Mới đây, chàng trai 23 tuổi mắc dị tật bẩm sinh khiến chân trái không phát triển, đã vững vàng bước đi trên đôi chân của mình nhờ kỹ thuật kéo dài chân của các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bác sĩ khám cho một ca phẫu thuật kéo dài chân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Chỉ 2 - 3 tháng, hiện thực hóa giấc mơ chân dài
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Văn Lượng, Khoa Chấn thương chỉnh hình tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Chúng tôi đã chỉnh sửa, kéo dài 18cm chân cho nam bệnh nhân 23 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc, mắc dị tật bẩm sinh khiến chân trái không phát triển. Đây là lần kéo với chiều dài lớn nhất từ trước đến nay”.
Được biết, lúc 8 tuổi, bệnh nhân đã được tạo hình lại khớp háng trái. Năm 10 tuổi, anh được kéo dài cẳng chân trái 4 cm.
Tuy nhiên, chân trái kém phát triển nên tiếp tục ngắn hơn chân phải, vẹo ra sau; khớp háng bên trái của bệnh nhân biến dạng phức tạp.
Hiện, ở Việt Nam chỉ có Trung tâm Chấn thương chỉnh hình tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện kỹ thuật kéo dài chân và được đánh giá rất tốt. Ngoài đối tượng là những người mang bệnh lý khiến chân so le cần can thiệp thì những người có cơ thể thấp bé cũng tìm đến kỹ thuật, tuy nhiên phải chấp nhận những rủi ro bởi can thiệp nào cũng có nguy cơ cả. Sau phẫu thuật thành công thì sức khỏe người bệnh không bị ảnh hưởng.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Với biến dạng phức tạp như vậy, các bác sĩ phải chỉnh thẳng, đồng thời kéo dài cẳng chân và đùi cho bệnh nhân theo hai phương pháp khác nhau.
Cuối năm ngoái, bệnh nhân bắt đầu quá trình sửa lỗi tạo hóa của mình. Anh được đóng đinh nội tủy ở cẳng chân để giữ chân thẳng trục, đồng thời cẳng chân và đùi bệnh nhân sẽ được cố định bằng khung cố định ngoài. Xương đùi và xương cẳng chân được cắt rời với đường mổ nhỏ chỉ 2cm. Mỗi ngày bệnh nhân sẽ tự vặn khung cố định ngoài theo hướng dẫn và xương sẽ sinh thêm ở khe giữa hai đầu xương bị cắt rời.
Trung bình một tháng, mỗi xương được kéo sẽ dài ra 3cm.
Khi kéo được ba tháng, bác sĩ bỏ khung cố định và đặt một nẹp khóa (vào trong xương đùi) để cố định xương thay cho khung, còn xương chày thì được cố định bởi một đinh nội tủy.
Lúc này, bệnh nhân không cần đeo khung, có thể sinh hoạt, không đau đớn, không cản trở động tác gấp gối, thuận tiện phục hồi chức năng.
Theo BS. Lượng, trước năm 2011, khi kéo chân theo phương pháp cổ điển, tức bệnh nhân phải đeo khung kéo dài hàng năm trời, thì số lượng bệnh nhân rất ít, mỗi năm chỉ 2 - 3 trường hợp.
Nay, sử dụng phương pháp mới, với thời gian điều trị chỉ từ 2 - 3 tháng (phụ thuộc vào chiều dài chân cần kéo), bệnh nhân ít chịu đau đớn, ít biến chứng và nhanh tập vật lý trị liệu phục hồi. Cũng vì vậy, số lượng bệnh nhân tăng lên, trung bình khoảng 30 - 40 ca/năm, nam nhiều hơn nữ, 2/3 dưới 30 tuổi.
“Đáng nói trong số đó có tới 50%, người bệnh tìm đến kỹ thuật kéo dài chân với mong muốn có được tầm vóc cao lớn hơn”, BS. Lượng cho hay.
Kéo dài chân để “giải tỏa tâm lý tự ti”
Bác sĩ kiểm tra lại sau phẫu thuật kéo dài chân cho bệnh nhân
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế với tấm bằng giỏi nhưng chàng trai Nguyễn Q.H. (Hà Nội) luôn “thu mình” bởi chiều cao vô cùng khiêm tốn, chưa tới 1m6. Ngày tìm đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quốc đội 108, H. đi cùng với mẹ với tâm lý vô cùng tự ti.
H. cho biết, ngoại hình thấp bé nhẹ cân khiến H. ám ảnh từ nhỏ, nhất là khi trong gia đình bố mẹ và anh trai của H. ai cũng to cao. H. ao ước có một ngày đạt được chiều cao như mong muốn.
Nhiều người bị hạn chế về chiều cao rất muốn thực hiện loại hình phẫu thuật này song lo sợ đau đớn. Thực tế, bệnh nhân chỉ đau tại vết mổ hoặc trong quá trình đeo khung cố định bị viêm chân do đinh xuyên qua da, song trường hợp này ít xảy ra. Không có gì là dễ dàng, vì không phải tự nhiên mà tăng được đến 6 - 7 cm chiều cao như vậy.
TS. Nguyễn Văn Lượng
Niềm khát khao có được chiều cao của H. được BS. Lượng cùng các đồng nghiệp hiện thực hóa. Mất khoảng thời gian chừng 2,5 tháng thực hiện kỹ thuật kéo dài chân, H. có được chiều cao xấp xỉ 1m7.
Cũng tương tự H., chàng trai trẻ tuổi du học sinh ở Úc Trần V.T. sau khi tốt nghiệp cũng tranh thủ kỳ nghỉ để trở về Việt Nam thực hiện kỹ thuật kéo dài chân.
Cao 1,65m, so với đồng lứa không phải quá thấp nhưng T. chia sẻ cảm thấy lép vế, mất tự tin khi đứng cạnh các đồng nghiệp nước ngoài. Sau 6 tháng ở Việt Nam, T. đã được kéo dài chân để có chiều cao hơn 1,7m.
TS. Lượng cho biết, có hai nhóm có nhu cầu kéo chân, gồm kéo dài chân bệnh lý và nhóm thẩm mỹ. Nhóm bệnh lý là can thiệp cho người có hai chân so le thành hai chân bằng nhau.
Với nhóm thẩm mỹ, những người có tầm vóc thấp nhỏ sẽ được kéo chân để có tầm vóc cao lớn hơn. Độ tuổi tốt nhất để một người phẫu thuật kéo dài chân là 18 - 35.
Bên cạnh đó, không phải ai cũng thực hiện được kỹ thuật này, chống chỉ định với người có bệnh lý về tim mạch, xương khớp, biến dạng cổ chân, khớp gối, bàn chân bẹt…
Theo TS. Lượng, kỹ thuật kéo dài chân dựa trên nguyên lý: Xương nếu được cắt ra, cố định một cách chắc chắn, hàng ngày khe cắt được giãn ra một cách từ từ với tốc độ 1mm/ngày hoặc thấp hơn thì sẽ hình thành canxi xương ở chỗ cắt xương.
Sau khi đạt được chiều dài mong muốn, sẽ phải giữ chắc để canxi xương được khoáng hóa, đặc dần lên và thành xương như bình thường của bệnh nhân.
Với nguyên lý này, đến nay hình thành 3 nhóm phương pháp kéo dài chân gồm: Phương pháp cổ điển, dùng khung cố định bên ngoài để kéo với 1,5cm/tháng. Hiện, phương pháp này nhiều nơi vẫn sử dụng nhưng nhược điểm là thời gian kéo dài rất lâu, để lại nhiều sẹo, nguy cơ nhiễm trùng cao, nguy cơ lệch trục cao.
Phương pháp thứ 2, là sử dụng đinh nội tủy kết hợp khung cố định ngoài. Phương pháp này giúp kéo dài 3cm/tháng, giải quyết hầu hết các nhược điểm của phương pháp cổ định và có thể được tiến hành kéo dài ở cả phần ống chân hoặc phần đùi. Đây cũng là phương pháp được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ngoài ra, trên thế giới còn phương pháp thứ 3 sử dụng thiết bị hiện đại hơn đó là đóng duy nhất một đinh vào ống tủy với cả 2 chức năng cô định và kéo giãn với 1 thiết bị điều khiển bên ngoài. Tuy nhiên, phương pháp này chưa phổ biến vì giá thành cao, vẫn đang được cập nhật và điều chỉnh để tối ưu hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận