Chị P.T.Đ. (xã Kim Thượng) đau lòng khi con gái út 18 tháng tuổi bị nhiễm HIV không rõ nguyên do - Ảnh: Yến Chi |
Tuần này, dư luận đang thảng thốt về một câu chuyện lạ: Một xã miền núi ở Phú Thọ (xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn) được phát hiện có tới 42 người nhiễm HIV, trong đó có 1 bé 18 tháng tuổi. 5 người đã tử vong từ năm 2015 đến nay do bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS.
Tỷ lệ này khá cao so với một xã miền núi nhưng sự việc chỉ gây ồn ào khi có nghi vấn người dân nhiễm bệnh do đến tiêm/truyền tại nhà một y sĩ ở địa phương.
Trả lời báo chí ngày 15/8, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế Nguyễn Hoàng Long đã bác bỏ nghi ngờ này. Ông Long cho biết, thời gian từ khi nhiễm bệnh đến chuyển sang giai đoạn AIDS phải mất 5-7 năm. Những người ở xã Kim Thượng nói họ mới đi tiêm cách đây 6 tháng. Do vậy, việc tiêm/truyền không thể là nguyên nhân nhiễm bệnh.
Một nguyên nhân khiến dư luận “lên đồng” hóa ra lại bị bác bỏ một cách đơn giản. Nếu người nhiễm HIV ở Kim Thượng là do nghiện chích, do mại dâm, do lây nhiễm qua quan hệ tình dục… thì có gì là lạ? Người ta chẳng chú ý đến tình hình ở Kim Thượng nữa.
Nhưng thật ra ẩn họa giờ mới hiển hiện: Một xã miền núi rất nghèo, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hầu hết cho biết ít khi ra khỏi xã mà tỷ lệ nhiễm HIV cao gấp… 2,5 lần bình quân chung toàn quốc!
Vụ việc ở Kim Thượng thực ra được phát hiện sau một nghiên cứu khoa học, lấy máu kiểm tra trên diện rộng. Vậy thì còn xã nào có tình hình như Kim Thượng chưa được phát hiện hay không?
Theo khảo sát của các chuyên gia, bé 18 tháng tuổi nhiễm HIV ở Kim Thượng có bố mẹ hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, một khả năng lây nhiễm được đưa ra là do cháu thường xuyên tới chơi nhà hàng xóm có 2 người nhiễm HIV mà chính họ cũng không biết.
Việc chơi cùng trẻ nhỏ khi không đảm bảo các yêu cầu về phòng hộ (dịch tiết cơ thể người bệnh có thể dính vào các vết trầy xước trên da em bé) có thể gây ra hậu quả.
Rõ ràng việc không có đầy đủ thông tin đã làm lây lan căn bệnh này. Có trường hợp nào trong số 42 người nhiễm HIV ở Kim Thượng cũng bị lây bệnh theo cách rất đáng tiếc như em bé 18 tháng này là điều cần làm rõ.
Một thành viên gia đình người nhiễm HIV ở Kim Thượng (con dâu của bệnh nhân) chia sẻ rằng, từ hôm có xét nghiệm xác định mẹ chồng bị nhiễm HIV người nhà chị rất ít dám ra ngoài. Họ thậm chí không cả dám đi chợ. E ngại bị người khác biết mình nhiễm HIV, e ngại bị kỳ thị khiến người ta muốn giấu tình trạng bệnh. Điều này càng khiến khả năng lây nhiễm ra cộng đồng tăng cao.
Nhiều năm nay, Việt Nam khá tự hào vì khống chế được tỷ lệ người nhiễm HIV dưới 0,3% dân số.
Tại Bộ Y tế, có riêng một cục với nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng chống HIV, trong khi ung thư lan tràn và hàng loạt căn bệnh khác làm gì có cục nào được giao riêng nhiệm vụ như vậy?
Câu chuyện ở Kim Thượng giống như một lời cảnh tỉnh. Cần tìm ra những người bị nhiễm HIV mà họ không biết để ngăn chặn hành vi làm lây nhiễm căn bệnh này.
So với khoảng 10 năm trước, cái nhìn của xã hội với người nhiễm HIV đã khoan dung hơn. Nếu được điều trị đầy đủ bằng thuốc kháng virus, người nhiễm HIV có thể có tuổi thọ không kém so với người bình thường và hoàn toàn có khả năng sinh con đẻ cái.
Điều đó không có nghĩa là không e ngại HIV nữa, mà là phải đối xử với nó bằng sự hiểu biết. Để những người đang sống không bị coi như đã chết và để những người chưa nhiễm có thể tránh xa hiểm họa này.
Nếu còn đó những Kim Thượng thì dịch vẫn âm thầm lây lan. Trong khi con số “khống chế tỷ lệ nhiễm dưới 0,3% dân số” vẫn tiếp tục ru ngủ tất cả chúng ta.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận