Từ sau Tết Nguyên đán, giá phân bón liên tiếp tăng mạnh bối cảnh nguồn cung bị hạn chế do tình hình chiến sự Nga – Ukraine. Giá phân bón nóng từng ngày, các cổ phiếu mặt hàng này trên sàn cũng tăng mạnh theo.
Tăng 45% chỉ sau 3 tuần
Tăng mạnh nhất là cổ phiếu VAF của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển với mức tăng 45% trong vòng 3 tuần qua. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3, VAF chốt 19.000 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu VAF tăng vọt trong ba tuần qua
Trước phiên giao dịch 14/3, VAF có tới 6 phiên tăng liên tiếp trong đó có 4 phiên tăng trần.
Ngoài thông tin hỗ trợ từ thị trường phân bón tăng giá, mã VAF cũng nhận được một số thông tin tích cực.
Cụ thể, ngày 28/3 tới đây, VAF sẽ chốt quyền tạm ứng cổ tức lần 1/2021 bằng tiền với tỷ lệ 5%. VAF dự kiến sẽ chi khoảng 9 tỷ đồng để thực hiện trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 15/4/2022.
Bên cạnh đó, mới đây ông Nguyễn Ngọc Thạch là thành viên HĐQT công ty đã nộp hồ sơ đăng ký chào mua 500.000 cổ phiếu VAF với giá đăng ký từ 12.000–14.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thực hiện giao dịch thành công ông Thạch sẽ nâng sở hữu lên gần 511.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 1,35% vốn.
Ngày 25/4 tới đây, VAF sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2022, danh sách cổ đông tham dự sẽ được chốt vào ngày 24/3/2022.
Xét về kết quả kinh doanh, năm 2021 VAF đạt doanh thu gần 147 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 2021 cũng chỉ khiêm tốn hơn 7 tỷ đồng.
Ngoài VAF, nhiều cổ phiếu phân bón khác cũng "leo thang". Đơn cử như cổ phiếu DCM của Công ty cổ phần Dầu khí Cà Mau trong ba tuần vừa qua tăng tới 43,7%. Chốt phiên giao dịch 14/3, cổ phiếu DCM đóng cửa 43.250 đồng/cổ phiếu.
Mã DPM (Công ty cổ phần Đạm Phú Mỹ) cũng tăng 30,4% lên 61.800 đồng/cổ phiếu; LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tăng 16,7%; SFG (Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam) tăng 12,8%...
Lợi nhuận tốt, giá sẽ còn tăng?
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành phân bóng rất tích cực trong năm 2021. Trong đó phải kể đến DPM của Đạm Phú Mỹ với tổng doanh thu 12.826 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 3.600 tỷ đồng; Lần lượt tăng 63% và 324% so với năm 2020.
Kết quả trên giúp DPM vượt 54% chỉ tiêu doanh thu và đạt gấp 8,2 lần chỉ tiêu lợi nhuận năm. Đây cũng là năm có lợi nhuận cao nhất trong 10 năm qua của Đạm Phú Mỹ.
Giá phân bón được dự báo còn tăng. Ảnh minh hoạ
DCM cũng có năm 2021 khả quan với tổng doanh thu trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.820 tỷ đồng; Lần lượt tăng 30% và gấp gần 3 lần so với năm 2020. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất trong 10 năm qua của doanh nghiệp này.
Có kết quả kinh doanh tích cực cũng không thể không kể đến Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với ước tính doanh thu hợp nhất năm 2021 kỷ lục 51.200 tỷ đồng, vượt 16% so kế hoạch cả năm và tăng 24% so với năm 2020.
Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng 2% nhờ sự đóng góp lợi nhuận của nhiều công ty thành viên tăng cao: Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam (SFG) tăng 12 lần, Công ty cổ phần DAP - VINACHEM (DDV) tăng 6,7 lần, Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì (HVT) tăng 2 lần…
Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), từ cuối năm 2021 nhu cầu sử dụng phân bón đã tăng mạnh để đảm bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới sau giai đoạn bùng phát và cách ly xã hội bởi Covid-19.
Bên cạnh đó, nguồn cung bị gián đoạn từ năm trước do các nhà máy đạm tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động do nước này chịu ảnh hưởng thiên tai và thiếu khí cục bộ từ cuối năm 2020 cũng như nguồn điện, than trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu.
Việc Trung Quốc cấm xuất khẩu phân bón đến giữa năm 2022 để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nội địa đã ảnh hưởng nặng nề đến cán cân cung cầu của thế giới, đẩy giá phân bón neo ở mức cao.
Hiện nay, với khủng hoảng địa chính trị tại Đông Âu, giá phân bón tăng mạnh theo giá dầu, tạo một làn sóng tăng giá mới đối với hàng hoá này.
Trong nước, giá các loại phân bón đã leo lên mức cao nhất trong gần 50 năm qua.
Giá phân DAP có giá trung bình 874 USD/tấn, tăng 46% từ năm ngoái đến nay; Phân MAP lên tới 935 USD/tấn, tăng 44%); Kali ngưỡng 815 USD/tấn, tăng 102%.
Hiện gần 100% thị phần phân bón xuất khẩu nằm trong tay các doanh nghiệp Nhà nước và giá dự báo còn tiếp tục tăng, do đó để bảo đảm cung ứng trong nước, Hiệp hội Phân bón đã kiến nghị sớm có chính sách điều tiết, kìm giá phân bón để hỗ trợ nông dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận