Vận tải

Có nên dùng máy soi chiếu như hàng không?

07/06/2016, 13:30

Việc kiểm soát các loại hàng hóa đi theo xe khách, ngăn ngừa thảm họa tương tự vụ nổ xe khách tại Lào...

8

Việc kiểm tra hàng bên trong là hầu như không có (Chụp tại BX Miền Đông) - Ảnh: Linh Hoàng

Nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa máy soi chiếu như hàng không áp dụng vào vận tải đường bộ để kiểm soát hàng hóa.

Có mua máy soi cũng không làm nổi

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Huế cho biết, bến đã trang bị hệ thống camera để kiểm soát hàng hóa. Tuy nhiên, nếu người gửi hàng “ngụy trang”, camera cũng rất khó phát hiện. Lực lượng chức năng tại bến có kiểm tra hàng hóa trên xe trước khi xe xuất bến, nhưng không được mở hàng ra kiểm tra vì không đủ thẩm quyền.

“Tại các bến xe hiện nay không có các phương tiện soi chiếu để kiểm tra như hàng lên máy bay vì kinh phí đầu tư rất lớn. Mặt khác, nếu hàng không chỉ có điểm đi và điểm đến, còn đối với xe khách nếu có kiểm tra chặt chẽ tại bến cũng chỉ giải quyết được phần nào vì sau khi xe ra khỏi bến các xe thường dừng dọc đường đón khách, nhận thêm hàng hóa”, ông Sơn nói.

"Trong điều kiện kinh doanh vận tải đã quy định: Lái xe, phụ xe phải có sổ giao nhận hàng, không được chở chất nổ, hàng hóa trái quy định. Vụ TNGT xảy ra tại Lào lỗi chủ yếu là do nhà xe cố tình chở quá tải và chất nổ. Nghị định 86 đang được sửa đổi để hoàn thiện hơn và sẽ quy định chặt chẽ, cụ thể về điều kiện kinh doanh vận tải, trong đó có việc vận chuyển hàng hoá trên xe khách”.

Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

Cùng quan điểm, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông (TP.HCM) cũng thừa nhận, đối với bến xe, những kiện hàng đã gói sẵn sẽ rất khó kiểm tra, nhất là nhiều xe khách đã chất hàng từ bên ngoài, chạy vào trong bến chở khách cũng không có quy định nào cho phép kiểm tra. “Bến xe không thể có hệ thống kiểm soát như sân bay vì việc mua máy soi chiếu để kiểm tra không làm nổi. Nếu có, hiện cũng chưa có quy định cho phép kiểm tra hàng hóa khi vào bến”, ông Hải nói.

Lạng Sơn là địa bàn có cửa khẩu nên đây cũng là nơi có nhiều xe đội lốt xe khách để vận chuyển hàng. Ông Lộc Viết Nghĩa, Phó trưởng Bến xe phía Bắc (Lạng Sơn) cho biết: “Khu vực chuyển phát hàng hóa tại bến chỉ kiểm soát lượng hàng, đảm bảo hàng hóa cho khách không bị thất lạc hay thiếu hụt, còn hàng khách chuyển là gì, bến xe không quan tâm”.

Về phía lực lượng chức năng trên đường, Trung tá Phạm Văn Sự, Phó trưởng phòng CSGT Lạng Sơn cho biết, đối với lực lượng CSGT, việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa vận chuyển trên xe khách được thực hiện trong quá trình TTKS trên đường. Với hàng xách tay theo hành khách sẽ kiểm tra theo hình thức cá nhân, còn hàng hóa theo lô phải kiểm tra giấy tờ liên quan, đơn hàng vận chuyển và sẽ xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm theo quy định.

Nhà xe cần có phương án đảm bảo an toàn cho mình 

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, ngoài việc kiểm tra, đảm bảo các nhà xe không vận chuyển các loại hàng cấm tại bến, chúng tôi tuyên truyền cho các nhà xe hiểu rõ nguy cơ khi chuyển những hàng không rõ nguồn gốc, không rõ người nhận, người gửi... Còn giải pháp tối ưu nhất vẫn là các công ty vận tải, các nhà xe cần có quy định, cũng như phương án đảm bảo an toàn cho riêng mình”. 

Liên quan đến thiết kế xe khách, Trung tá Phạm Văn Sự cho biết, thực tế, nhà sản xuất đã thiết kế xe ô tô chở khách chỉ để chở khách. Chủ xe, tài xế vì lợi nhuận chở thêm hàng hóa trong khoang chở khách sẽ không đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường... Khi xe phanh gấp có thể hàng hóa lăn, va đập vào người hành khách gây hậu quả khôn lường. “Trường hợp xe ô tô chở khách mà lại chở thêm hàng hóa trong khoang chở hành khách khi lưu thông trên đường sẽ bị lực lượng CSGT kiểm tra xử lý”, Trung tá Sự nói.

Theo bà Phan Thị Ngọc Lan, Giám đốc Xí nghiệp Bến xe Đà Nẵng, tất cả các xe đăng ký luồng tuyến, bến bãi tại bến đều phải ký cam kết không vận chuyển chất cấm. Bến cũng lắp đặt hơn 100 camera để theo dõi, ngăn ngừa vi phạm. 

Về vấn đề này, ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với khoang chở hành lý của xe khách được áp dụng từ năm 2012 chỉ quy định các yêu cầu cơ bản như: Phải có kết cấu vững chắc để đảm bảo an toàn cho hàng hóa. Tuy nhiên, trước một số sự cố xe khách liên quan đến việc chở hàng hóa, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 85 ngày 31/12/2015 và có hiệu lực từ 1/7/2016, trong đó quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật đối với khoang chở hành lý xe khách. Theo đó, khoang hành lý phải được bố trí dưới sàn, dọc hai bên sườn hoặc phía sau xe. Các khoang phải được chia thành từng khoang kín có kích thước không quá 1,5m theo chiều dọc xe và 1,225m theo chiều ngang, đảm bảo hàng hóa không dịch chuyển khi xe chạy.

“Từ 1/7/2016, các trường hợp xe sản xuất mới hay xe đang khai thác, sử dụng phải đáp ứng các yêu cầu trên mới được cấp chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật”, ông Khanh cho biết.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), về nguyên tắc theo các quy định hiện nay, xe khách không được phép vận chuyển hàng hóa mà chỉ được vận chuyển hành lý của hành khách đi xe. Đối với các trường hợp nhận hàng tại các văn phòng tại bến xe, việc vận chuyển phải theo đúng thiết kế của các loại xe và phải đảm bảo đúng tải trọng thiết kế cho phép của xe. Các loại hàng được vận chuyển không phải là hàng cấm, chất dễ cháy nổ. Trường hợp xe khách bị nổ tại Lào, nhà xe để hàng trên khoang hành khách là hoàn toàn sai quy định, vì trên khoang hành khách, không được để hàng hóa.

Khi được hỏi làm sao để kiểm soát các loại hàng hóa đưa lên xe khách, ông Thủy cho biết, đến nay các bến xe chưa thể thực hiện việc soi chiếu hàng hóa như ngành Hàng không đã làm. Tuy nhiên, những loại hàng cấm, cháy nổ nếu nhà xe phát hiện sẽ từ chối vận chuyển. Chắc chắn việc kiểm soát được như ngành Hàng không đang làm sẽ rất tốt nhưng trong điều kiện hiện nay lĩnh vực vận tải hành khách bằng đường bộ vẫn chưa làm được.

“Lý do không thể thực hiện quy định bến xe bắt buộc phải có các thiết bị soi chiếu hàng hóa vì đặc tính của xe khách là không chỉ đón khách ở bến mà còn đón khách tại các điểm đón khách trên đường nên việc kiểm soát như thế nào cũng là điều rất khó. Vì thế, có thể nói, yêu cầu phải có máy soi chiếu hàng hóa ở bến xe đang là một mong muốn nhưng yêu cầu bắt buộc phải có thì chưa làm được”, ông Thủy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.