Sẽ xử lý trường hợp của cô đồng T.H nếu có vi phạm
Liên quan đến vụ việc clip người phụ nữ tên T.H (tại Hải Dương) xem bói qua việc bổ cau đang lan truyền trên mạng xã hội, ông Nguyễn Phan Phúc - Phó trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Xuất bản Thanh tra Báo chí và Xuất bản (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay Bộ đã nắm được và đang xử lý từng bước về vụ việc.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật trong các video cô đồng T.H đăng tải
Trong quá trình xử lý vụ việc, nếu xác định có vi phạm, Bộ sẽ có ý kiến yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến bói toán, mê tín dị đoan của người phụ nữ nói trên.
"Nếu xác định được vi phạm, đầu tiên sẽ để cho bà T.H gỡ bỏ clip, nếu không sẽ dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, xóa bỏ những clip ấy", ông Phúc nói thêm.
Hiện, lãnh đạo Công an thị xã Kinh Môn, Hải Dương, cho biết đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc cũng đang vào cuộc xác minh, kiểm tra vụ việc liên quan.
Theo lãnh đạo Công an thị xã Kinh Môn, trường hợp nếu có các vi phạm, Công an thị xã sẽ cùng với Ban chỉ đạo tôn giáo của thị xã làm rõ và xử lý theo các quy định của pháp luật.
Liên quan đến các clip của cô đồng T.H, phía TikTok Vietnam vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Cô đồng T.H ở Hải Dương vừa bổ cau vừa xem bói trên mạng xã hội
TikTok, Facebook tràn lan "thầy bói online"
Theo khảo sát, Facebook có đến hàng trăm hội, nhóm xem bói chỉ tay, tử vi, tướng số, ngoại cảm tâm linh, phong thủy cải mệnh,... với lời cam kết “chuẩn”, “chính xác 99,9%”.
Cùng với đó là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tài khoản tự xưng là "thầy bói", "cô, cậu"... Số người theo dõi các tài khoản này lên đến hàng trăm nghìn người. Đặc biệt, những ngày đầu năm mới, dịch vụ xem bói online càng nở rộ trên mạng xã hội.
Điểm chung của các tài khoản, hội nhóm này là thường xuyên đăng tải clip xem bói về vận mệnh, tình duyên, sự nghiệp, bắt ma... Khi có người quan tâm, các tài khoản tư vấn nhiệt tình, thậm chí cung cấp cụ thể thời gian, địa chỉ để đặt lịch.
Hình thức xem bói rất đa dạng, từ bói chỉ tay, bói bài, bói bổ cau, đến xem tử vi, xem tuổi… với nhiều mức giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng.
Hoạt động xem bói nở rộ trên mạng xã hội
Trên TikTok, hoạt động xem bói online cũng nở rộ không kém. Trên thanh công cụ tìm kiếm, hashtag #tarot (45,5 tỷ lượt xem), #tuvi (4,7 tỷ lượt xem), #xemboi (gần 552 triệu lượt xem) đều rất phổ biến.
Thực tế, không phải đến thời điểm hiện tại, những clip có dấu hiệu mê tín dị đoan như cô đồng T.H mới được lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội.
Trên thế giới, thực trạng xem bói online đã trở thành hiện tượng nhức nhối. Trang Vtcynic từng cảnh báo về việc nhiều người trẻ hiện nay quá tin tưởng vào các video xem bói, coi tarot trên mạng để quyết định mọi việc trong cuộc sống.
Trong bài viết có nhan đề “Mặt tối của xem tarot trên TikTok”, trang Inverse khẳng định nhiều người tự xưng là “thầy”, “tarot reader” trên nền tảng này “chỉ lừa dối mọi người”.
"Không hề có “thông điệp từ vũ trụ” mà chỉ là thuật toán mà TikTok hay các nền tảng khác nghĩ rằng đấy là những gì người dùng muốn xem và nghe. Vì vậy, lời khuyên là hãy cẩn thận với nội dung được đề xuất ở mục “Dành cho bạn”.
Nếu không, hậu quả sẽ không chỉ là sự tiếc nuối về thời gian và tiền bạc đã bỏ ra, mà còn là tình trạng lừa đảo tiền bạc, lợi dụng niềm tin để kiếm chác", Inverse viết.
Tháng 3/2021, chủ kênh TikTok Thơ Nguyễn bị Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải clip “xin vía học giỏi” gây hiểu nhầm trong dư luận. Mức phạt đưa ra được căn cứ theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận