 50 triệu đồng, đòi nhiều lần nhưng chưa trả.
Ngày 10/10, Khanh hẹn cô gái đến căn hộ ở Vinhome Ocean Park. Tại đây, họ xảy ra mâu thuẫn nên đối tượng dùng dao nhọn đoạt mạng chị N.
Sau đó, hắn kéo nạn nhân vào nhà tắm, dùng con dao lớn hơn để phân thi thể ra nhiều phần mang đi phi tang ở sông Hồng.
Theo dõi toàn cảnh vụ án mạng rúng động dư luận, thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên điều tra viên cao cấp Công an TP Hà Nội cho rằng, sau kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội sẽ tiếp tục làm sáng tỏ thêm nhiều tình tiết.
Thượng tá Trịnh Kim Vân nhìn nhận, sau khi bị bắt giữ, Tạ Duy Khanh có lời khai ban đầu rằng do mâu thuẫn từ việc nạn nhân vay anh ta 50 triệu đồng, dẫn đến xảy ra mâu thuẫn và Khanh đã sát hại cô gái.
"Đây là lời khai ban đầu của đối tượng mà cơ quan điều tra bắt buộc phải chứng minh, đấu tranh khai thác xem lời khai này có thành khẩn hay không", chuyên gia Vân khẳng định.
Cũng theo thượng tá Vân, tài liệu điều tra ban đầu thể hiện Tạ Duy Khanh khai anh ta và nạn nhân H.Y.N có mối quan hệ thân thiết, họ từng rủ nhau đi ăn trước khi Khanh rủ N về căn hộ chung cư. Do đó, việc xác minh làm rõ mối quan hệ giữa Khanh và cô gái cũng là điều rất quan trọng.
Thói vô cảm dẫn đến gây tội ác
Ngoài vụ án nêu trên, dư luận từng bàng hoàng bởi những vụ trọng án có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn về lợi ích cá nhân. Điển hình, gần đây nhất là vụ Giáp Thị Huyền Trang (SN 1996, quê Bắc Giang) bắt cóc bé gái ở huyện Gia Lâm, Hà Nội để đòi số tiền 1,5 tỷ đồng. Cháu bé khi được phát hiện đã tử vong.
Nói về các vụ án mạng như trên, thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học nhấn mạnh, mẫu số chung của các vụ án hình sự nói chung và án mạng nói riêng là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Đây được xem là thủ phạm giấu mặt, xuất phát từ lối sống ích kỷ, vì lợi ích cá nhân, chạy theo vật chất, chạy theo danh lợi dẫn đến thói vô cảm.
Cũng theo TS Đào Trung Hiếu, hiện nay đồng tiền trở thành thước đo của xã hội, khiến mọi giá trị đều trao đổi bằng tiền, được đề cao và họ sẽ chạy theo vật chất. Điều đó tác động rất lớn đến đời sống tinh thần, những giá trị tinh thần sẽ dần lùi xuống thành những giá trị thứ yếu trong đời sống.
Trong bối cảnh như vậy, khi gặp tình huống bất lợi, con người sẵn sàng làm mọi việc, bước qua chuẩn mực đạo đức xã hội, bất chấp pháp luật để đạt được mục đích về vật chất, dù người đó có học thức cao trong xã hội.
Dẫn chứng các vụ án đã xảy ra, chuyên gia Đào Trung Hiếu nhận thấy, các đối tượng hoàn toàn ý thức được hành vi, nhưng vì lợi ích vật chất mà họ quyết tâm thực hiện.
"Các đối tượng sau khi gây án đều có tâm lý sợ bị phát hiện, bị bắt giữ, nhưng vẫn làm vì họ hy vọng có thể trốn tránh và che giấu để thoát tội", TS Đào Trung Hiếu bày tỏ.
Giải pháp nào ngăn các vụ án mạng thương tâm?
Trong khi đó, Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia tội phạm học nhận thấy, trong mỗi vụ án mạng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhiều yếu tố tác động đến tâm lý đối tượng như: Môi trường xã hội, nền tảng giáo dục, nhận thức hành vi... Những yếu tố này diễn ra trong thời gian dài đã hình thành nhân cách tiêu cực, khó bộc lộ ra ngoài.
Như trong vụ án sát hại cô gái 17 tuổi, phân mảnh thi thể để phi tang vừa xảy ra, đại tá Đỗ Cảnh Thìn đánh giá theo lời khai của Tạ Duy Khanh, thì động cơ ban đầu dẫn đến hành vi gây tội của bị can là xung đột, mâu thuẫn về lợi ích, cụ thể ở đây là món nợ 50 triệu đồng.
Sau khi gây trọng án và nạn nhân đã tử vong, hung thủ thường nảy sinh tâm lý muốn che giấu tội ác.
"Hành vi tội ác càng nghiêm trọng, quyết tâm che giấu càng lớn", chuyên gia tội phạm học lý giải và để che giấu hành vi, hung thủ sẽ tìm cách xóa mọi dấu vết, tung tích của nạn nhân, mục đích gây khó khăn cho công tác điều tra truy tìm.
Đưa ra giải pháp, các chuyên gia tội phạm học nhận định nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi man rợ, phần lớn do giáo dục nhân cách đang bị xem nhẹ.
"Nếu chúng ta có một nền giáo dục tốt, cộng với môi trường gia đình cơ bản và một xã hội lành mạnh, văn minh sẽ hạn chế được những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như thời gian qua", ông Thìn nói.
Theo ông Thìn, trước mắt, cần định hướng cho giới trẻ xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn và cách ứng xử phù hợp với đạo đức truyền thống. Đặc biệt, dư luận cần phản bác, lên án mạnh mẽ những người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa và vi phạm pháp luật.
Với những vụ trọng án, nhất là vụ gây bức xúc trong dư luận, cơ quan chức năng cần tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh, đưa ra xử án điểm. Qua đó kết hợp tuyên truyền, giáo dục cho người dân nâng cao cảnh giác, tự mình có ý thức phòng ngừa tội phạm, tôn trọng pháp luật.
Clip: Phó giám đốc Công an TP Hà Nội nói về nghi vấn đối tượng ngáo đá trong vụ án cô gái 17 tuổi bị sát hại, phân mảnh thi thể và phi tang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận