Không phải ngẫu nhiên phi công lại có lương cao
Ở tuổi 65, cơ trưởng Lê Minh Tiến vẫn phong độ. Giọng nói ông sang sảng, có sự nghiêm nghị của một người làm việc trong môi trường được huấn luyện nghiêm ngặt, kỷ luật. Đến với con đường phi công từ năm 1977 và gắn bó với Đoàn bay 919 từ năm 1980, tới nay, ông đã có hơn 40 năm gắn bó với Vietnam Airlines và là cơ trưởng kỳ cựu của Đoàn bay.
Đó là quãng thời gian đủ dài để vị cơ trưởng coi Đoàn bay 919 như cả thanh xuân, là gia đình, là một mái nhà thứ hai.
Ngần ấy năm lái “chim sắt” bay trên bầu trời, những tưởng đã là một cơ trưởng kỳ cựu dày dặn kinh nghiệm, song ông thừa nhận công việc này chưa bao giờ thôi đòi hỏi các phi công phải trau dồi, cập nhật kiến thức. Bởi lẽ, phi công là công việc không hề dễ dàng!
Trong mắt nhiều người, phi công là nghề sang chảnh. Hình ảnh những chàng phi công với bộ đồng phục long lanh, kéo vali đi tại sân bay thường xuất hiện trên các tấm poster của các hãng hàng không luôn khiến nhiều người xuýt xoa.
Chưa kể, nhiều nguồn tin còn cho rằng đây là công việc với mức lương “trong mơ” càng khiến nghề phi công trở thành công việc mà nhiều người ao ước. Nhưng sau ánh hào quang ấy, cơ trưởng Lê Minh Tiến lại thấy một góc khác.
Hỏi áp lực lớn nhất với một phi công là gì, vị cơ trưởng không ngần ngại khẳng định chắc nịch: Sự an toàn. “Không áp lực sao được khi phía sau khoang lái là tính mạng của hàng trăm hành khách cùng phi hành đoàn?”, cơ trưởng 65 tuổi thổ lộ.
Cũng vì đặc thù công việc không được phép sai sót, các phi công như ông Tiến luôn chịu những áp lực trong việc huấn luyện để siết chặt an toàn. Vị cơ trưởng tiết lộ, các phi công luôn được kiểm tra thường xuyên.
Sau mỗi chặng bay, dữ liệu của toàn bộ hành trình bay sẽ được công ty kiểm tra, phân tích số liệu để đánh giá sự an toàn trong hành trình bay, các thao tác, kỹ thuật của phi công. Nếu phát hiện bất cứ vấn đề nào, phi công có thể bị kỷ luật và không được phép bay.
Chưa kể mỗi năm, các phi công cũng phải trải qua 2 kỳ bay trên buồng mô phỏng, được rèn luyện và đào tạo kỹ năng xử lý các vấn đề trong quá trình bay, từ cháy nổ, hỏng hóc động cơ... “Phi công phải đạt được các bài kiểm tra mới tiếp tục được phê chuẩn bay”, ông Tiến cho hay.
Để đáp ứng được những tiêu chí gắt gao, giữ được sự an toàn, phi công phải có sức khỏe. Trong khi với đặc thù công việc, có những chuyến bay kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ luôn bào mòn sức khỏe của các phi công. Đó là chưa nói tới những yếu tố tác động tới sức khỏe như khoang lái với đủ loại bức xạ từ các máy móc, sự thay đổi thời tiết, múi giờ chênh lệch, chênh lệch áp suất trên không...
“Không phải ngẫu nhiên, phi công lại có lương cao. Họ phải đánh đổi rất nhiều thứ, đặc biệt là sức khỏe”, cơ trưởng của Đội bay Boeing 787 nói.
Không chỉ đánh đổi bằng sức khỏe, những phi công còn luôn dành thời gian trên bầu trời nhiều hơn ở nhà. Cơ trưởng Tiến thừa nhận, đó cũng là điều làm ông suy nghĩ nhất. Ông không thể thường xuyên ở bên cạnh, giúp đỡ vợ con, cũng không dành được nhiều thời gian để cùng các con trưởng thành.
Thậm chí có những lần con sốt ở nhà, ông vẫn phải bay sang lục địa bên kia bán cầu. Dù ruột gan nóng “như lửa đốt”, song vị cơ trưởng vẫn phải chuyên tâm làm nhiệm vụ. Sang tới nơi, ông mới mua sim để gọi đường dài về nhà hỏi thăm tình hình. Ông thương bà xã chịu nhiều thiệt thòi, cũng luôn cảm ơn vợ vì đã thấu hiểu cho công việc của chồng.
Dù vậy tới nay, ông vẫn luôn tự hào vì Đoàn bay 919 vẫn duy trì là đơn vị bay an toàn, chưa từng xảy ra bất cứ sai sót nào. Đoàn bay cũng có nhiều thành tích xuất sắc được Nhà nước khen thưởng.
Tận hưởng “đặc quyền” của phi công
Áp lực công việc luôn thường trực nhưng với cơ trưởng Lê Minh Tiến, công việc mang tới cho ông nhiều cái được, những “ưu đãi” mà chỉ phi công mới có được.
Nghề nghiệp đòi hỏi các phi công phải có ngoại ngữ, và đó cũng là một cánh cửa để ông sải cánh tới bầu trời rộng lớn của thế giới, đi khắp năm châu, mở mang tầm nhìn.
Hơn 40 năm trong nghề, ông đã được chứng kiến sự thay đổi của hàng không nước nhà, của Vietnam Airlines cũng như Đoàn bay 919. Từ khoảng thời gian đầu Việt Nam chỉ có một số máy bay như chiến đấu như MiG-17, MiG-19, MiG-21 và sau khi đất nước hội nhập, những chiếc máy bay tân tiến được nhập về Việt Nam cũng kéo theo sự phát triển của xã hội, của con người và tri thức. Phi công của Đoàn bay cũng được làm quen với những máy bay mới, kỹ thuật mới, được đào tạo bài bản hơn.
Quá trình chuyển đổi này, khó khăn lớn nhất mà ông thấy mình phải trải qua chính là ngoại ngữ. Vị cơ trưởng nhớ lại năm 1986, ông là một trong số ít những người tại công ty được cử đi vào TP.HCM tham gia lớp học tiếng Anh do chuyên gia của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tổ chức.
Cầm quyển sách tiếng Anh trên tay, ông bối rối vì không biết mặt chữ, cảm thấy mình như bắt đầu lại từ đầu. Sau 8 tháng chuyên tâm học tập, kèm theo sự chăm chỉ rèn luyện sau khóa học, trình độ ngoại ngữ của ông ngày càng tăng. Điều đó giúp ông trở nên thuận lợi hơn khi bắt đầu với những chuyến bay thương mại trong nước rồi ra dần quốc tế.
Ông nhớ mãi những chuyến bay thương mại đầu tiên vượt khỏi biên giới Việt Nam là khi bay sang Bangkok (Thái Lan). Đây là chuyến bay do UNICEF thuê để chở người tị nạn từ những năm 1990.
“Thời kỳ đó internet chưa phát triển, phi công không có bất cứ thông tin gì về sân bay nước bạn. Mọi thứ đều mơ hồ. Tổ bay luôn phải giữ liên lạc sát sao với trạm không lưu mặt đất, nghe kỹ các hướng dẫn để hạ cánh an toàn”, cơ trưởng Tiến kể.
Trải qua cuộc chuyển tiếp giữa hai thế kỷ và gắn bó với sự phát triển của ngành hàng không lâu năm nên vị cơ trưởng của Đội bay Boeing 787 cũng có lắm kỷ niệm khó quên. Ông từng có vô số chuyến bay chuyên cơ tháp tùng các nguyên thủ quốc gia, cũng có những kỷ niệm với các hành khách. Song, đáng nhớ nhất có lẽ chính là chuyến bay vào vùng chiến sự Libya để chở người Việt Nam về nước.
Trong 10 chuyến bay được Vietnam Airlines tổ chức, cơ trưởng Lê Minh Tiến đã tham gia bay một chuyến. Ông kể khi đó, nhiều người sợ vào tâm dịch nhưng bản thân ông, vừa làm nhiệm vụ, vừa muốn hỗ trợ bà con nên không sợ hãi mà quyết tâm lên đường.
Thời điểm đó, dù biết mình vào tâm dịch nhưng điều khiến ông “toát mồ hôi hột” nhiều hơn là hành trình bay qua vùng chiến sự ít nhiều có rủi ro “đạn lạc tên rơi”. May mắn, chuyến bay đã an toàn.
“Tại sân bay, tôi đã được chứng kiến sự vui mừng của những người dân khi nhìn thấy máy bay. Họ hào hứng, phấn khởi và còn mong muốn được ôm phi hành đoàn để cảm ơn. Tuy nhiên, mọi người đều mặc đồ bảo hộ kín mít và vì những quy định hạn chế tiếp xúc, tất cả chỉ có thể biểu lộ tình cảm bằng ánh mắt”, ông nhớ lại.
Đặc biệt lên máy bay, ông thương bà con vì họ đã trải qua nhiều khó khăn để có thể hồi hương. “Tôi nói với các tiếp viên, có bao nhiêu đồ ăn hãy mang hết ra cho bà con. Phi hành đoàn không cần”, cơ trưởng Tiến chia sẻ.
Hành trình gắn bó với bầu trời của cơ trưởng Lê Minh Tiến là lời khẳng định cho giá trị của nghề phi công - một công việc cao quý và đầy vinh quang. Họ là những người mang trên mình “sứ mệnh bầu trời”, kết nối những vùng đất mới. Hơn 40 năm tận tâm cống hiến, cơ trưởng Lê Minh Tiến đã góp phần tạo nên thành công của Đoàn bay 919 - niềm tự hào của ngành hàng không Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận