Vận tải

Cơ hội nào cho các hãng hàng không mới?

22/05/2018, 06:00

Theo các chuyên gia, thị trường hàng không Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển.

1

Nếu Hãng hàng không Tre Việt của FLC ra đời trong năm 2018 sẽ thêm cơ hội lựa chọn cho hành khách (Trong ảnh: Máy bay của Vietjet chuẩn bị đón khách tại sân bay Nội Bài) - Ảnh: Tạ Tôn

Dư địa còn nhiều

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành chia sẻ, dù đang có mức tăng trưởng nhanh nhưng tiềm năng phát triển thị trường hàng không Việt Nam cũng rất lớn. “5 năm qua, phải dùng từ bùng nổ để nói về sự phát triển của du lịch Việt Nam. Chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng của khách Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam lại nhanh như hiện nay. Thực tế, Việt Nam đã và đang trở thành 1 trong 10 địa điểm được yêu thích nhất của khách Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Italia”, ông Thành nói và cho biết, dư địa để phát triển hàng không ở Việt Nam còn rất lớn.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lê Mạnh Hùng thông tin thêm: “Nếu như những năm 1990 Việt Nam chỉ có 1 triệu hành khách đi qua các cảng hàng không mỗi năm, đến năm 2017, con số này đã là 94 triệu hành khách, tức là cao gấp 94 lần. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, đến năm 2030 mỗi năm sẽ có khoảng 7,8 tỷ hành khách đi máy bay. Đây là một tín hiệu lạc quan nếu so với con số khoảng 4,1 tỷ hành khách đi máy bay năm 2016”.

Tại hội thảo về chủ đề: “Nhận diện cơ hội và thách thức trong thị trường hàng không” mới đây, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ tiềm năng lớn của thị trường hàng không Việt Nam. Theo ông Kiên, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định, đến năm 2035, thị trường hàng không Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 5 thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất thế giới. Trước đó, trong giai đoạn 2013- 2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất toàn cầu.

Cũng lạc quan về tiềm năng phát triển thị trường hàng không của Việt Nam, GS.TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, tỷ lệ người được bay của Việt Nam hiện nay rất thấp, chỉ 60%. Trong khi đó, con số này tại các nước khác trong khu vực lên tới 80%.

2

Bamboo Airways đặt mục tiêu chiếm lĩnh 3-5% thị phần vận tải khách bằng đường hàng không

Bầu trời “mở” cho tân binh

Khi tiềm năng, dư địa phát triển của thị trường hàng không được đánh giá còn rất rộng mở, việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 lại tiếp tục tạo “cú hích” lớn cho thị trường hàng không, đặc biệt là rộng cửa cho “người mới”.

Theo quy định tại Nghị định 118/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, một trong các yêu cầu là dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành. Căn cứ theo Quyết định 236 của Thủ tướng, đến năm 2020, số lượng tàu bay khai thác đạt trên 220 chiếc và đến năm 2030 đạt trên 400 chiếc. Trong khi đó, số liệu thống kê từ Cục Hàng không VN cho thấy, tính đến hết ngày 15/3, lượng tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam mới dừng lại ở con số 175 chiếc.

Theo Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng, để hàng không phát triển, hạ tầng phải đi trước một bước. Muốn mở một đường bay, trước hết phải mở một sân bay. Đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, ACV đã xây dựng kế hoạch 2018 - 2025 báo cáo Bộ GTVT xem xét phê duyệt.

Theo đó, trong giai đoạn này, ACV lên kế hoạch đầu tư, nâng cấp hàng loạt sân bay, nâng tổng công suất nhà ga là 185 triệu khách năm, nếu tính cả sân bay bay Long Thành là 210 triệu khách/ năm. Một số dự án lớn được ông Hùng nhắc đến là xây mới nhà ga hành khách tại sân bay: Cát Bi, Phú Bài, Chu Lai, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nội Bài và Tân Sơn Nhất… với tổng vốn lên tới 57 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm CHK quốc tế Long Thành).

Điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội bay thương mại sẽ mở ra đối với Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Air) - những “tân binh” đang ngấp nghé gia nhập thị trường bởi đây đều là những đơn vị đã hội đủ các tiêu chí nhưng chưa được cấp phép do dự án đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành. Vấn đề là các “tân binh” này liệu có chớp được cơ hội và có cạnh tranh nổi với 2 “ông lớn” hiện nay trên thị trường là Vietnam Airlines và Vietjet?

Về vấn đề này, ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, hãng này có những lợi thế riêng mà các hãng hàng không khác không có được. “Hành khách nếu mua vé của Bamboo Airways kết hợp với đặt phòng tại các khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC (công ty mẹ của Bamboo Airways) sẽ nhận được mức giá “rất dễ chịu”. Đối tượng khách hàng chuyên biệt khác của Bamboo Airways là các giải golf quốc tế được tổ chức tại các điểm du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết, Bamboo Airways là hãng hàng không Hybrid - mô hình kết hợp giữa hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống, đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách.

“Giá vé của chúng tôi sẽ cao hơn một chút so với hàng không giá rẻ và thấp hơn hãng truyền thống nhưng chất lượng dịch vụ rất được đảm bảo. Về lâu dài, chúng tôi hướng tới chất lượng của một hãng hàng không 5 sao, có cung cấp hạng ghế thương gia để phục vụ khách chơi golf”, ông Thắng nói.

Về cách thức thâm nhập thị trường của Bamboo Airways, trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia đến từ Cục Hàng không VN phân tích, thời gian đầu, Bamboo chỉ cần tập trung chuyên chở khách đến các điểm du lịch cũng như các sân golf của Tập đoàn FLC cũng đã rất tốt rồi. Lựa chọn của Bamboo về việc khai thác thị trường ngách cũng rất hợp lý với quy mô ban đầu còn nhỏ lẻ của họ. Khi thành công rồi thì họ có thể mở rộng hoạt động sau. “Đây cũng là cách mà rất nhiều hãng hàng không trên thế giới đã từng áp dụng và thành công”, vị này cho hay.

Trên thực tế, Tập đoàn FLC cũng nhìn nhận rõ điều này khi đặt mục tiêu chiếm lĩnh 3-5% thị phần vận tải khách bằng đường hàng không, một con số khá khiêm tốn song được đánh giá là “biết mình, biết người”.

Trong kế hoạch bay của mình, trước mắt, Bamboo Airways sẽ chỉ tập trung vào các tuyến bay quốc tế nối Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Philippines…) với các điểm du lịch tại Việt Nam như: Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Trên thị trường nội địa, hãng sẽ tập trung vào các đường kết nối các điểm du lịch như đường bay từ Thanh Hóa đi Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc hay đường bay kết nối Hải Phòng - Quy Nhơn...

Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết Bamboo Airways vẫn đang trong quá trình chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ dự án vận tải Hàng không Tre Việt, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, trước khi chuyển sang bước quan trọng tiếp theo là xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định tại Nghị định 92 về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không. Tuy nhiên, phía Bamboo Airways, Tổng giám đốc Đặng Tất Thắng lại xác nhận tại buổi ra mắt bộ nhận diện thương hiệu của hãng rằng cuối năm 2018, hãng hàng không này sẽ nhận khoảng 10 máy bay đầu tiên và chính thức đi vào hoạt động. Trong khi đó, hiện chưa rõ thời điểm Vietstar Airlines được cấp phép và đi vào hoạt động. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.