Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Tài chính

Cơ hội vàng từ 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế đối ứng

Cơ hội vàng từ 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế đối ứng

19/04/2025, 06:26

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt tái cấu trúc sản xuất.

Đánh giá đúng bản chất thặng dư thương mại

Thưa ông, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, thay vì ngày 9/4 như dự kiến sẽ mang lại cơ hội gì cho Việt Nam?

Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày là khoảng thời gian quý giá để rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nhằm tránh nguy cơ bị cáo buộc lẩn tránh thuế từ nước thứ ba.

Cơ hội vàng từ 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế đối ứng- Ảnh 1.

TS Nguyễn Sĩ Dũng.

Đây cũng là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa quy trình sản xuất và minh bạch hóa dữ liệu nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc. Cùng đó là việc tối ưu chi phí, kiện toàn bộ máy quản trị và mở rộng thị trường xuất khẩu…

Nếu tận dụng hiệu quả khoảng thời gian này, doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro từ các rào cản thương mại mà còn có cơ hội nâng cao năng lực nội tại, tạo bước đệm vững chắc cho chiến lược chinh phục thị trường toàn cầu trong dài hạn, ngay cả tình huống xấu nhất.

Thặng dư thương mại là một trong những lý do chính khiến Mỹ cân nhắc áp thuế lên hàng hóa từ các nước khác. Ông đánh giá như thế nào về thặng dư thương mại Việt - Mỹ thời gian qua?

Phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, từ dệt may, da giày đến linh kiện điện tử… thực chất là các sản phẩm có giá trị gia công thấp. Trong khi, các yếu tố cấu thành giá trị lớn hơn như thiết kế, thương hiệu, công nghệ... lại thuộc về các công ty Mỹ hoặc các đối tác toàn cầu.

Nhìn sâu hơn, chúng ta cần tính đến việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng toàn diện. Về mục tiêu, đó sẽ là xây dựng một nền kinh tế có nội lực mạnh mẽ để có thể độc lập, tự chủ, từ các doanh nghiệp trong nước.

Về mô hình phát triển, buộc phải tăng trưởng bền vững, coi mức tăng thu nhập của người dân là một chỉ số cơ bản cần phấn đấu. Về biện pháp, rất có thể chúng ta phải chuyển hướng sang coi tiêu dùng là chủ đạo, bằng việc phát triển thị trường trong nước thông qua các biện pháp khác nhau.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên gia phân tích về kinh tế

Ví dụ, một đôi giày bán tại Mỹ với giá 150 USD, nhưng phần Việt Nam giữ lại chỉ khoảng 10 USD - tức là phần lớn giá trị gia tăng vẫn nằm ở phía đối tác nhập khẩu.

Mặt khác, cán cân thương mại hiện nay chưa phản ánh đầy đủ dòng chảy của các sản phẩm trí tuệ, dịch vụ số, giáo dục mà Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng phần mềm của Microsoft, dịch vụ đám mây của Google, Apple; hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ, đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm.

Những dòng thu này không được thể hiện trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng đó là lợi ích thực chất và đều đặn.

Do đó, nếu chỉ nhìn vào con số thặng dư thương mại hàng hóa và cho rằng Việt Nam đang "hưởng lợi nhiều hơn" là chưa đầy đủ và thiếu công bằng.

Người tiêu dùng Mỹ cũng thiệt hại

Trong tình huống xấu nhất, nếu không đạt được thỏa thuận về mức thuế đối ứng thấp hơn, theo ông, Việt Nam chịu tác động như thế nào?

Trước hết, việc Mỹ áp thuế cao đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh về giá, đặc biệt là trong các ngành có biên lợi nhuận thấp như dệt may, da giày, đồ gỗ...

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sẽ phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động hoặc mất thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng xuất khẩu và việc làm trong nước.

Cơ hội vàng từ 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế đối ứng- Ảnh 2.

Đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp căn cơ để ứng phó với diễn biến thị trường trước bất kỳ hoàn cảnh nào (ảnh minh họa).

Ở chiều ngược lại thì sao, thưa ông?

Rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các công ty Mỹ, hiện đang sử dụng Việt Nam như một mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chi phí đầu vào từ Việt Nam tăng lên do thuế, họ sẽ phải đối mặt với sự xáo trộn chuỗi cung ứng, tăng chi phí sản xuất và giảm hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của chính mình.

Đặc biệt, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ là bên chịu thiệt. Các mặt hàng thiết yếu nhập khẩu từ Việt Nam như quần áo, giày dép, đồ nội thất, sản phẩm tiêu dùng sẽ buộc phải tăng giá, chẳng khác nào chính người tiêu dùng Mỹ cũng bị đánh thuế. Những người thu nhập trung bình và thấp sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt nhất.

Về lâu dài, việc áp thuế cao có thể tạo ra tâm lý thiếu thiện chí, làm suy giảm lòng tin giữa hai đối tác chiến lược.

Khi niềm tin bị tổn thương, không chỉ thương mại, mà cả đầu tư, chuyển giao công nghệ và hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, cả hai bên đều có lợi ích thiết thực trong việc tìm ra một giải pháp dung hòa, đặt quan hệ đối tác lâu dài và sự ổn định của chuỗi giá trị toàn cầu lên trên những phản ứng mang tính ngắn hạn.

Một mức thuế hợp lý, phản ánh đúng bản chất mối quan hệ kinh tế bổ sung giữa hai nước là điều cần thiết để bảo vệ lợi ích đôi bên - bao gồm cả doanh nghiệp và người dân hai nước.

Trị bệnh "công xưởng chi phí thấp"

Vậy, cách nào để giảm tác động từ diễn biến trên, thưa ông?

Theo tôi, đầu tiên cần củng cố lòng tin chiến lược giữa hai nền kinh tế. Hai bên cần đối thoại thẳng thắn, minh bạch và dựa trên dữ liệu thực chất về chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần nhận thức rõ, cán cân thương mại không thể chỉ nhìn vào giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, mà cần tính đến giá trị thực sự hai bên đang nắm giữ.

Thứ hai, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Mỹ để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ hay lẩn tránh xuất xứ, nếu có. Đây là hành vi cá biệt, cần bị loại trừ.

Thứ ba, về dài hạn, Việt Nam rất mong muốn Mỹ hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, tham gia sâu hơn vào các phân khúc có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam không muốn mãi là "công xưởng chi phí thấp" mà hướng tới trở thành đối tác sáng tạo, có năng lực cạnh tranh thực chất. Trong hành trình đó, Mỹ có thể đóng vai trò là người bạn đồng hành chiến lược thông qua hợp tác trong đào tạo, đổi mới sáng tạo, và đầu tư chất lượng cao.

Đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, và tăng hàm lượng giá trị gia tăng nội địa sẽ là giải pháp căn cơ và bền vững nhất để ứng phó.

Cảm ơn ông!


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.