Tâm sự

Cổ tích người mẹ được trao giải KOVA

17/12/2018, 18:12

Chị Thuý bị liệt toàn thân, bữa sáng của chị thường kéo dài hơn 1 giờ, những ngày chị mệt, phải mất 2 giờ...

19

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, ông Sơn, bà Hoà luôn vui vẻ, không than phiền

Là mẹ của hai người con bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam, chưa một đêm nào bà Hòa ngon giấc. Bà chưa từng đi đâu khỏi Hà Nội và cũng hiếm khi ra khỏi nhà. Hơn 40 năm qua, cùng với chồng, bà đồng hành cùng cô con gái đầu sống thực vật và cậu con trai út mù hai mắt nhưng đã nỗ lực trở thành một nghệ sỹ đàn bầu nổi tiếng…

“Người ta trồng cây tới ngày hái quả, còn tôi…”

Ngày nào cũng vậy, trời còn chưa sáng, bà Phạm Thị Đức Hoà (ở ngõ 51, Lương Khánh Thiện, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã thức dậy, tất bật đi chợ sớm mua đồ ăn, rồi trở về nhà nấu bữa sáng. Sau đó, bà bế cô con gái Nguyễn Thị Phương Thuý (SN 1975) dậy thay bỉm, tắm rửa, rồi cho con ăn.

Chị Thuý bị liệt toàn thân, bữa sáng của chị thường kéo dài hơn 1 giờ, những ngày chị mệt, phải 2 giờ chị mới kết thúc một bữa ăn. Khi chị Thúy ăn xong, bà Hoà lại ngồi mát xa tay chân cho con, rồi tranh thủ giặt giũ, dọn dẹp trước khi chuẩn bị bữa trưa và chu trình thay rửa, cho ăn, mát xa lại bắt đầu.

Năm 2005, bà Phạm Thị Đức Hòa vinh dự được nhận Giải thưởng KOVA nhằm vinh danh nỗ lực của người mẹ đã góp phần cổ vũ và nhân rộng các tấm gương tiêu biểu trong xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng. Ngoài ra, Giải thưởng KOVA còn được trao cho các nhà khoa học và các công trình nghiên cứu được ứng dụng, mang lại giá trị kinh tế cao cùng các lợi ích thiết thực cho cộng đồng và học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi.

43 năm nay, từ ngày chị Thuý chào đời, cuộc sống của bà Hoà chỉ quẩn quanh trong chu trình ấy, nhưng chưa ai thấy bà cáu kỉnh, than mệt. Những lúc ngồi nghỉ chút ít, hoặc khi mát xa cho Thuý, bà thường khẽ trò chuyện với con, gọi chị là “bông hoa của mẹ”. Thi thoảng bà lại tự tay may cho chị vài cái quần áo, vài bộ váy để cô con gái có thể xinh đẹp, đáng yêu nhất.

“Người ta trồng cây tới ngày hái quả, còn tôi trồng cây chỉ để ra hoa và ngắm. Chỉ cần thấy con còn sống, vẫn ở cạnh là tôi thấy vui rồi. Con không biết nói, không biết đòi hỏi, không biết cười, chỉ biết chảy nước mắt khi đói, khi đau. Nhưng tôi tin, con vẫn cảm nhận được tôi ở bên cạnh, tôi thường nhìn vào mắt con để biết khi nào con đói, con đau nhức, khi nào con muốn đi vệ sinh…”, bà Hoà mỉm cười.

Bà Hòa kể, khi chào đời, Thúy cũng bụ bẫm, nhưng bà đã thấy sự bất thường khi chân tay con không cử động như các em bé khác. Nghĩ con bị một bệnh gì đó liên quan đến chân tay nên gia đình tìm mọi thầy thuốc, xoa bóp, châm cứu, nhưng bệnh tình của Thúy không tiến triển. Cô con gái của bà chân tay liệt, câm điếc, thiểu năng trí tuệ.

Rồi năm 1979, ông bà sinh người con thứ hai Nguyễn Thanh Tùng, cậu bé bị mù cả đôi mắt…

Lúc đấy, ông Nguyễn Thanh Sơn, chồng bà mới nhớ, hồi ông là trinh sát pháo binh ở chiến trường Quảng Trị, ông thường xuyên phải tiếp xúc chất diệt cỏ, bom napan. Thứ chất độc tàn ác ấy đã ngấm vào cơ thể ông và di chứng sang hai người con.

20

Hơn 40 năm qua, bà Hòađồng hành cùng người con gái tật nguyền - Ảnh: P.B

“Khi chiến tranh kết thúc, tôi về làm công nhân Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo và cưới nhà tôi bây giờ, không hề biết mình nhiễm chất độc da cam. Đến khi cháu Thuý, cháu Tùng chào đời, thực sự cả nhà lâm vào cảnh rất khó khăn. Lương công nhân của tôi cả tháng chỉ khoảng 40 đồng, nhưng 2 ống thuốc cho Thúy đã 60 đồng. Thương con, thương cháu, bố mẹ tôi nghỉ hưu đã ra đầu phố bán nước, thuốc lá để kiếm tiền chữa bệnh cho Thuý và nuôi Tùng. Ngoài thời gian đi làm công nhân, về nhà tôi phụ may vá với vợ. Đến khi nghỉ chế độ, tôi mua máy ảnh chụp ảnh dạo ở công viên Thống Nhất. Để có thời gian chăm sóc Thuý, chúng tôi đã có thời gian dài gửi cháu Tùng sang ông bà nội nuôi giúp”, ông Sơn trải lòng.

Hiện, chị Thuý dù 44 tuổi nhưng chỉ nặng 10kg, hai cánh tay nhỏ quắt, đầu ngoẹo sang một bên. Những lúc chị Thuý gồng lên, người mẹ đã ngoài 70 phải nhờ chồng hỗ trợ, giúp sức mới bế được con lên. Nhà không đủ điều kiện thuê người làm, sinh hoạt trong gia đình chỉ trông vào lương thương binh của ông được hơn 2 triệu đồng và tiền chế độ da cam của 3 bố con, mỗi người được hơn 1 triệu đồng/tháng. Theo bà Hoà, số tiền đấy tằn tiện cũng đủ để cả nhà nuôi nhau, giờ khoản tốn kém nhất là tiền bỉm cho chị Thuý, nên bà cũng hạn chế đóng bỉm cho con, vừa đỡ nóng, vừa đỡ tốn.

“Trước tôi còn khoẻ, nhanh nhẹn nên nhận may vá ở nhà, vừa kiếm thêm thu nhập vừa trông con. Ông ấy còn khoẻ cũng chụp ảnh dạo được nhiều, giờ thì ngày làm ngày nghỉ. Hội Nạn nhân chất độc da cam có đề xuất đưa cháu Thuý vào trung tâm bảo trợ để chăm sóc, nhưng hai vợ chồng tôi không đồng ý. Chúng tôi còn có sức chăm con ngày nào thì sẽ nỗ lực ngày ấy. Cũng may, giờ cháu Tùng đã khôn lớn, có thể tự lập kiếm thêm thu nhập”, bà Hòa trải lòng.

21

Bà Hòa cùng cậu con trai, nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Thanh Tùng

Niềm tự hào của mẹ

Nhắc đến người con trai út, nghệ sỹ đàn bầu nổi tiếng Nguyễn Thanh Tùng hiện đang đi lưu diễn, ánh mắt bà Hòa ngời lên sự tự hào. Bởi từ nhỏ, Tùng đã bộc lộ tố chất âm nhạc. Đang khóc đòi mẹ nhưng chỉ cần tiếng nhạc cất lên, Tùng nín bặt và hóng tai nghe cho hết bản nhạc ấy rồi lại cười đùa. Bà Hòa thường dùng tiếng nhạc, đặc biệt là đàn bầu để ru con. Do bà Hoà bận bịu với việc chăm sóc chị Thuý, Tùng được đưa sang nhờ ông bà nội nuôi dưỡng. Tùng đi học trường Nguyễn Đình Chiểu và đạt những thành tích xuất sắc trong học tập. Thấy Tùng thích đàn bầu, ông nội Tùng xin một ống vầu đục lỗ cắm cần, lấy ống bơ làm bầu, dây phanh xe đạp làm dây để Tùng lần mò học đàn. Ông cũng lặn lội dắt cháu đi tìm thày để học hỏi.

Việc học hành với người bình thường đã khó, với Tùng còn khó hơn nhiều lần. Khi học ghi âm, Tùng phải nghe đi, nghe lại nhiều lần rồi viết bản nhạc ra chữ nổi, sau đó nhờ bạn bè chép lại. Khi học xướng âm, Tùng cũng nhờ bạn bè đọc bản nhạc cho nghe trước, sau đó mò mẫm thực hành... Nhờ sự sát cánh động viên của ông bà, bố mẹ, thày cô, Tùng rất tự tin. Tùng đã biểu diễn trước đám đông từ năm 7 tuổi. Năm 1998, Tùng lần lượt đoạt các giải khuyến khích “Độc tấu và hòa tấu đàn bầu”, giải đặc biệt “Concert 1998” với tiết mục độc tấu đàn bầu. Tùng từng là sinh viên xuất sắc của Khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện Hà Nội, là sinh viên khiếm thị đầu tiên tốt nghiệp 2 khoa âm nhạc truyền thống và lý luận - sáng tác - chỉ huy.

Ông Sơn vui vẻ kể: Tùng giờ đi lưu diễn nhiều, cũng có cô bạn gái đến nhiều năm, nhưng Tùng cũng còn ngại ngần chưa dám quyết định ngỏ lời hỏi cưới. Nói về cuộc đời vất vả của mình, ông Sơn bảo, ông vẫn thấy may mắn bởi bên ông có người vợ hiền thảo, người mẹ hết lòng vì hai con, có cô con gái để yêu thương và có cậu con trai vượt lên khó khăn, khuyết tật để thành người có ích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.