Công trình xây dựng đảo chìm Đá Tây do Ban QLDA Biển Đông trực tiếp đảm nhiệm - Ảnh: L.Đ |
Kể từ khi ra đời đến lúc sáp nhập với Ban QLDA5 thành Ban QLDA6 (Bộ GTVT), Ban QLDA Biển Đông đã tham gia xây dựng nhiều công trình trên những vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc như: Đèn biển Tiên Lữ, hệ thống rađa cảnh giới biển tầm xa trên đảo Phú Quý, đảo Lý Sơn… đặc biệt là công trình đảo Đá Tây - một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Nơi thử thách ý chí
Đã nghỉ hưu theo chế độ, song hình ảnh về những ngày tháng dầm mưa bám biển xây dựng công trình đảo Đá Tây vẫn luôn đau đáu trong ký ức của ông Nguyễn Tân Khoa, nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA Biển Đông, nguyên Phó tổng giám đốc Ban QLDA 6. Ông Khoa kể, năm 1995, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, Bộ GTVT quyết định thành lập Ban QLDA Biển Đông để làm chủ đầu tư các dự án thuộc chương trình Biển Đông - Hải đảo.
“Giai đoạn đầu, Ban Biển Đông chỉ vỏn vẹn hơn chục người, trang thiết bị nghèo nàn, trụ sở cũng phải đi thuê. Công trình của ban khi đó gần như nằm toàn bộ trên biển, cách đất liền hàng trăm hải lý. Tuy nhiên, tất cả anh em đều rất hào hứng với công việc mới, ai cũng mong muốn trực tiếp ra đảo thi công để được nếm trải hương vị mặn mòi và đắm mình trong sóng biển quê hương”, ông Khoa chia sẻ.
"Trên công trường mênh mông sóng nước, những thời điểm thủy triều rút, bất kể ngày hay đêm, anh em đều phải dồn hết sức lực với tinh thần tập trung cao nhất. Tôi nhớ, có những đêm anh em phải làm đến 3-4h sáng mới lăn ra ngủ. Đến khi mặt trời chiếu lòa mắt mới thức dậy để về tàu”. Ông Nguyễn Tân Khoa |
Giữa năm 1995, ông Khoa được lãnh đạo Ban QLDA Biển Đông giao nhiệm vụ phụ trách công tác xây dựng đảo Đá Tây - đảo chìm cách đất liền gần 600km thuộc quần đảo Trường Sa, một công trình phải thi công trong những điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp. “Đó là những ngày tháng không thể nào quên trong suốt cuộc đời gắn bó với ngành GTVT của tôi. Quá trình xây dựng đảo là nơi thử thách ý chí và lòng kiên định của những người giao thông”, ông Khoa nhớ lại.
Thử thách đầu tiên các đơn vị tham gia xây dựng đảo Đá Tây phải đối mặt đó là vấn đề thủy triều. Hàng ngày, khi mực nước biển ở khu vực đảo Đá Tây xuống thấp nhất cũng chỉ có một dải cát dài khoảng 20m, rộng chừng 3m nổi lên mặt nước trong thời gian không quá hai giờ đồng hồ, còn lại là mênh mông sóng nước. Để phục vụ quá trình thi công, các khối bê tông đúc sẵn bắt buộc phải được thực hiện trên đất liền. “Các khối bê tông cỡ lớn bằng cả ngôi nhà 5 tầng, trọng lượng lên tới 700 - 800 tấn được đúc trong các âu tàu tại khu vực bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc vận chuyển các khối bê tông từ đất liền ra ngoài đảo thi công là cả một quá trình gian nan, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và công nghệ vô cùng phức tạp”, ông Khoa nói và cho biết, để đưa được khối bê tông xuống biển phải bơm nước vào cho âu tàu nổi lên rồi mới dùng sà làn 2.000 tấn kéo ra ngoài đảo.
Cấu tạo của những chiếc sà lan cũng rất đặc biệt, có thể chìm hẳn dưới nước, chỉ có hai cột thông nước nổi lên. Mỗi lần kéo, sà lan cũng chỉ mang tối đa được 4 khối bê tông. Nếu sóng yên biển lặng mất khoảng ba ngày đêm để ra đến đảo, gặp khi biển động, gió lớn, mất đến cả tuần lênh đênh trên biển. Khi các khối bê tông từ đất liền đã tập kết ngoài đảo, các mũi thi công tinh nhuệ bắt đầu tiến hành tạo phẳng bề mặt đáy biển bằng các tốp thợ lặn chuyên nghiệp. Sau đó, những người thợ giao thông sẽ đánh chìm các khối bê tông khổng lồ và khớp nối chúng với nhau thành tạo thành một đảo nổi với diện tích lên tới 3.000 m2, nhô cao so với mặt nước từ 1 - 2m.
Trực tiếp phụ trách dự án xây dựng đèn biển Tiên Lữ trong hai năm 1999 - 2000 với vai trò Trưởng Tư vấn giám sát (Ban QLDA Biển Đông), ông Trần An Hải, Phó tổng giám đốc Ban QLDA Hàng hải chia sẻ, đây là công trình đèn biển xa nhất thuộc quần đảo Trường Sa, điều kiện thi công vô cùng khó khăn. Toàn bộ vật liệu thi công: Cát, đá, xi măng… đều phải gói ghém cẩn thận trong những bao tải 25kg để đưa lên tàu vận chuyển ra đảo.
“Do khu vực thi công là đảo chìm, mỗi tháng chỉ nổi lên mặt nước hai lần nên khi thủy triều rút, các mũi thi công tập trung tất cả sức lực để thi công phần đế của công trình. Đầu tiên, anh em tiến hành quây móng thành một khối hình bát giác với diện tích hàng nghìn m2, rồi khoan 8 cọc nhồi xuống nền đá, sau đó mới tiến hành lát thép và đổ bê tông. Bên trên khối bê tông vững chắc, các mũi thi công tiến hành xây dựng khối trụ 3 tầng và tháp ngọn đèn hải đăng cao khoảng 24m”, ông Hải kể.
Công trình đèn biển Tiên Lữ được hoàn thành vào năm 2000 |
Thiếu thốn trăm bề
Ông Nguyễn Tân Khoa cho biết, việc xây dựng công trình ngoài khơi phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, con nước và phải làm theo mùa. Riêng với công trình xây dựng ở đảo Đá Tây, các đơn vị thi công chỉ làm được 4 tháng trong một năm. “Sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian sóng yên biển lặng, chúng tôi bắt đầu khăn gói ra công trường. Công tác thi công sẽ được tiến hành đến đầu tháng 5 Âm lịch là phải quay về đất liền bởi giữa tháng 5 là thời điểm gió Tây Nam bắt đầu thổi mạnh, thường xuyên có những trận bão lớn càn quét, biển động dữ dội. Do đó, mọi công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng ngay từ trong bờ”, ông Khoa chia sẻ và cho biết, vật liệu mang ra thi công không được thiếu, cũng không được thừa. Từng viên gạch được gói ghém cẩn thận, từng bao xi măng phải được bọc nilong hai lớp để tránh bị thấm nước. Chỉ một sơ suất nhỏ khiến vật liệu bị xâm nhập mặn coi như công sức bị đổ xuống biển.
Không chỉ gặp khó khăn về điều kiện thi công, trong quá trình xây dựng các đảo ở Trường Sa, hàng trăm cán bộ, công nhân của ngành GTVT phải chịu nhiều thiếu thốn về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Ông Trần An Hải chia sẻ: “Tất cả đồ ăn thức uống, nhu yếu phẩm như: Gạo, nước mắm, rau xanh,… đều phải mang theo từ đất liền. Khó khăn hơn cả là nước ngọt phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Với tiêu chuẩn cao nhất của cán bộ, mỗi buổi sáng một người cũng chỉ được định mức dùng một ca nước vừa rửa mặt, vừa đánh răng. Tắm táp sẵn nước biển, xong rồi xoa vài chén nước ngọt cho đỡ ngứa. Ăn uống cũng khổ bội phần, bởi đồ ăn chủ yếu là đồ hộp và mì ăn liền, rau xanh rất thiếu”.
Về đời sống tinh thần, thời điểm ấy, sóng di động và sóng radio trên đảo Đá Tây và Tiên Lữ đều chưa có, mọi thông tin liên lạc với gia đình đều không thể thực hiện được. “Không có bất cứ phương tiện giải trí nào đáng kể nên những lúc rảnh rỗi anh em chỉ quây quần nhâm nhi vài chén rượu cho đỡ nhớ vợ con nơi quê nhà. Để báo cáo tình hình thi công dự án với Bộ GTVT, chúng tôi chỉ có một cách liên lạc duy nhất là thông qua tổng đài ICOM chạy bằng ắc quy của lực lượng quân đội đóng trên đảo. Mỗi khi cần liên lạc phải hẹn giờ trước với tổng đài ICOM đặt tại trụ sở Bộ GTVT. Tuy nhiên, gặp những hôm thời tiết xấu, tổng đài ICOM không thể kết nối, chúng tôi buộc phải liên hệ sang tổng đài của CIENCO8 đang thi công tại đất bạn Lào nhờ họ chuyển tin tức, tình hình thi công tại dự án về Bộ GTVT”, ông Khoa hồi tưởng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận