Kết hợp vốn trung ương với vốn địa phương
Câu chuyện của PV Báo Giao thông với ông Nguyễn Tuấn Dũng, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GTVT tỉnh Bắc Giang bắt đầu từ việc mở rộng con đường đặc biệt kể trên. Đó là tuyến quốc lộ 17, đoạn qua huyện Việt Yên và Tân Yên.
Ông Dũng kể, quốc lộ 17 đoạn qua các huyện Việt Yên và Tân Yên vốn là đường tỉnh 389. Từ khi được nâng lên thành quốc lộ, tuyến đường chưa được cải tạo, sửa chữa. Nhiều đoạn đường nhỏ hẹp, hư hỏng, lồi lõm ổ gà, ổ voi, nguy cơ mất an toàn rất cao.
"Trong khi đó, đây là tuyến đường quan trọng nối TP Bắc Giang với các huyện Việt Yên, Tân Yên và Yên Thế, nơi có Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân và quê hương của người Anh hùng Hoàng Hoa Thám…", ông Dũng nói và cho biết, việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Đây là vấn đề khiến những người trong ngành GTVT ở Bắc Giang trăn trở bởi nhu cầu thì có thực, nhưng vốn trung ương có hạn, trong khi quy định hiện hành không cho phép địa phương sử dụng nguồn vốn ngân sách của mình để thi công quốc lộ.
Nguồn vốn bảo trì trung ương chỉ cho phép sửa chữa mặt đường cũ, với mức độ kỹ thuật áp dụng vừa phải, không cho phép làm mới, cải tạo mặt đường.
Cái khó ló cái khôn. Sở GTVT tỉnh Bắc Giang đã đề xuất triển khai song song 2 dự án. Theo đó, dự án sử dụng nguồn vốn trung ương sẽ thực hiện sửa chữa mặt đường cũ. Bắc Giang thực hiện một dự án khác là GPMB, mở rộng nền đường từ 5,5 lên 12m.
Chủ trương được duyệt. Dự án cải tạo, sửa chữa quốc lộ 17 đoạn Km 72+500 – Km88 được giao cho Sở GTVT Bắc Giang làm chủ đầu tư, khởi công ngày 15/1/2020. Tổng dự toán công trình hơn 122 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh.
Cùng thời điểm trên, Sở GTVT tỉnh Bắc Giang còn đầu tư một dự án khác là công trình sửa chữa nền, mặt đường đoạn từ Km72 - Km88 có tổng mức đầu tư hơn 34 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.
"Khi đó, chúng tôi vẫn quen gọi dự án ngân sách tỉnh là "dự án vỏ" vì thực hiện phần mở rộng đường. Còn dự án thực hiện bằng nguồn vốn trung ương là "dự án lõi" vì chủ yếu thực hiện đối với phần lòng đường cũ", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, việc phối hợp triển khai trên là cách làm mới, lần đầu được Sở GTVT tỉnh Bắc Giang áp dụng.
Cách làm trên giúp giảm thời gian đầu tư, giảm chi phí thiết kế, không phải đào đắp nền, lề đường nhiều lần khi tách biệt, thực hiện từng dự án ở các thời điểm khác nhau.
Nhiều sáng tạo trong thiết kế, thi công
Chia sẻ về quá trình triển khai các dự án trên, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: Do cùng một đoạn đường nhưng triển khai hai dự án khác nhau, được triển khai đồng hành nên khối lượng công việc lớn hơn.
Mỗi dự án lại có yêu cầu quản lý khác nhau nên ngay từ bước hoàn thiện thủ tục đầu tư; lập, phê duyệt dự án cũng phải triển khai trong cùng một thời điểm. Theo đó, ngay khi "dự án lõi" được trung ương phê duyệt, "dự án vỏ" cũng đã được tỉnh Bắc Giang thông qua.
Quá trình khảo sát, thiết kế các dự án cũng gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện độc lập. Tuy nhiên, tránh tình trạng phải làm đi, làm lại nhiều lần, dễ gây lãng phí lớn nên chủ đầu tư đã ký hợp đồng với một nhà thầu duy nhất, chỉ làm một lần nhưng sản phẩm làm ra là các hồ sơ riêng biệt cho hai dự án.
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện 2 dự án không đồng nhất về nguồn vốn, tiêu chuẩn kỹ thuật khi "dự án lõi" chỉ cho phép sửa nền đường với độ bù vênh, đắp nền thấp, trung bình chỉ từ 3-5cm.
Trong khi "dự án vỏ" do mở rộng nền đường nên đòi hỏi phải đào đắp, có độ dày nền, mặt đường lớn hơn. Do đó, ngay từ đầu, công tác thiết kế đã gặp nhiều khó khăn khi phải dung hòa các tiêu chuẩn liên quan.
Trong quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư và đơn vị thiết kế phải nhiều lần thay đổi, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với thực tế. Nhiều đoạn, nhà thầu phải chịu thiệt khi bổ sung đắp nền ngoài dự toán từ 5-10cm mặt đường để bảo đảm chất lượng công trình.
Chia sẻ về quá trình thi công các dự án trên, đại diện Công ty CP Đầu tư, TM và XD Giao thông 1 cho biết, đã gặp không ít khó khăn khi cùng đoạn đường nhưng có hai nhà thầu triển khai, người làm "vỏ", người làm "lõi" nên đòi hỏi phải đồng nhất, có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm kỹ, mỹ thuật.
Thiết kế, thi công khó, mặt bằng giải toả cũng chưa bao giờ là chuyện dễ. Phục vụ dự án, tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng lên tới hơn 70 nghìn m2.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên chia sẻ, thời điểm đó, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; cả huyện, xã đều thành lập ban chỉ đạo vận động với tinh thần công khai, dân chủ.
Ngay khi phát sinh vướng mắc thì trực tiếp lãnh đạo huyện và xã trực tiếp đến giải quyết dứt điểm. Nhờ đó, tuyến đường đã về đích đúng hẹn.
"Trước đây, do đi lại khó khăn, hàng nghìn công nhân phải đến khu công nghiệp ở trọ, nay xe đưa đón thuận tiện giúp người dân dễ dàng đi lại trong ngày.
Từ ý nghĩa của các dự án trên, Tân Yên đang vận động người dân tiếp tục nhân rộng, cùng hiến đất mở rộng đường tỉnh 295 đoạn qua địa bàn", ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Văn Phương, xã Đại Hoá, huyện Tân Yên chia sẻ, trước đây QL17 qua địa bàn nhỏ lắm, thường xuyên xảy ra ách tắc, va chạm và tai nạn.
Từ khi được cải tạo, nâng cấp, đường đã thông thoáng, an toàn hơn. Vì thế, người cũng mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi vì vận chuyển thuận lợi hơn nhiều.
Từ thành công của các dự án trên, thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Giang và các địa phương trong tỉnh đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng cải tạo nâng cấp một số tuyến đường do trung ương quản lý như: QL17, đoạn qua các huyện Yên Dũng, Yên Thế; đường gom cao tốc Hà Nội – Bắc Giang qua huyện Việt Yên và TP Bắc Giang.
Đặc biệt, gần đây nhất, Bắc Giang được Chính phủ cho phép thí điểm đầu tư xây dựng cầu Như Nguyệt giai đoạn 2 trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có tổng mức đầu tư 456 tỷ đồng. Cầu vừa khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 6 vừa qua…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận