Là người đầu tiên ở Việt Nam thụ tinh nhân tạo để nhân giống gà bản địa, “doanh nhân gà” người dân tộc Sán Dìu ở Tiên Yên, Quảng Ninh mở ra hướng làm giàu không chỉ cho riêng mình.
Chuyện từ một bữa cơm đãi khách
“Nhà khoa học của nhà nông” Lý Văn Diểng trong khu vực thụ tinh nhân tạo cho đàn gà
“Người Quảng Ninh có câu “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên”. Đây là câu ví về giống gà bản địa của Tiên Yên rất ngon, có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, trước đây giống gà này có nguy cơ tuyệt chủng”, anh Lý Văn Diểng, 53 tuổi, mở đầu câu chuyện về hành trình trở thành “doanh nhân gà” của mình.
Anh Diểng kể, anh là con cả trong gia đình có 7 anh chị em. Khác với chúng bạn cùng trang lứa, học xong cấp 3 chủ yếu ở nhà đi làm công nhân rồi lấy vợ, anh thi vào Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, chuyên ngành lâm nghiệp và sau này tốt nghiệp thạc sỹ.
Những ngày trèo non, vượt núi, vào tận từng bản làng người dân tộc thiểu số trên địa bàn để vận động bà con tham gia dự án trồng rừng cũng là lúc anh nhận thấy nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của địa phương còn bỏ ngỏ. Đặc biệt là việc nuôi gà bản địa.
Vừa tròn 10 năm trước, anh Diểng có đoàn khách quý là những cán bộ nông, lâm nghiệp trong một số trường học, cơ quan nghiên cứu ở Hà Nội về chơi.
Hôm ấy, anh tìm mua gà Tiên Yên đãi khách. Nhưng do gà hiếm nên mua được ít, khách vẫn thòm thèm nên anh nói vui: “Tôi sẽ khôi phục giống gà bản địa này để lần sau các vị tới sẽ được thưởng thức thoải mái”.
Câu nói này đã trở thành để tài tranh luận suốt bữa ăn, thậm chí có người còn “thách” anh Diểng làm được…
“Đâm lao phải theo lao”, vốn đã ấp ủ ý tưởng từ lâu, anh Diểng mất ăn, mất ngủ. Anh quyết tâm đầu tư khôi phục lại giống gà này trước sự ngạc nhiên của mọi người, thậm chí có người còn bảo anh “hâm” khi có ý tưởng… thụ tinh nhân tạo cho gà.
Rong ruổi tìm đường
Anh Lý Văn Diểng (đứng giữa) trong buổi lễ vinh doanh do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức
Tháng 3/2013, anh Diểng bắt đầu lặn lội tìm đến nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm trong nước rồi sang cả Trung Quốc, Thái Lan tìm hiểu cách nhân giống gà. Quá trình tìm kiếm và học hỏi ấy, anh Diểng được tiếp cận cách thụ tinh nhân tạo ở đàn vịt tại Thái Nguyên, một số địa chỉ tiến hành thụ tinh nhân tạo gà ở Trung Quốc.
Thu xếp tiền nong, công việc, anh tìm sang cơ sở thụ tinh nhân tạo gà ở Trung Quốc. Thế nhưng, khi trao đổi với đối tác thì việc tổ chức mô hình này rất tốn kém do công của người thực hiện rất cao. Không ngần ngừ, anh về nước chuẩn bị cơ sở vật chất rồi mời đối tác sang triển khai.
Chỉ trong một thời gian ngắn, quy trình thụ tinh nhân tạo trên gà Tiên Yên đã thành công. Nhưng có điều, hầu hết các quy trình đối tác đều giấu, nếu cứ thuê họ mãi thì rất đắt đỏ và phải phụ thuộc. Vì vậy, quá trình đối tác triển khai, anh luôn lặng lẽ quan sát rồi ghi chép kỹ từng chi tiết, mày mò nghiên cứu, ứng dụng.
“Quan sát, theo dõi thời gian dài, tôi mới biết “bí kíp” quan trọng nhất là cần nắm được điểm nhạy cảm của gà trống, chỉ cần chạm vào đúng chỗ là nhân viên kỹ thuật sẽ lấy được tinh trùng từ gà trống một cách dễ dàng để bơm vào thụ tinh trứng gà mái.
Do số lượng gà rất lớn, nên việc thụ tinh cần diễn ra nhanh, chính xác với khoảng thời gian vài giây là phải xong cho một con gà mái”, anh Diểng kể.
Nhà nhà làm chuồng, nhà nhà nuôi gà Tiên Yên
Một trang trại gà Tiên Yên của người dân xã Hà Lâu đang cho thu nhập ổn định
Thành công quy trình thụ tinh mới là bước đầu. Bởi nguồn giống phục vụ lai tạo trên địa bàn còn quá ít, không dễ gì thực hiện đại trà. Do lúc ấy, việc tuyển chọn giống rất vất vả, từ việc thuyết phục người dân bán gà cho đến việc tìm được mẫu gà ưng ý.
Anh Diểng đã lặn lội đến từng hộ dân trên khắp các thôn, bản trên địa bàn để tìm mua những con trống, mái có màu lông đẹp, da vàng... Đến khi có khoảng 500 con thì anh bắt đầu xây dựng mô hình.
Trong lúc vẫn đang gặp khó với mô hình nhỏ, hẹp thì năm 2014, với mục tiêu phát triển giống gà Tiên Yên, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với huyện Tiên Yên hỗ trợ Công ty Phát triển chăn nuôi Phúc Long của anh Diểng triển khai dự án ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà Tiên Yên.
Ở giai đoạn đầu, do kinh nghiệm còn hạn chế, năng suất trứng ấp thành phẩm chỉ đạt 70 - 80%. Đến nay, tỷ lệ đạt hơn 900 con/1.000 quả.
“Việc ứng dụng công nghệ góp phần tăng sản lượng gà thương phẩm cho thị trường, đồng thời, qua thời gian dài chọn lọc từ 7 - 8 đời đã giúp bảo tồn, phát triển và duy trì nguồn gen quý của gà Tiên Yên”, anh Diểng mô tả.
Đến khi mô hình đã chắc chắn tỷ lệ thành công cao, khoảng năm 2018, anh bắt đầu nghĩ đến việc nhân rộng ra địa bàn. Và anh đã chọn xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên làm “bàn đạp”.
Ai không có giống, anh hỗ trợ giống, ai không có tiền mua thức ăn chăn nuôi, anh cho vay tiền để mua… Thấy mô hình hay, có lợi, cả xã nhà nhà làm chuồng, nhà nhà nuôi gà Tiên Yên. Từ đó, hình thành lên hàng trăm gia trại, trang trại có tới cả vạn con giống, tổng đàn hiện nay khoảng 100.000 con…
Chị Lý Thị Nga, một người dân thôn Nặm Mìn, xã Hà Lâu cho biết: “Bác Diểng đã hỗ trợ rất nhiều, vừa cung cấp gà giống, vừa tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp thức ăn. Thế nên mới có những trang trại gà thành công như ngày hôm nay. Nhờ nuôi gà, mỗi tháng gia đình thu nhập được khoảng 30 triệu đồng”.
Anh Trần Văn Hoan, cùng xã Hà Lâu thì khoe, từ việc nuôi gà nhỏ lẻ, đến nay, gia đình thành lập hợp tác xã. Từ đó, liên kết xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ để nâng cao thu nhập.
Cùng với việc nhân giống gà Tiên Yên bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, anh Diểng còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho hàng ngàn hội viên nông dân trong và ngoài huyện; cung cấp giống gà cho các huyện lân cận và cả chục tỉnh, thành.
Đến nay, quy mô sản xuất của Công ty Phúc Long đạt từ 800.000 - 1.000.000 con giống, nâng quy mô đàn gà ở địa phương lên 920.000 con, tăng gấp 8 lần so với những năm đầu thực hiện dự án, với trên 1.500 hộ dân tham gia nuôi. Nhiều người Tiên Yên coi bác Diểng là doanh nhân cứu giống gà có một không hai của địa phương.
Với những đóng góp của mình, tháng 12/2022, anh Lý Văn Diểng đã được nhận danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Thương hiệu gà Tiên Yên đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong Top 50 món ăn nổi tiếng Việt Nam và có mặt tại nhiều siêu thị lớn trong nước. Sản phẩm này cũng được tỉnh Quảng Ninh cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao của địa phương.
Công ty Phúc Long của anh Diểng hiện tạo việc làm ổn định cho 16 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng; tổng doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận