Xã hội

Có nên “thắt lưng buộc bụng”, làm việc “kiệt sức” để đạt mục tiêu?

20/09/2019, 10:59

Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

img
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc sáng 20/9

Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Có ba vấn đề lớn được các đại biểu tập trung thảo luận là việc quy định về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; quy định tuổi nghỉ hưu và vấn đề bình đẳng giới.

Trong đó, việc mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa với hai phương án được cơ quan thẩm tra trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giữ nguyên như hiện hành (làm thêm tối đa 300 giờ/năm) hoặc nâng giờ làm thêm tối đa từ 300 lên 400 giờ mỗi năm được các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến phân tích, có những góc nhìn trái nhau.

Tăng năng suất, không tăng giờ làm

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, vì thế, giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.

“Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động làm người lao động sẽ cạn kiệt sức lực”, bà Thúy Anh nói. Theo đó, cơ quan thẩm tra không tán thành tăng giờ làm thêm dù thực tế có nhu cầu này.

img
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh quan điểm tăng năng suất lao động không phải dựa vào sức người mà phải dựa vào đổi mới công nghệ. “Nếu tăng giờ để tăng năng suất thì doanh nghiệp sẽ hạn chế cải tiến công nghệ mà tận dụng sức người. Như vậy người lao động rất khổ, không có thời gian chăm sóc gia đình”, ông Phúc nói và đề nghị nếu không giảm được giờ làm thì nên giữ nguyên, không tăng, để tạo điều kiện cho người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và nắm bắt các thông tin xã hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng nếu tăng giờ làm thêm sẽ đi ngược lại với xu thế phát triển chung. Vì vậy, chúng ta phải phấn đấu giảm giờ làm mà vẫn đảm bảo đời sống, y tế, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại ý kiến đa số của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không muốn tăng giờ làm thêm, nhưng do Chính phủ “tha thiết” phương án tăng giờ làm thêm do có nhu cầu thực tế từ cả người lao động và người sử dụng lao động, bà đề nghị trình cả 2 phương án ra Quốc hội để xin ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc lại phiên họp bàn về dự thảo phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 của Tiểu ban Kinh tế - xã hội và cho biết chúng ta đặt mục tiêu làm sao đến năm 2030, phải tạo cơ hội để Việt Nam đạt 8.000 đến 9.000 USD/đầu người. Nhưng để đạt mục tiêu này phải ứng dụng công nghệ, tăng năng suất lao động, nếu tận dụng sức lao động bằng cách tăng giờ làm thêm thì đi ngược lại xu thế. Ông Thanh ủng hộ giữ nguyên phương án 300 giờ nhưng không “bác” ý kiến của Chính phủ mà vẫn trình ra Quốc hội cả 2 phương án để Quốc hội cho ý kiến.

Cả nước “thắt lưng buộc bụng”, làm việc đến “kiệt sức” trong 5-7 năm?

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lại có một góc nhìn khác. Ông chia sẻ băn khoăn khi “không hiểu sao Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển cao như vậy mà họ vẫn học thêm, làm thêm nhiều hơn ở ta”.

Lấy dẫn chứng, các viện nghiên cứu ở nước ta quy định 8h làm việc nhưng khoảng 9h mới có người đến làm, nhưng ở nước họ, nếu 9h làm thì 8h30 đã đứng xếp hàng dài, vừa đứng ăn vừa xếp hàng để vào làm việc. Cuối giờ chiều, nếu 5h nghỉ họ lại không chịu về, nếu một người đàn ông về nhà sớm vợ sẽ hỏi vì sao về sớm thế.

img
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

“Họ thu nhập cao và có mức sống cao như vậy, không ai ép nhưng họ không vừa lòng với những gì đã đạt được”, ông Dũng nói và cho rằng chúng ta phải “thắt lưng buộc bụng” trong 5-7 năm nữa, cả nước đồng lòng làm việc “kiệt sức”, bằng hết khả năng để đạt được những mục tiêu mà chiến lược phát triển đã đặt ra, sau khi đạt được một mốc nhất định sẽ quay trở về xu thế chung.

Trao đổi lại về quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói việc các nước làm thêm giờ là văn hóa của mỗi nước. Còn ở nước ta, yếu tố gia đình, văn hóa, xã hội phải phù hợp để đảm bảo duy trì nòi giống và dân số Việt Nam, bảo đảm bình đẳng giới, cân đối quỹ BHXH trong dài hạn, tính đến xu hướng già hoá dân số.

“Nhiều nước lao động cật lực như thế, thu nhập thì cao đến mấy chục nghìn đô nhưng tình yêu người ta cũng bằng những vật robot thôi, không sinh đẻ, không lập gia đình, mình có theo hướng đó không?”, Phó chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề. Theo bà, luật phải quy định làm sao khả thi trong thực tiễn, bảo vệ được quyền lợi của người lao động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.