Ngày 20/8, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị rò mủ sau khi tiêm mỡ tự thân cho mặt đầy đặn ở một spa.
Đến nay, cô gái này đã trải qua một tháng điều trị trong viện vì liên tục xuất hiện các ổ mủ. Bệnh nhân phải dùng kháng sinh liều cao, rạch nhiều vết trên mặt để dẫn mủ ra ngoài nhưng ổ mủ mới vẫn tiếp tục hình thành.
Trước đó, cô gái cũng trải qua gần 20 ngày điều trị tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong tình trạng mặt biến dạng, sưng vù, xuất hiện 4 lỗ rò mủ trên khuôn mặt.
Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm dịch mủ cho thấy nhiễm 2 vi khuẩn, một vi nấm.
Bệnh nhân cho biết, mặt cô vốn đã đầy đặn, căng mịn nhưng nghe chủ spa tư vấn tiêm mỡ tự thân vào 2 rãnh cười để cười không có nếp nhăn, nhìn căng mọng hơn nên H. liền đồng ý tiêm mỡ tại một spa nhỏ ở Hà Nội.
"Lúc đến spa nhìn thấy dụng cụ và nghe nói về phương pháp, tôi cũng rất lo lắng nhưng cô người quen liên tục động viên nên tôi đã tiêm. Tôi được gây tê vùng bụng, rạch bụng hai đường nhỏ để đưa ống hút bằng đầu đũa vào hút mỡ. Sau khi chủ spa đưa mỡ vào máy ly tâm, tôi cũng định không làm nữa vì sợ nhưng lại được động viên tiêm mỡ vào da rất đẹp, không tiêm thì phí nên cố tiêm" - H. kể.
Cô gái xinh đẹp mặt chi chít lỗ rò mủ trên mặt sau tiêm mỡ tự thân
Một ngày sau tiêm, mặt H. sưng vù, H. đã chụp ảnh gửi cho chủ spa và được kê đơn thuốc uống 1 tuần không khỏi.
Cô gái trẻ quay lại spa, được chủ dẫn đến một spa khác nơi được giới thiệu là dạy nghề cho người chủ spa này và tiếp tục được kê thuốc tiêm, uống.
Sau 3 ngày không đỡ, thấy mặt sưng vù nên H. đã đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 khám và được chỉ định nhập viện ngay vì nguy cơ nhiễm trùng.
Cô gái xinh đẹp trước khi tiêm mỡ tự thân.
Đến nay sau 8 ngày điều trị, cô gái từ 2 vết tiêm xuất hiện 2 ổ mủ và ngay dưới hốc 2 mắt cũng xuất hiện 2 ổ mủ mới. Các bác sĩ đã phải chích rạch để mủ thoát ra ngoài, dùng kháng sinh nặng nhưng các ổ mủ mới vẫn tiếp tục hình thành.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh ở bệnh viện nên kết quả cấy vi khuẩn không phát hiện. Tuy nhiên, việc xuất hiện các ổ mủ mới cho thấy vẫn còn tình trạng nhiễm khuẩn. Nếu là tụ cầu thường điều trị 1-2 tuần khỏi, nhưng nếu là vi khuẩn whimore (một loại vi khuẩn có trong đất) việc điều trị rất phức tạp, điều trị vài tháng.
Hiện nay, ngoài việc điều trị vi khuẩn, bệnh viện cũng phải mời các bác sĩ khoa lành vết thương (Viện Bỏng quốc gia) phối hợp điều trị nhằm giảm nguy cơ sẹo xấu, co kéo, dính trên vùng mặt bệnh nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận