Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN |
Liên quan đến vụ việc cơ quan cảnh sát điều tra bắt nhóm người của Công ty Yên Khánh che giấu doanh số thu phí, trốn thuế mà đơn vị phụ trách các trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN về vấn đề kiểm soát doanh thu của tuyến cao tốc này.
Dùng phần mềm gian lận chỉ để trốn thuế
Việc bán quyền thu phí dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương được thực hiện thế nào, thưa ông?
Việc bán quyền thu phí trong giai đoạn 2014 - 2018 được thực hiện theo hình thức đấu giá do Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính triển khai. Đơn vị trúng thầu đấu giá là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh. Giá trị bán quyền thu phí là 2.004 tỷ đồng được nộp vào ngân sách Nhà nước. Đơn vị được Bộ GTVT giao thực hiện quản lý hợp đồng bán quyền thu phí là Tổng công ty Cửu Long. Căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện bán quyền thu phí là Nghị định 10/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) vừa bắt giữ nhóm người của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Chi nhánh Long An sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Việc này có gây thất thoát doanh thu thu phí các trạm trên tuyến cao tốc này hay không?
Hợp đồng bán quyền thu phí quy định Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh mua quyền thu phí với số tiền là 2.004 tỷ đồng và được khai thác trong thời gian 5 năm kể từ ngày 1/1/2014 - 31/12/2018 với giá thu phí đối với xe tiêu chuẩn là 1 nghìn đồng/km.
Từ 1/1/2014 - 31/12/2016, số thu trên không bao gồm thuế GTGT. Từ 1/1/2017 - 31/12/2018, số thu trên bao gồm thuế GTGT, Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh phải nộp theo quy định pháp luật hiện hành về thuế GTGT. Như vậy, việc một nhóm người của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh thu, trốn thuế bản chất cuối cùng là nhằm trốn thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có).
Những người của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Chi nhánh Long An bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra hành vi gian lận thuế từ tiền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương không liên quan đến Bộ GTVT. Sau khi trúng thầu quyền thu phí sử dụng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, phía Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh đã chuyển đủ tiền mua quyền thu phí cho Nhà nước, chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Nếu doanh thu tăng hơn ước tính mà họ dùng phần mềm để che giấu, gian lận chỉ để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước về mặt thuế chứ Nhà nước không bị thất thoát trực tiếp từ thu phí vì đã bán trọn gói quyền thu phí có thời hạn cho Công ty Yên Khánh.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương |
Không thu phí cho đến khi có chủ trương mới
Vậy giải pháp được Tổng cục Đường bộ VN kiểm soát doanh thu các trạm thu phí BOT và bán quyền thu phí thế nào, thưa ông?
Vụ việc trên hiện cơ quan công an đã khởi tố và đang xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Còn Tổng cục Đường bộ VN kiểm soát doanh thu các trạm thu phí BOT hiện nay qua báo cáo doanh thu hàng tháng. Tổng cục cũng đang yêu cầu các nhà đầu tư nâng cấp cơ sở dữ liệu, lưu trữ, đảm bảo theo quy định Thông tư số 49/2016 của Bộ GTVT. Nhà đầu tư phải thực hiện lưu trữ bằng hình ảnh video đối với làn thu phí tối thiểu 5 năm, video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 1 năm.
Để bảo đảm tính công khai minh bạch, căn cứ dữ liệu lưu trữ, cơ quan pháp luật sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra, trích xuất dữ liệu đột xuất và thường xuyên đối với hoạt động thu phí. Tổng cục cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí, chống thất thu tại các trạm thu phí BOT. Về lâu dài, tổng cục đẩy nhanh tiến độ áp dụng thu phí không dừng ở các trạm thu phí.
Sau khi dự án TP.HCM - Trung Lương kết thúc bán quyền thu phí từ 1/1/2019, phương án tới đây với dự án này hiện như thế nào, thưa ông?
Sau khi Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh hết thời hạn thu phí theo hợp đồng, Tổng cục Đường bộ VN đã tiếp nhận quản lý, khai thác cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Kể từ ngày 1/1/2019, tuyến cao tốc này không thu phí cho đến khi có chủ trương mới của Nhà nước. Tổng cục Đường bộ VN sẽ tiến hành nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất để đảm bảo lưu trữ dữ liệu theo quy định của Thông tư số 49/2016 của Bộ GTVT. Về phương án khai thác, hiện Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ VN xây dựng phương án quản lý, khai thác cao tốc TP HCM - Trung Lương sau khi kết thúc thời gian bán quyền thu phí, báo cáo Bộ.
Cảm ơn ông!
Dùng phần mềm can thiệp dù có xóa dữ liệu cũng để lại “dấu vết” Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm FPT cho rằng, về bản chất phần mềm thu phí sẽ ghi nhận đầy đủ tất cả các giao dịch qua trạm, việc gian lận doanh thu có chăng ở khâu lập báo cáo doanh thu, ví dụ 10 xe qua thì họ khai có 7 xe. “Ai là người viết phần mềm thì họ hoàn toàn có thể điều khiển được phần mềm đó, việc gian lận doanh thu hoàn toàn do con người. Có thể chủ đầu tư yêu cầu đơn vị viết phần mềm thu phí mà mình phải làm theo yêu cầu, can thiệp vào phần mềm thu phí làm sai lệch doanh thu. Tuy nhiên, việc này không thể giấu được, việc can thiệp dù có xóa dữ liệu cũng để lại “dấu vết”, cơ quan an ninh vẫn có thể dùng công nghệ để phục hồi lại các dữ liệu đã xóa hay lịch sử can thiệp vào hệ thống”, ông Thắng nói. “Việc yêu cầu nhà đầu tư lưu trữ dữ liệu tại trạm 5 năm cũng không mấy tác dụng, vì đây là dữ liệu “chết”, vẫn có thể chỉnh sửa, chỉ khi kiểm tra mới phát hiện được. Cách tốt nhất để công khai, minh bạch trong thu phí là phải áp dụng công nghệ thu phí không dừng, khi xe chạy qua trạm dữ liệu sẽ chuyển về máy chủ của trạm thu phí, đồng thời kết nối trực tuyến với hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước. Khi dữ liệu được quản lý nhiều cấp thì chủ đầu tư không thể xóa hết được, dù có xóa dữ liệu tại trạm nhưng sẽ vẫn còn dữ liệu ở cơ quan quản lý”, ông Thắng đề xuất. |
Hợp đồng thu phí là trọn gói “lời ăn lỗ chịu” Cao tốc TP HCM - Trung Lương (giai đoạn I) được Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp tổ chức bán đấu giá quyền thu phí 5 năm (từ ngày 1/1/2014 - 31/12/2018) để hoàn vốn ngân sách Nhà nước. Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh là nhà đầu tư đã trúng đấu giá quyền thu phí 5 năm của dự án này với số tiền 2.004 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh được thực hiện thu phí tại 4 trạm trên tuyến đường gồm: Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa. Lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long cho biết, đây là hợp đồng trọn gói theo kiểu “lời ăn lỗ chịu” và không thay đổi trong thời gian 5 năm. Theo hợp đồng, ngay từ đầu Tổng công ty Cửu Long có trách nhiệm quản lý bàn giao tài sản, con người cho Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh để thực hiện việc thu phí. Trong thời gian 5 năm, Tổng công ty Cửu Long có trách nhiệm đốc thúc các bên thực hiện hợp đồng. Cụ thể, yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh thanh toán vào ngân sách Nhà nước số tiền 2.004 tỷ đồng, thực tế Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh đã thanh toán đủ số tiền này. Đồng thời, Tổng công ty Cửu Long và Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động trong khu vực trạm thu phí luôn trong tình trạng lưu thông thông suốt. Như vậy, việc thu tiền hoàn vốn cho ngân sách khi bán quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương đã được thực hiện đầy đủ. Những người của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Chi nhánh Long An bị cơ quan công an bắt để điều tra hành vi gian lận thuế từ tiền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương không liên quan đến Bộ GTVT, không thất thu tiền thu phí của Nhà nước. Đến ngày 31/12/2018, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng công ty Cửu Long và Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh ký kết bàn giao nhận lại toàn bộ 120 nhân sự và toàn bộ nguyên trạng tài sản để bàn giao cho Tổng cục Đường bộ VN quản lý. Xét về trách nhiệm của các bên theo hợp đồng, đến nay đã hoàn tất theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh có chậm nộp tiền mua quyền thu phí vào ngân sách Nhà nước theo các mốc thời gian đã ghi rõ trong hợp đồng. Tổng công ty Cửu Long nhiều lần có văn bản nhắc nhở, báo cáo Bộ GTVT. Căn cứ theo các điều khoản của hợp đồng và lãi suất ngân hàng, Tổng công ty Cửu Long yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh phải nộp 264,7 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp và lãi phát sinh chậm nộp thực hiện hợp đồng vào ngân sách Nhà nước. Tháng 8/2018, Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh kiện Tổng công ty Cửu Long ra TAND quận Bình Thạnh về tranh chấp hợp đồng. Tòa án đã ban hành quyết định phong tỏa số tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh. Lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long cho biết, ngày 27/12/2018, TAND quận Bình Thạnh đã tuyên án, yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh nộp phạt 160 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước theo Điều 301, Luật Thương mại 2005. Riêng tiền lãi quá hạn do chậm thanh toán, tòa có ý kiến là sẽ được thụ lý bằng 1 vụ án riêng. Sau phán quyết của tòa, Tổng công ty Cửu Long đang phối hợp với các luật sư, nghiên cứu các trình tự thủ tục tiếp theo để thu đúng, thu đủ các khoản tiền phạt đối với Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh theo hợp đồng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước. Phan Tư |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận