Tổ tự quản TTATGT Phố Bói cứu giúp người gặp tai nạn |
Hơn 20 năm qua, không quản nắng mưa, ngày đêm, chỉ cần nghe tin có TNGT xảy ra trên địa bàn, thành viên các Tổ tự quản trật tự An toàn giao thông (TTATGT) Phố Bói, Thanh Liêm, Hà Nam lại lên đường tới hiện trường để sơ cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu, bảo vệ hiện trường, phân luồng đảm bảo TTATGT...
Đêm đang ngủ có tin báo là ra ngay hiện trường
Từng là bộ đội, xông pha nơi chiến trường bom rơi đạn nổ, ông Đinh Văn Chính (SN 1962, thôn Phố Bói, xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), Tổ trưởng Tổ tự quản TTATGT Phố Bói không xa lạ và ngại ngần gì trước những vết thương.
Năm 1985, xuất ngũ về quê hương, ông Chính tham gia công tác đảm bảo ANTT tại địa phương. Hồi ấy, QL1 chưa được nâng cấp, cải tạo, đường gồ ghề khó đi. Những buổi tuần tra đảm bảo ANTT trên địa bàn, ông Chính chứng kiến nhiều vụ TNGT thương tâm, nhiều nạn nhân tử vong vì không được đưa đi cấp cứu kịp thời.
“Trước thực trạng ấy, tôi nuôi ý định phải đứng ra bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn rồi kêu gọi người dân giúp đỡ, đưa người bị nạn đi cấp cứu. Năm 1989, kêu gọi được thêm vài người nhiệt tâm thiện nguyện muốn cứu người, Tổ tự quản TTATGT Phố Bói ra đời. Đến năm 1991, Tổ tự quản mới chính thức được UBND xã phê chuẩn”, ông Chính nhớ lại.
Đến nay, Tổ tự quản TTATGT thôn Phố Bói có 4 thành viên chính gồm: Ông Đỗ Quốc Gia - trưởng thôn Phố Bói, Đinh Văn Chính và Đào Xuân Hạ là công an viên của xã Thanh Phong, bà Ngô Thị Lụa mở cửa hàng thuốc ở thôn. Khi có TNGT xảy ra, ai nấy đều nhanh chóng sắp xếp để ra hiện trường phối hợp cùng người dân khu vực giúp người gặp nạn, bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông.
Bà Nguyễn Thị Thủ, vợ ông Đỗ Quốc Gia chia sẻ, ông Gia là thương binh, sức khoẻ yếu trong khi các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu vào ban đêm. Nhiều lúc đang ngủ có điện thoại của người dân báo tai nạn, thấy ông ấy vội vàng thay đồ cầm đèn pin ra hiện trường mà thương. “Mình muốn chồng nghỉ ngơi nhưng ông ấy bảo giúp đỡ mọi người là niềm vui, làm công việc ý nghĩa để tích đức cho con cháu sau này, nên tôi cùng con cháu cũng động viên, ủng hộ để ông ấy phấn khởi”, bà Thủ nói.
Bà Ngô Thị Lụa, hội viên Hội Chữ thập đỏ xã và là thành viên Tổ tự quản kể, nhiều vụ TNGT xảy ra, cửa hàng đang có khách, bà lại phải nhanh chóng bán cho khách rồi vội vàng xách đồ đi. Có khi bà nhờ người thân trông hộ, nếu không có người trông giúp, bà phải đóng cửa hàng. Thậm chí, nhiều khi khách đông quá mà người dân báo tai nạn nghiêm trọng, bà đành xin lỗi khách qua cửa hàng khác để nhanh chóng tới hiện trường. Bà Lụa cười xuề: “Biết là mình kinh doanh cần khách hàng nhưng mạng người quan trọng, có thể chậm 1 giây cũng khiến ai đó mất đi người thân, nên không thể chậm trễ được”.
Trao đi yêu thương, niềm vui ở lại
Mỗi vụ TNGT đều để lại sự day dứt cho các thành viên Tổ tự quản. Bà Ngô Thị Lụa kể, một tối tháng 5/2008, Tổ tự quản nhận được thông tin một vụ tai nạn khiến 5 cháu học sinh thương vong, chiếc xe gây tai nạn đã bỏ trốn.
“Trong số 5 cháu có 1 cháu đã tử vong, 1 cháu bị thương nặng. Sau khi sơ cứu cho các cháu bị thương, bảo vệ hiện trường và báo cho Công an huyện, chúng tôi phát hiện 2 thanh niên đi taxi tấp vào quán bia bên đường gần đó rồi dáo dác nhìn về hiện trường, dáng vẻ khả nghi. Lập tức, Tổ tự quản đã báo tin cho lực lượng CSGT tiến hành chặn xe và bắt giữ các đối tượng, cùng chiếc xe tang vật”, chị Lụa nói.
>>>Xem thêm video:
Gần đây nhất, tháng 8 vừa qua, trên QL1 đoạn qua địa phận thôn Phố Bói xảy ra vụ tai nạn, chiếc xe tải chở rau quả từ Ninh Bình ra Hà Nội mất lái đâm vào cổng nhà dân ven đường khiến đầu xe bẹp dúm. Ba thành viên trong Tổ tự quản được huy động cùng hàng chục thanh niên khu vực dùng xà beng mở cửa xe đưa 3 nạn nhân kẹt trong buồng lái ra ngoài, rồi bắt taxi đưa các nạn nhân đến bệnh viện. Do vết thương nặng, 2 nạn nhân đã tử vong. Các thành viên trong Tổ tự quản lại hỗ trợ người nhà đưa nạn nhân về quê Ninh Bình để mai táng.
Sau đó mấy hôm, người thân các nạn nhân tìm đến nhà ông Chính cảm ơn mọi người đã tận tình giúp đỡ. Đó là những niềm vui nho nhỏ để những thành viên nhiệt huyết ấy thêm gắn bó với công việc thiện nguyện này.
“Có những đối tượng gặp TNGT khi trong người nồng nặc mùi rượu, được Tổ tự quản giúp đỡ lại giở thói hung hăng, doạ đánh, không cho sơ cứu. Nhiều trường hợp khuyên bảo không được, chúng tôi phối hợp cùng người dân khống chế, khẩn cấp sơ cứu nạn nhân rồi đưa đi bệnh viện. Không ít lần vẫy mãi không xe nào dừng lại, tôi phải chặn xe lại, chụp ảnh biển số xe để buộc các lái xe phải chở bệnh nhân đi cấp cứu. Những lần như thế, chúng tôi đều tự bỏ tiền túi để trả tiền xe cho nạn nhân“, ông Chính cho biết.
Theo ông Chính, công việc của Tổ tự quản tưởng đơn giản nhưng khá nguy hiểm khi phải thường xuyên tiếp xúc với máu, vết thương, đấy là chưa kể trường hợp những nạn nhân gặp TNGT là những người nghiện, nhiễm HIV. “Nhưng lúc có TNGT, trong đầu chúng tôi chỉ có một việc duy nhất là phải cứu người. Cứ cứu được ai, giúp đỡ được người nào là chúng tôi thấy vui rồi”, ông Chính trải lòng.
Tổ tự quản TTATGT Phố Bói là một trong 70 tổ tự quản hoạt động trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực giảm thiểu TNGT trên địa bàn. Hàng năm, Ban ATGT tỉnh đều hỗ trợ 1 triệu đồng/tổ tự quản để các tổ trang bị các thiết bị như: Băng đỏ đeo tay, gậy chỉ dẫn giao thông, mũ cứng, còi, sổ ghi chép, bút, tủ thuốc hoặc túi cứu thương, loa cầm tay phục vụ công tác đảm bảo ATGT. Ông Bùi Đức Tĩnh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam Ngoài việc tham gia sơ cứu nạn nhân TNGT, các tổ tự quản trên địa bàn còn tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, làm đường giao thông; đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị; vận động các hộ dân ven đường giải tỏa mặt bằng, vi phạm hành lang ATGT. Ông Phạm Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận