Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ là sự kết hợp hài hòa của một nhà chính trị và một Tư lệnh kiêm Chính ủy quân đội tài năng |
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Tư lệnh và Chính ủy Bộ Tư lệnh 559 Phan Trọng Tuệ là một người cộng sản kiên trung, có nhiều công lao đóng góp vào nhiệm vụ mở rộng đường Trường Sơn của hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ, Báo Giao thông trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một phần hồi ký của ông về mở rộng đường Trường Sơn huyền thoại.
Cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Phan Trọng Tuệ |
Mùa mưa Trường Sơn 1965
Tháng 4/1965, sau khi kết thúc hội nghị của Tổ chức đường sắt quốc tế OSZD tại Hà Nội được mấy hôm, tôi được lệnh triệu tập họp Quân ủy Trung ương. Đồng chí Văn thay mặt Quân ủy phổ biến nhiệm vụ của tôi, do Bộ Chính trị quyết định. Tôi tham gia Quân ủy Trung ương giữ nhiệm vụ Chính ủy, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 (tương đương một quân khu).
Sáng qua (6/7), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT tới dâng hương tưởng nhớ cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ tại Nhà tưởng niệm ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đồng chí Phan Trọng Tuệ sinh năm 1917 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Ông là vị tướng đầu tiên nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh ngành GTVT và người duy nhất hai lần làm Bộ trưởng GTVT trong khoảng thời gian từ 1961 - 1974 và từ 1976-1981. Với hai lần đảm nhiệm Bộ trưởng, ông đã có 17 năm 7 tháng làm Bộ trưởng GTVT. Hôm nay (7/7), TP Hà Nội phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Phan Trọng Tuệ. Đây là dịp để tri ân những đóng góp to lớn của ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Với trách nhiệm là một sỹ quan quân đội nhân dân kết hợp với cương vị hiện tại là Bộ trưởng Bộ GTVT, tôi có điều kiện huy động mọi lực lượng và tiềm năng của hai bộ, mở rộng đường Trường Sơn. Nhiệm vụ bắt đầu từ mùa mưa năm ấy và trước mắt là phải tăng nhanh khối lượng vận chuyển hàng cấp tốc chi viện cho các chiến trường từ Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Nam bộ...
Đây là nhiệm vụ khó khăn vì tôi đã biết mùa mưa Trường Sơn từ lâu nay vẫn là một cản trở rất lớn, thậm chí còn làm ngưng trệ mọi hoạt động vận tải ngay cả trên các tuyến đường đá của thời Pháp xây dựng. Còn đường đất mùa mưa sình lầy, trơn trượt sẽ cản trở nhiều hơn. Đương nhiên, tôi phải đảm bảo thông suốt giao thông vận tải ở hậu phương với cương vị phụ trách Bộ GTVT, hậu phương trực tiếp của Đoàn 559 là Khu 4. Vì vậy, giao thông ở Khu 4 phải đảm bảo trong mọi tình huống để hợp đồng vận chuyển xây dựng chân hàng cho Đoàn 559, đồng thời phải vận chuyển kịp thời cho lực lượng quân sự bảo vệ cầu đường và nhu cầu thiết yếu của nhân dân để đảm bảo cho sản xuất. Lực lượng phòng không của ta lúc này có hạn và dự phòng cầu phà của ngành Giao thông cũng chưa nhiều. Trong khi đó, địch đánh phá ác liệt và tập trung vào cầu đường, nhà ga. Để đối phó với tình hình ấy, ta đã đề ra và thực hiện khẩu hiệu kiên trì: “Địch phá, ta sửa ta đi”, “Địch lại phá, ta lại sửa ta đi”. Nhưng dẫu sao khẩu hiệu ấy vẫn mang tính bị động. Bộ GTVT chúng tôi đang chuẩn bị khẩn trương tạo ra thế chủ động, nay nhận thêm nhiệm vụ này, việc phối hợp có thuận lợi hơn giữa Bộ Quốc phòng và Đoàn 559 với Bộ GTVT, song rất nặng nề và phạm vi lãnh đạo rất rộng.
* * *
Sau hội nghị Quân ủy, tôi khẩn trương bắt tay ngay vào công việc. Tôi dành nửa ngày để lo giải quyết công việc ở Bộ GTVT, phân công lại các Thứ trưởng, ra các chỉ thị, mệnh lệnh cần thiết để điều động lực lượng cơ giới mạnh trong ngành và cán bộ kỹ thuật cho Đoàn 559 để có thể vào tuyến sớm. Nửa ngày còn lại, tôi làm việc với Bộ Tư lệnh 559, lúc bấy giờ đóng ở Lý Nam Đế. Tôi cùng các đồng chí Võ Bẩm, Vũ Xuân Chiêm làm việc tỷ mỷ với các bộ phận công binh, vận tải, hậu cần, vạch phương án tổ chức mới. Các trạm giao liên gùi thồ được chấn chỉnh tổ chức thành binh trạm. Chia toàn bộ hệ thống đường Trường Sơn thành 3 tuyến. Từng bước mở đường cơ giới vận tải bằng xe ô tô quân sự, phá thế độc tuyến, bắt đầu từ tuyến I. Mỗi tuyến tổ chức một Bộ Tư Lệnh, có lực lượng tương đường sư đoàn với các lực lượng làm đường, công binh, vận tải, giao liên, kho, bộ đội chiến đấu bảo vệ, bộ đội phòng không đánh địch...
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác thắp hương tưởng nhớ tại mộ phần cố Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ |
Trên đường phía Tây Trường Sơn, để tiếp tục vận chuyển trong mùa mưa lũ, chúng tôi nhất trí việc đầu tiên có tính quyết định là phải thông được xe trên tuyến I từ R đến đường 9 (từ phà Xuân Sơn, phá Tân Ấp Bắc, Quảng Bình đến đường 9 Nam Lào). Đó là, nhiệm vụ trọng tâm số 1 của đường Hồ Chí Minh, vì đầu tuyến là nơi tập kết chân hàng chở từ hậu phương chi viện cho miền Nam qua tuyến II và III, là các tuyến đường 9 Nam Lào tới giáp Tây Nguyên và các đầu đường đi B2. Nếu tuyến I thông thì tuyến sau mới có hàng. Trọng điểm khó khăn của tuyến I là phải tránh túi nước Xiêng Phan trên đường 12 Bắc Trung Lào và tận dụng nó, đồng thời phải thi công một con đường cho xe cơ giới đi được, coi như nhiệm vụ cấp bách để thay thế cho đường 129 từ Bắc Trung Lào đến đường 9 nhỏ hẹp (chúng tôi đặt tên là đường 128).
* * *
Để mở đường 128, bộ đội tăng cường công binh, GTVT huy động công nhân và các lực lượng làm đường cơ giới. Tôi phải điều lực lượng cơ giới mạnh nhất của Bộ đang thi công trên công trường Tây Bắc, cộng với xe máy tốt của các công trường khác hành quân cấp tốc, hạn cuối tháng 4 tại ngã ba Làng Khăng, đầu đường 129 tuyến I. Vì nếu chậm thì túi nước Xiêng Phan sẽ dâng, xe không thể vào được tuyến thi công.
* * *
Để tăng cường lực lượng, tôi huy động thêm các cán bộ kỹ thuật của ngành GTVT vào công trường. Lúc bấy giờ, Viện Thiết kế giao thông là đơn vị có nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật nhất. Đồng chí Nguyễn Nam Hải vừa nhận nhiệm vụ quyền Viện trưởng đã lập tức mặc quân phục, khoác ba lô vào chiến trường. Anh em cán bộ và công nhân GTVT đã trải qua mấy tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, nên có lệnh là đi, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ như những chiến sĩ công binh trong quân đội. Được phép của Hội đồng Chính phủ, ngành Giao thông cũng sử dụng một lực lượng thanh niên xung phong rất lớn, rất dũng cảm và sẵn sàng lên đường ngay.
* * *
Để kịp tiến độ, anh em làm bất kể ngày đêm và cuối tháng 4 đã có đủ máy móc thi công, gồm 21 máy xúc, 2 máy khoan, 2 máy ép hơi, 2 công trình xa và 1 cần cẩu đã phát huy hiệu quả lớn. Có ngày làm được 5-6km, một kỷ lục từ trước đến nay. Đội cầu 4 của Bộ GTVT có 10 kỹ sư và 156 công nhân phụ trách làm cầu phà cho đường 050 và 12 vì do trời mưa, phát thêm ngoài dự kiến. Anh em báo cáo đã có đơn vị bộ đội cơ giới vừa vào túc trực sẵn ở đầu đường 128 chờ thông xe. Tin ấy càng động viên, nhắc nhở chúng tôi nỗ lực sớm hoàn thành trọng điểm 128, quyết thông xe vào cuối tháng 7.
* * *
Ngoài tuyến này, ta còn nghiên cứu mở rộng thêm nhiều đường vượt Trường Sơn nữa làm cho hệ thống cơ giới cơ động hơn, phân tán sức tàn phá của địch. Anh em gọi đó là chiến dịch căng địch ra mà đánh trên mặt trận GTVT. Quân số của Đoàn 559 có lúc lên đến gần 20 nghìn người, trong đó ngành giao thông đóng góp gần 8.000 người.
Theo lệnh từ tiền tuyến yêu cầu đến tháng 6/1965 phải vận chuyển đến tận S8 số lượng hàng 1.200 tấn, đến B46 là 390 tấn, đến B45 là 600 tấn... Tổng cộng hàng chi viện cho miền Nam khoảng 3.000 tấn. Ngoài ra, phải vận chuyển một khối lượng hàng rất lớn để xây dựng lực lượng và nuôi quân của mình đảm bảo bám trụ trên ba tuyến, đưa khách, quân đoàn, sư đoàn lớn vào mặt trận. Trong khi đó, thời điểm này là mùa mưa Trường Sơn khắc nghiệt, kéo dài.
* * *
Công việc của Bộ Tư lệnh 559 rất nặng nề, phải lo đường mới, sửa đường cũ, tận dụng các đoạn có thể vận chuyển cơ giới để tung lực lượng vào hoạt động, tận dụng các dòng sông, suối để tung thuyền ra vận chuyển như sông Noong - cà - đeng, sông Sê Băng Hiêng, sông Sê Công...
Vấn đề đặt ra là túi nước Xiêng Phan dài gần 30km đang cao khiến tiếp tế khó khăn, không đáp ứng kịp cho tiền tuyến. Phải làm sao để phá thế độc đạo ở hậu phương, ở tuyến lửa, ở khắp các tuyến Đông và Tây Trường Sơn. Sau khi nghiên cứu kỹ, cấp trên quyết định mở tuyến đường từ động Phong Nha, Đông Trường Sơn vượt qua Trường Sơn thọc sâu vào cánh đồng Lùm Bùm phía Tây Trường Sơn, nối với giữa đường 128 và kéo dài xuống đường 9. Con đường này dài khoảng 150km và kiên quyết phải được thông trước mùa mưa năm 1966. Thời gian chỉ còn khoảng 5 tháng nên con đường vừa được thiết kế, vừa khảo sát, vừa thi công với ý chí và quyết tâm cao và được đặt tên là đường 20.
* * *
Sau đường 20, những năm sau, ngành Giao thông mở những đường tạo chân hàng cho Đoàn 559, như đường 22 tránh Đèo Ngang, đường 21 từ Thạch Hà lên Tân Ấp nối các cửa khẩu của Trường Sơn. Đó là những ngày khẩn trương, sôi nổi và không kém phần căng thẳng.
Sau khi giải quyết cơ bản vấn đề túi nước Xiêng Phan, thông xe đường 128, hàng hóa được chuyển xuống tuyến II qua đường 128 tấp nập. Đường 20 đã được rải quân làm từng đoạn. Về căn bản, tuyến I đã được giải quyết và tận dụng được đường thủy. Các tuyến khác tiếp tục được mở rộng và nối liền các đoạn đường cơ giới, xe có thể lưu thông cả hai mùa mưa và mùa khô.
* * *
Trước tôi, anh Võ Bẩm, Đoàn trưởng Đoàn 559, tiền thân của Bộ Tư lệnh 559 sau này, là người đầu tiên mở đường giao liên đưa khách, có từ thời kháng chiến chống Pháp thành đường gùi thồ đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn chiến lược, có đoạn đã cho xe cơ giới nhẹ chạy. Đến thời điểm này, con đường xuyên suốt Trường Sơn đã góp phần chi viện quan trọng cho các chiến trường miền Nam…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận