Phạt lao động công ích, người vi phạm sẽ thấy xấu hổ để sau không tái phạm
Vừa qua, tại cuộc họp sơ kết đảm bảo ATGT Quý I, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát để sửa đổi các quy định pháp luật liên quan theo hướng tăng cao mức phạt đối với người vi phạm giao thông. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị bổ sung thêm các hình thức xử phạt khác đối với một số hành vi vi phạm, trong đó có hình thức buộc người vi phạm phải lao động công ích.
Đồng tình cần có hình thức xử phạt này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, để việc xử phạt này được khả thi, cần xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam và nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn từ các nước đã thực hiện hình thức xử phạt này.
“Kinh nghiệm một số nước cho thấy, khi CSGT phát hiện người vi phạm ở mức độ nào đó, họ yêu cầu ngay chính người vi phạm đó phải cùng CSGT hướng dẫn người tham gia giao thông dừng đúng vị trí vạch sơn. Bên cạnh đó, khi có người già, trẻ em, người khuyết tật sang đường phải đưa họ sang đường và có hỗ trợ khác khi CSGT có yêu cầu. Việc xử phạt này chỉ kết thúc khi có người vi phạm khác thay thế”, ông Quyền nói và cho biết: “Hình thức này nên áp dụng với hành vi vi phạm nặng ở mức độ nào đó, hay người vi phạm đã bị xử lý vẫn tái phạm. Không nhất thiết là ai vi phạm là áp dụng ngay hình thức phạt này”.
Cũng theo ông Quyền, hình thức xử phạt vi phạm giao thông tại Việt Nam hiện có hình thức xử phạt tiền và các hình thức phạt bổ sung khác. “Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông cũng tăng nặng mức xử phạt, nhưng đối với những người có điều kiện, việc nộp phạt với họ không khó khăn nên lần sau họ vẫn sẽ tái phạm. Nếu hình thức xử phạt lao động công ích được áp dụng, khi bị xử phạt, người vi phạm sẽ thấy xấu hổ khi rất nhiều người biết đến hành vi vi phạm của mình, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ. Tôi cho rằng, khi đó sẽ hạn chế được vi phạm và tái phạm”, ông Quyền nhìn nhận.
Nếu không tự giác có thể cưỡng chế thực hiện
Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Đoàn Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, lao động công ích là một biện pháp của hành chính tư pháp. Có nghĩa là trong hệ thống hình phạt hình sự hoặc hành chính có các hình phạt chính và hình phạt bổ sung và các biện pháp tư pháp. Phạt lao động công ích trong lĩnh vực giao thông thuộc tư pháp hành chính.
Ngoài việc xử phạt tiền và phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước GPLX đã được quy định trong Luật và Nghị định xử phạt hành chính, tới đây có thể đưa thêm hình thức buộc các chủ thể vi phạm phải đi lao động công ích, phục vụ cho lợi ích, trách nhiệm xã hội như: quét dọn, vệ sinh đường sá, làm cỏ, dọn rác...
"Việc áp dụng hình thức lao động công ích này sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải bố trí lực lượng giám sát người vi phạm thực hiện, khi đó phải tăng cường lực lượng, biên chế", Luật sư Hướng nói.
Cũng theo Luật sư Hướng, để hình thức xử phạt này khả thi tại Việt Nam, việc đầu tiên là phải sửa đổi, bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật, nhất là Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, các Nghị định liên quan và cần lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng. Khi hoàn thiện hành lang pháp lý, sau thời gian áp dụng thực tiễn cần tổng kết đánh giá để tiếp tục triển khai.
Khi sửa đổi quy định pháp luật, cũng cần quy định ngay thẩm quyền xử phạt cho cấp có thẩm quyền tùy theo tính chất, mức độ, nhẹ hay nặng của hành vi vi phạm để phân thẩm quyền xử phạt. Những người có thẩm quyền ra các quyết định xử phạt hành chính đối với chủ thể vi phạm có quyền áp dụng chế tài từ nặng đến nhẹ trong lĩnh vực phụ trách. Ví dụ như CSGT được quyền xử phạt 4 giờ lao động công ích, đội trưởng đội CSGT được xử phạt 8 giờ, hay giám đốc công an có thể xử phạt 1 tuần...
"Trong trường hợp người vi phạm không thực hiện Nhà nước có quyền cưỡng chế buộc phải thực hiện. Đối với hành chính và hình sự là quyền uy và phục tùng chứ không có chuyện chống đối. Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước không phụ thuộc vào cá nhân có thích làm hay không", Luật sư Hướng nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận