Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên yêu cầu giấy giới thiệu đối với nhà báo vào tác nghiệp tại Tòa. |
Sáng nay (22/12), phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII chính thức được khai mạc. Trong phiên làm việc buổi sáng, đại diện của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.
Liên quan đến quy định nhà báo dự phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan mà đại diện Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội trình bày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm: “Có nhất thiết phải có thẻ nhà báo mới được vào tác nghiệp trong phiên tòa hay không? Hoặc là cứ có thẻ là ai cũng được vào? Đây là một chỗ còn chưa rõ ràng. Ngoài ra, đã có thẻ nhà báo, to hơn giấy giới thiệu rồi mà còn đòi có giấy giới thiệu là sao? Như vậy có phải thủ tục hành chính phiền hà lắm không?”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt câu hỏi rằng, tại sao pháp lệnh không quy định ai được vào tòa mà lại đưa ra quy định phạt? Anh không cho báo chí vào thì thôi chứ sao lại đòi phạt?...
Về phần báo cáo liên quan đến quy định buộc rời khỏi phòng xử án, khám người, khám đồ vật mà đại diện Ủy ban tư pháp của Quốc hội trình bày, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết “chưa thể hình dung nổi” quy trình, thủ tục và thực hiện các hành vi này thế nào?
“Buộc rời (rời khỏi phòng xử án - pv) là một hành vi? Tạm giữ tới đâu? Mấy ngày? Ai cho lệnh tạm giữ? Ai áp giải? Khám người cũng là trình tự phức tạp. Tất cả những điều này đều là vấn đề lớn, vậy mà trình bày như trong pháp lệnh này thì đơn giản quá”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước những ý kiến băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội và một số đại biểu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện giải thích rằng, không phải bất cứ hành vi nào vi phạm cũng bị xử phạt. Chỉ trong trường hợp có lỗi và vi phạm điều luật tố tụng, gây cản trở hoạt động tố tụng thì mới bị xử phạt.
“Ví dụ, quy định không được mặc váy ngắn đến tòa, nếu người nào đó cứ mặc đến thì sẽ bị mời ra mà không xử phạt luôn. Tuy nhiên, nếu mời ra nhiều lần mà cố tình không ra, lúc đó mới xử phạt hành chính” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Về việc xử phạt báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, trong trường hợp quy định báo không được vào, mời ra nhưng không ra, gây cãi lộn thì lúc đó mới xử phạt chứ không phải hành vi nào cũng xử phạt.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao - ông Trương Hòa Bình cho rằng, việc tác nghiệp tại tòa ở Việt Nam hiện nay rất lộn xộn. |
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trương Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định, pháp lệnh được dự thảo trên cơ sở luật xử lý vi phạm hành chính và có căn cứ pháp luật để cụ thể hóa quy định của luật. Còn khái niệm cản trở thì trong pháp lệnh đã có giải thích rõ ràng cụ thể.
“Riêng đối với phóng viên báo chí đến tòa với tư cách pháp nhân, dự tòa như những người dân khác thì bình thường, còn khi vào để tác nghiệp lại khác, khi đó yêu cầu phải có thẻ nhà báo và có giấy giới thiệu cơ quan, chính Hội Nhà báo yêu cầu khi xây dựng nội quy này và tôi cho rằng quy định như vậy là đúng” – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nhấn mạnh.
Ông Trương Hòa Bình cũng dẫn chứng rằng, ở một số nước trên thế giới, các phóng viên báo chí vào tòa không được mang theo công cụ tác nghiệp, chỉ được phép vẽ lại chân dung của bị cáo để đăng báo, còn ở Việt Nam thì trong một phiên tòa rất lộn xộn. Ngoài ra, chúng ta còn phải xác định báo nào là báo chính thống, vì hiện nay có rất nhiều báo.
Trước lý giải của ông Trương Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh thêm rằng: “Chẳng lẽ tòa phạt mỗi cái chuyện không xuất trình thẻ. Quy định giấy giới thiệu làm gì, cứ giấy to đẻ ra giấy nhỏ, giấy nhỏ đẻ ra giấy con thì phiền hà lắm. Nội quy này không nên đưa vào pháp lệnh”.
Hoài Thu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận