Thiết lập hệ thống thu thập, xử lý thống kê về vận tải và logistics
Sáng nay (30/6), Viện Chiến lược và Phát triển GTVT VN tổ chức hội thảo tổng kết báo cáo kết quả thực hiện Dự án Hỗ trợ kĩ thuật xây dựng hệ thống thống kê vận tải và logistics Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT VN trao đổi với Báo Giao thông về hiệu quả mang lại khi kết thúc dự án.
Mục tiêu của Dự án Hỗ trợ kĩ thuật xây dựng hệ thống thống kê vận tải và logistics Việt Nam là gì, thưa bà?
Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Xây dựng Hệ thống thống kê vận tải và logistics tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Bộ GTVT với tổng mức đầu tư là 11,810 tỷ đồng. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại là 11,310 tỷ đồng (tương đương 498.460 USD) và vốn đối ứng là 500 triệu đồng. Viện Chiến lược và Phát triển GTVT VN là đơn vị triển khai thực hiện dự án.
Mục tiêu tổng quát của dự án là nhằm tăng cường năng lực của Chính phủ trong công tác quy hoạch, chiến lược, ra quyết định; hoạch định, giám sát việc thực hiện chính sách phát triển thể chế logistics, thông qua xây dựng hệ thống quốc gia về thu thập, xử lý và phát hành thống kê logistics hàng năm tại Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể bao gồm: Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê vận tải và logistics, có phương pháp xây dựng, cơ chế và lộ trình thực hiện rõ ràng; Tập huấn tăng cường năng lực về thống kê cho các cơ quan liên quan đến thực hiện dự án; Phát hành báo cáo mẫu thống kê vận tải và logistics năm 2018; Xây dựng sổ tay hướng dẫn thu thập, xử lý số liệu thống kê vận tải, logistics và lập báo thống kê logistics hàng năm.
Các mục tiêu trên sẽ hỗ trợ Bộ GTVT thiết lập hệ thống thu thập, xử lý và báo cáo số liệu thống kê về vận tải và logistics hàng năm.
Bà có thể nói rõ hơn những nội dung chính của dự án là gì, thưa bà?
Dự án gồm có 4 hợp phần. Hợp phần 1: Xây dựng các chỉ tiêu logistics và phương pháp thu thập, xử lý và báo cáo hàng năm về số liệu vận tải và logistics. Hợp phần 2: Tổ chức khảo sát chuyên sâu để thu thập số liệu theo sổ tay như hướng dẫn của Hợp phần 1. Hợp phần 3: Chuẩn bị và phát hành Niên giám thống kê vận tải và logistics năm 2018. Hợp phần 4: Nâng cao năng lực cho Bộ GTVT.
Kết quả chính của dự án là xây dựng được Bộ chỉ tiêu, phương pháp thu thập, xử lý dữ liệu, và xây dựng kiến trúc hệ thống thống kê vận tải và logistics. Cùng đó là các báo cáo dự án gồm: Niên giám thống kê vận tải và logistics năm 2018 và sổ tay hướng dẫn thu thập, xử lý và các báo cáo kỹ thuật của dự án…
Cơ sở dữ liệu tin cậy giúp hoạch định chính sách phát triển GTVT
Một trong những nội dung chính của dự án là phát hành niên giám thống kê vận tải và logistics 2018. Vậy cuốn niên giám này có gì đặc biệt, thưa bà?
Việc xây dựng và phát hành niên giám thống kê vận tải và logistics 2018 có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở dữ liệu lớn để các cơ quan Nhà nước sử dụng với mục đích quy hoạch chiến lược và hoạch định, giám sát việc thực hiện chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải và logistics.
Để xây dựng cuốn niên giám, chúng tôi phải tiến hành thu thập dữ liệu, khảo sát công phu, cập nhật chi tiết thông tin cả về kết cấu hạ tầng, vận tải Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2014-2018. Đồng thời, cập nhật chỉ số năng lực logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới và kết quả khảo sát về LPI của Việt Nam.
Cuốn niên giám được thể hiện bằng văn bản song ngữ Anh - Việt, gồm 2 phần. Phần thống kê giao thông vận tải thể hiện chi tiết dữ liệu kết cấu hạ tầng, chuỗi số liệu về phương tiện và vận tải của 5 chuyên ngành: đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và hàng hải. Đây là phần có khối lượng thông tin, dữ liệu rất lớn.
Về phần thống kê logistics, đây là phần quan trọng vì Việt Nam chưa thực hiện thống kê này. Trong đó có phần chỉ số năng lực logistics được tổng hợp từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đây là nguồn thông tin đáng quý cho những nhà chính sách, nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Cùng với cuốn niên giám và các kết quả nghiên cứu khác của dự án sẽ giúp ích gì đối với việc hoạch định chính sách, phát triển logistics?
Hệ thống logistics là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ số năng lực logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam xếp hạng 39 năm 2018, chỉ xếp sau Singapore và Thái Lan trong khu vực ASEAN.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, đến nay tại Việt Nam chưa có một nghiên cứu mang tính định lượng để định vị logistics của Việt Nam đang ở vị thế nào và làm thế nào để đo lường được những thay đổi, chuyển biến của logistics. Nếu hoạch định chính sách phát triển thì chúng ta cần tác động vào những yếu tố nào?
Với dự án này có thể giúp trả lời các câu hỏi trên với những kết quả cụ thể.
Thứ nhất, dự án đã xây dựng được bộ chỉ số về logistics, về năng suất logistics, bao gồm cả phương pháp điều tra, thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu. Bộ chỉ số này được tham chiếu chỉ số năng lực logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới (WB). Bộ chỉ số của WB được điều tra, đánh giá trên cơ sở đánh giá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logisitics. Còn với bộ chỉ số mà chúng tôi xây dựng dựa trên đánh giá của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bán buôn, tức là các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Đây là sự khác biệt, là điểm mới, là chỉ số hỗ trợ rất tốt cho chỉ số LPI, để chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về logistics Việt Nam.
Thứ hai, trên cơ sở của bộ chỉ số này, chúng tôi đã tiến hành cuộc điều tra, khảo sát doanh nghiệp trên toàn quốc. Sau đó xây dựng bộ chỉ số năng lực logistics Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS. Trịnh Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương cho rằng: “Đây là một trong số ít các nghiên cứu có giá trị khoa học, giá trị thực tiễn và độ tin cậy cao. Dữ liệu về cơ sở hạ tầng thì không quá khó khăn để tìm được nhưng thống kê về logistics thì chưa một cơ quan, ban ngành nào của Việt Nam đưa ra. Vì thế, Niên giám thống kê vận tải và logistics 2018 đã đáp ứng được mong muốn này. Đây sẽ là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho cá nhân tôi và các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách…”
Thứ ba, đã xây dựng được ma trận O-D về luồng hàng hóa trên toàn quốc, chia theo 26 mặt hàng chính, với các điểm đi - điểm đến là 63 tỉnh, thành phố và các cửa khẩu đường bộ, hàng không… Đây chính là cơ sở quan trọng để hoạch định các quy hoạch, các kế hoạch để phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng GTVT.
Với phương thức mới này, chúng tôi có thể xác định luồng hàng hóa trên cơ sở sử dụng số liệu của Tổng cục Hải quan về luồng hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là trên hành lang Bắc - Nam ra các cửa khẩu chính đối với 10 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng trên 70% kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam. Cùng đó là xác định luồng hàng hóa trên cơ sở kết quả điều tra về luồng hàng của các doanh nghiệp bán buôn và doanh nghiệp sản xuất.
Thứ tư, đã thực hiện được cuộc điều tra chuyên sâu đối với hai chuỗi cung ứng là dệt may và hàng thủy sản đông lạnh. Thông qua đó đã rút ra được một số phát hiện, đề xuất về hoạch định chính sách để có thể cải thiện năng lực logistics đối với hai chuỗi cung ứng quan trọng này.
Như vậy, đây sẽ là nguồn dữ liệu đáng tin cậy, đáp ứng những yêu cầu thông tin cơ bản của những người làm công tác hoạch định chính sách trong lĩnh vực GTVT và logistics, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển và đầu tư hiệu quả, nhằm tăng cơ hội kết nối và thúc đẩy thương mại, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận