Bên lề Diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: thách thức và giải pháp” diễn ra ngày 26/11, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phân trần "đau đầu" xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ông Tuấn cho biết, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hũu trí tuệ thông qua mạng internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa được hoàn thiện.
Theo đó, số người tham gia vào sàn TMĐT tăng nhanh so với dự đoán ban đầu. Dự đoán đến năm 2020 doanh thu từ TMĐT của Việt Nam đạt 13-15 tỷ USD (theo dự đoán của Google tháng 11/2018).
“Việc kiểm soát hàng hóa vi phạm chủ quyền trên các trang TMĐT gặp nhiều khó khăn vì người bán thường đăng hàng hóa lên thường chỉ có vỏ hộp, chỉ khi người mua mua về bóc ra mới phát hiện hàng vi phạm.
Thậm chí có trường hợp bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở nơi khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra.
Hay là dùng chiêu trò khuyến mãi, che đậy hành vi mua bán của những kẻ buôn hàng cấm. Cụ thể, hàng ngàn bánh quy đã được bán với giá khuyến mãi 5.000/cái, thực chất bên trong chiếc bánh chứa đựng cần sa (hàng cấm). Các đối tượng đã trao đổi với nhau ở các nhóm kín và lợi dụng cơ chế giao nhận hàng của các sàn TMĐT hòng qua mắt cơ quan chức năng. Vô hình dung, sàn thương mại điện tử đã tiếp tay cho những kẻ buôn bán trái phép hoạt động”, ông Tuấn phân tích.
Ông Nguyễn Ánh Dương – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT chia sẻ, trong môi trường mạng internet cần tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sớm qua các ứng dụng TMĐT có uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền,
Sắp tới QLTT sẽ triển khai công cụ kết nối trực giữa các cơ quan QLTT, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm giúp hỗ trợ hiệu quả và thuận tiện cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng chia sẻ thông tin, tố giác vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận