Thí sinh làm thủ tục thi đại học tại Hội đồng thi Trường ĐH Văn hóa |
“Gánh nặng” thi chung
Theo phương án kỳ thi Quốc gia của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ thi ba môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn thi tự chọn (gọi là các môn tối thiểu). Các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ, ngoài thi bốn môn tối thiểu, sẽ đăng ký thi thêm các môn theo yêu cầu xét tuyển của các trường này.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Trường hợp không đủ điều kiện thi ngoại ngữ có thể tự chọn thay thế một trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định được miễn thi tốt nghiệp môn này.
Bộ GD&ĐT vừa đề nghị các trường ĐH - CĐ, học viện xác định các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của trường và gửi về bộ trước ngày 15/10/2014. Các trường tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh. |
Về đề thi, các môn Toán, Ngữ văn, Sử, Địa sẽ thi tự luận 180 phút; Các môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm 90 phút. Xét công nhận tốt nghiệp THPT, được kết hợp kết quả bốn môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có). Sau khi có kết quả thi quốc gia, các thí sinh mới đăng ký tuyển sinh.
Về kết cấu đề thi, theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) “sẽ được thiết kế khá giống với đề thi ĐH, CĐ năm 2014, nội dung tiếp cận với chương trình SGK phổ thông và đảm bảo ổn định để thí sinh không gặp khó khăn nhiều trong việc ôn thi, không bị… sốc”.
Mặc dù đại diện Bộ GD&ĐT đã khẳng định “ít xáo trộn” nhưng nhiều giáo viên, học sinh vẫn lo lắng trước “yêu cầu vừa cơ bản, vừa nâng cao đảm bảo tính phân hóa” và cho rằng Bộ cần cụ thể hơn. Giáo sư Văn Như Cương nhận xét: “Như môn Văn, thí sinh thi khối A mà phải làm bài Văn trong 180 phút với yêu cầu đánh giá xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH là điều rất khó khăn. Cũng tương tự như vậy với thí sinh thi khối C khi phải làm đề Toán 180 phút”.
Vẫn phải thi đại học?
Theo ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ có thể chủ động xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia; xét tuyển dựa trên kết quả học tập tại THPT của thí sinh; tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng hoặc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh... Ngoài ra, có thể bổ sung các hình thức như sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ, năng khiếu và các hình thức phù hợp khác. Tuy nhiên, cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh và trình duyệt qua Bộ.
Em Trần Khánh Tùng (học sinh Trường THPT Trần Phú) băn khoăn: “Em dự định năm tới thi ĐH Y Hà Nội, tính ra phải ôn thi 5 môn, tuy nhiên, đến nay em vẫn chưa biết kế hoạch tuyển sinh của Trường Y thế nào; sau kỳ thi Quốc gia, có phải tham dự thêm kỳ thi riêng của trường không…”. Đó cũng là mối quan tâm của không ít học sinh, phụ huynh trước kỳ thi lần đầu tổ chức.
Trong khi đó, tại thời điểm này, rất ít trường ĐH - CĐ công bố đề án tuyển sinh năm 2015. Qua khảo sát của PV Báo Giao thông, phần lớn các trường trên địa bàn Hà Nội như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải… đều cho biết, sớm nhất phải sang đầu tháng 10 mới có thể công bố đề án tuyển sinh năm 2015. Hầu hết các trường thuộc top trên đều khá thận trọng với độ tin cậy của kỳ thi chung và cân nhắc phương án “sàng lọc thêm”.
Điển hình như Trường ĐH Y Hà Nội, theo ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng, chắc chắn trường sẽ có kỳ thi riêng. Một số trường khác cũng cho biết sẽ sử dụng kết quả thi chung để tuyển sinh song song với tổ chức kiểm tra thêm một số môn thi để sàng lọc đầu vào.
“Các trường ĐH hàng đầu đều có xu hướng tổ chức kỳ tuyển sinh riêng, như vậy liệu có xảy ra tình trạng 10 trường thì sẽ có 10 cuộc thi như thế? Bộ lại không khống chế số lượng thí sinh đăng ký dự thi trên toàn quốc thì học sinh lại lũ lượt thi hết trường nọ đến trường kia. Bộ cần tính toán kỹ để định hướng cho các trường ĐH, hạn chế tốn kém, vất vả cho thí sinh”, Giáo sư Văn Như Cương lưu ý.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận