Vượt khó khăn làm cao tốc
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,2km, tổng vốn đầu tư trên 13.815 tỷ đồng, khởi công từ ngày 3/4/2019 và được đưa vào sử dụng đầu tháng 9 năm nay được đánh giá là tuyến cao tốc có phong cảnh hai bên đường đẹp nhất trong các tuyến cao tốc hiện nay của cả nước.
Tuyến cao tốc ven biển Vân Đồn - Móng Cái đi qua nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp
Để có được tuyến đường đẹp như mơ này, dự án không chỉ tháo gỡ được nguồn vốn, huy đồng được nguồn lực ngoài ngân sách, mà quá trình thi công tuyến đường này, PV Báo Giao thông ghi nhận được chủ đầu tư và các nhà thầu đã liên tiếp xác lập kỷ lục mới so với những công trình trước đó tại địa phương.
Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án điều chỉnh tách tthành 2 dự án với 2 mô hình đầu tư khác biệt.
Trong đó, đoạn cao tốc Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26km, tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng được triển khai theo hình thức BOT, ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình phụ trợ khoảng 490 tỷ đồng. Đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,08km có tổng vốn là 3.658 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách.
Khó khăn nhất trong dự án là thi công đoạn Vân Đồn - Tiên Yên, bởi tuyến này dài 16,08km nhưng có 7 cây cầu lớn, trong đó cầu Vân Tiên dài tới 1.515m (là cây cầu dài nhất tỉnh Quảng Ninh tính đến thời điểm hiện tại), tổng khối lượng đào đắp nền đường gần 5 triệu m3 đất, đá. Trong khi đó, so với cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, đoạn đường này được triển khai sau gần 1 năm.
Tuy tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài gấp gần 4, nhưng lượng đất, đá phải đào, đắp chỉ gần gấp đôi tuyến Vân Đồn – Tiên Yên với gần 9 triệu m3. Nhiệm vụ đặt ra cho chủ đầu tư rất nặng nề tưởng chừng “không tưởng” là phải đẩy nhanh tiến độ để có thể đồng bộ với tuyến cao tốc Tiên Yên - Móng Cái trong năm 2021.
Ông Hoàng Văn Thọ, Giám đốc HECO nhớ lại: Tuyến đường này tuy ngắn, nhưng lại có nhiều cầu, cống, vượt qua nhiều vùng đầm lầy ven biển rộng lớn với độ sâu của bùn trung bình từ 5-8m; nhiều khu vực địa hình phức tạp, thủy triều dâng cao, nhất là vào mùa mưa, bão… Đặc biệt, là do yêu cầu kỹ thuật, nếu bố trí đắp nền, lu, lèn và chờ tắt lún thì phải mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Tong điều kiện thủy triều rất phức tạp, các nhà thầu vẫn nỗ lực thi công cầu Vân Tiên hoàn thành trước tiến độ
Các đơn vị nhà thầu, vượt khó khăn duy trì liên tục phương tiện, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ
Do vậy, giải pháp kỹ thuật được đưa ra là nạo, vét bùn ở vùng đầm lầy rồi đổ đất thay thế. Nhờ vậy, từng "điểm nghẽn" về giải pháp thi công đã được tháo gỡ kịp thời, giúp tiến độ thi công được đảm bảo.
Anh Nguyễn Đình Hải, Chỉ huy trưởng Nhà thầu Hiệp Hòa, thi công cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên cho biết: Gói thầu đơn vị triển khai dài gần 5km, bao gồm 3 cầu. Đây là gói thầu lớn và dài nhất tuyến cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên. Để đảm bảo kế hoạch hoàn thành đồng bộ tuyến vào cuối tháng 3/2022, hơn 300 cán bộ, công nhân luôn bám sát công trường, huy động trên 100 đầu phương tiện để tổ chức thi công trong cả 3 ca, 4 kíp liên tục các hạng mục…
"Điều kiện địa chất khu vực thi công phức tạp với độ bùn, nước sâu, nhất là những đợt triều cường đã cản trở rất lớn trong quá trình thi công. Cùng với đó, thời điểm diễn ra dịch Covid-19 phức tạp làm cho việc điều động nhân lực, phương tiện và chăm lo sức khỏe cho người lao động cực kỳ khó khăn", anh Hải nhớ lại.
Kết nối chặt chẽ, khai thác hiệu quả
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là mảnh ghép cuối cùng được hoàn thành của tuyến cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài 176km, chiếm 16,83% tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước, được thiết kế với vận tốc 120km/giờ, 4 làn xe.
Cầu Vân Tiên trên cao tốc nằm ở vị trí rất đẹp khiến du khách ấn tượng.
Việc hoàn thành tuyến cao tốc nay của Quảng Ninh đã và đang từng bước thực hiện quy hoạch "1 tâm, 2 tuyến, đa chiều", tạo sự hình thành kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, thêm sự kết nối vùng, phù hợp chủ trương của Trung ương là đưa Quảng Ninh và Hải Phòng đã trở thành cực tăng trưởng mới.
Điểm nhấn của tuyến đường là sự nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế; hình thành vùng kinh tế có hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, chuỗi kinh tế hỗ trợ để cùng phát triển, cửa ngõ kết nối giao thương ASEAN với thị trường Trung Quốc.
Mới đưa vào khai thác được vài tháng, nhưng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có lượng xe di chuyển trung bình đạt trên 5.000 lượt/ngày, hoạt động giao thông an toàn, thông suốt.
Hệ thống thu phí tự động cũng được lắp đặt ngay sau khi cao tốc đưa vào sử dụng
Điều ấn tượng nhất là du khách hành trình trên tuyến cao tốc này là được ngắm cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn với sự kết hợp hài hòa giữa rừng và biển. Như tại Móng Cái, ngay sau ngày cao tốc này khánh thành, du khách đã nườm nượp đổ về thành phố vùng biên này để đến các điểm du lịch như Mũi Sa Vĩ, bãi biển Trà Cổ hay các điểm mua sắm hàng hóa. Dịp lễ 2/9 vừa qua, đã có hơn 150.000 du khách đến Móng Cái thăm quan, nghỉ dưỡng - một con số chưa từng có .
Không chỉ khởi sắc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, TP Móng Cái còn thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến để nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất. Trong đó, có không ít thương hiệu tên tuổi hàng đầu trong nước như Sun Group, Vin Group, Ecopark, T&T, C.E.O, Sovico... cùng một số nhà đầu tư nước ngoài…
Du lịch trải nghiệm ở những ngôi làng bích họa của vùng đồng bào dân tộc Dao vùng biên giới Móng Cái cũng có dịp khởi sắc sau khi cao tốc đi vào sử dụng
"Tuyến cao tốc kết nối từ nội địa ra Móng Cái đã mở mang và tăng giá trị dư địa đất đai, gia tăng cơ hội phát triển. Đây cũng chính là cơ hội lớn để Móng Cái đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, phân bố dân cư, phù hợp với mục tiêu lấp đầy các quy hoạch phân khu trong khu vực Khu Kinh tế cửa khẩu. Tới đây, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển thêm các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng... ", ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận