Bên lề

Chuyện nhà vệ sinh sân vận động

31/12/2015, 18:30

Người hâm mộ bóng đá được phen xôn xao khi VFF đã công bố danh tính 7 CLB không được cấp phép dự V-League.

vong-3-v-league-2015-hagl-kho-hoi-sinh-1
Ảnh minh họa.

Mới đây, người hâm mộ bóng đá được phen xôn xao khi VFF đã công bố danh tính 7 CLB không được cấp phép dự V-League. Trong số đó có cả những tên tuổi như HAGL, SLNA, Thanh Hóa, Hải Phòng, ĐTLA hay QNK Quảng Nam, XSKT Cần Thơ. Nghe đâu, nhóm CLB trên chưa đáp ứng đủ điều kiện, chủ yếu tập trung ở các tiêu chí: cơ sở vật chất, tài chính và thể thao.

Bi hài nhất phải kể đến CLB ĐTLA không có nhà vệ sinh ở khán đài B khiến khán giả phải “giải quyết nỗi buồn” ngay tại chỗ, gây mất vệ sinh. Hải Phòng thì không có nhà vệ sinh dành riêng cho nữ và đang làm đơn xin VFF gia hạn thời gian để nâng cấp sân.

Dẫu vậy, các đội bóng bị nêu tên ở trên cũng chẳng phải quá lo lắng bởi về lý là như vậy còn về tình thì kiểu gì chả được du di. Người Việt ta vẫn có câu “một nghìn cái lý không bằng một tí cái tình”. VFF đời nào đẩy các đội bóng thành viên vào ngõ cụt chỉ vì… cái nhà vệ sinh.

Chính ông Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn đã khẳng định: “Chứng chỉ sân là cần thiết nhưng hoàn cảnh bóng đá Việt Nam là không thực tế vì sân không thuộc sở hữu của CLB, vì vậy phải tìm cách tháo gỡ sao cho hợp lý…”. Nên chúng ta có thể hiểu là VFF sẽ mở cho các đội bóng chưa đủ tiêu chuẩn một con đường sống. Nôm na hơn, VFF sẵn sàng thỏa hiệp bởi nếu loại 7 CLB kể trên, V-League chắc chắn sẽ “chết yểu”. Mà như vậy, cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam cũng mất kha khá quyền lợi.

Thực ra, chẳng cần đợi đến chuyện cái nhà vệ sinh ở sân Long An, sân Lạch Tray, từ lâu bóng đá Việt Nam cũng đá tồn tại sự thỏa hiệp, châm chước. Đơn cử như việc các đội bóng dự giải VĐQG cần phải hoạt động theo cơ chế chuyên nghiệp từ bộ máy tổ chức tới cơ sở vật chất, nhưng đếm trên đầu ngón tay có mấy CLB làm được. Rồi cả chuyện phải duy trì các lứa trẻ, công khai tài chính… VFF nhìn thấy hết, biết hết nhưng đều tặc lưỡi cho qua bởi nếu o ép quá lỡ họ bỏ giải thì khó trăm bề.

Chính tâm lý sẵn sàng thỏa hiệp này khiến bóng đá Việt Nam, V-League mãi cứ trì trệ. Tại sao VFF không dám “đau một lần” để thay đổi tận gốc vấn đề. Cách làm của VFF tạo cho các CLB thói quen qua loa, đại khái bởi kiểu gì chả “đỗ”. Khi những “tế bào” không chuyên nghiệp, bộ máy lãnh đạo không chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam bảo sao cứ mãi ở thời kỳ quá độ.

Thái Lan làm bóng đá chuyên nghiệp sau Việt Nam nhưng Thái League hiện có tới 18 đội, càng ở các giải thấp, số lượng đội tham dự càng lớn. Từ đó tạo nên một chân đế vững chắc cho bóng đá Thái Lan. Bóng đá Việt Nam cần gì sang Nhật Bản, Hàn Quốc học hỏi cho xa xôi, chỉ cần quyết liệt được như người Thái, nền bóng đá của chúng ta sẽ có hy vọng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.