Hơn 23km tuyến đường Võ Văn Kiệt chạy một mạch từ quốc lộ 1, khai phá vùng đất lửa Vạn Tường để hình thành nên cảng Dung Quất và khu kinh tế Dung Quất (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bề thế hôm nay.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng lãnh đạo bộ, ngành, tỉnh Quảng Ngãi khảo sát vịnh Dung Quất năm 1995.
Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm…
Từ quốc lộ 1 xuôi về đất lửa Vạn Tường rộng thênh thang, những đoàn xe tấp nập bon bon chở hàng hóa về cảng Dung Quất và ngược lại.
Hai bên đường là những dự án đồ sộ như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất…
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 18, khóa X, tỉnh quyết định đặt tên đường mang tên Võ Văn Kiệt. Vào ngày 22/2/2009, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối và giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng đã thực hiện nghi thức đặt tên đường.
Tuyến đường có chiều dài trên 23,6km, có điểm đầu tại ngã ba Bình Long, huyện Bình Sơn giao với QL1 và điểm cuối tại cảng Dung Quất (xã Bình Thuận).
Trước đó hơn 30 năm, ít ai hình dung sẽ có ngày một tuyến đường được xây dựng, xuyên giữa vùng đất toàn cát trắng phau, những cánh rừng rậm nối tiếp nhau.
Những năm đầu thập niên 90, Trung ương đã có nhiều cuộc họp bàn về việc lựa chọn vùng đất này để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước. Song, từ quốc lộ về đến Vạn Tường là điều không dễ dàng khi chỉ có đường mòn. Ngay cả khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát nơi đây, ngoài đi trực thăng, ông phải đi bộ vì cả vùng đất không có đường để phương tiện cơ giới lưu thông.
Để mở đường về Dung Quất khó vô cùng vì thiết bị, phương tiện còn thô sơ, nhất là những cánh rừng nối rừng, những đồi cát “sáng sừng sững, chiều biến mất”.
Nhớ lại thuở cùng các đồng nghiệp đi khảo sát, đo vẽ, cắm mốc và xây nên hình hài tuyến đường, ông Nguyễn Duy Phát, nguyên Phó trưởng ban quản lý dự án đường Bình Long - Dung Quất (Công ty CP Đầu tư phát triển Dung Quất), chủ đầu tư đoạn Km0 - Km9 bảo rằng, đó là ký ức không thể nào quên.
“Thời đấy vùng này còn nghèo đến độ người dân sáng tác hẳn câu vè: “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”. Chừng đó thôi cũng đủ thấy cái nghèo và khó khăn ra sao.
Sáng ra trước khi đi làm, ngoài mang theo các dụng cụ cần thiết phục vụ công việc thì anh em ai nấy đều mang theo gô cơm và can nước. Nhưng vùng này nắng gắt có khi nước mang theo không đủ uống, khát quá lại vào giếng nhà dân xin”, ông Phát nhớ lại.
Ông Võ Nguyên Đạt, nguyên cán bộ phụ trách dự án kể: “Có những chuyến đi anh em đo vẽ, tính toán cẩn thận và cắm cọc mốc bằng gỗ trên các đồi cát để làm dấu. Nhưng vài ngày sau quay lại thì cái đồi cát hôm đó đã… biến mất, không còn dấu tích gì. Gió biển thổi bay mọi thứ, anh em lại phải làm lại từ đầu. Gian khổ, thiếu thốn nhưng tất cả đều vượt qua, hoàn thành hồ sơ tuyến sau gần cả năm trời”.
Gian nan hành trình mở đường
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối và giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng thực hiện nghi thức đặt tên đường Võ Văn Kiệt, năm 2009.
Khi hình hài tuyến đường được vạch ra trên bản đồ, công cuộc khai phá mở đường được tiến hành. Không như các dự án khác được đầu tư liền mạch một lúc, dự án đường Bình Long - Dung Quất trải qua rất nhiều giai đoạn đầu tư và những nốt thăng trầm cho đến ngày hoàn thành.
Hồi tưởng lại những ngày mở đường, nguyên giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, nguyên Phó trưởng ban quản lý khu công nghiệp Dung Quất (nay là Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi) Cao Xuân Thủy cho biết, thời điểm đó tỉnh Quảng Ngãi vừa tái lập trở lại (năm 1989) nên nguồn lực rất hạn chế.
“Không một ai nghĩ đến tuyến đường này cho đến khi những khai phá về cảng Dung Quất được nhắc đến và đặc biệt là quyết định của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong việc hình thành cảng Dung Quất, xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước”, ông kể.
Tuyến đường Võ Văn Kiệt rộng thênh thang nối quốc lộ 1 với khu kinh tế Dung Quất.
Do nguồn lực hạn chế nên qua tính toán, phân tích, tuyến đường được chia làm 2 giai đoạn, riêng giai đoạn 1 cũng phải chia ra làm nhiều giai đoạn thành phần. Sau nhiều nỗ lực, đến năm 1997 việc mở đường cũng chính thức diễn ra.
Theo đó, giai đoạn 1 được chia làm 2 dự án thành phần, trong đó đoạn từ Km 0 - Km 9 do Công ty CP Đầu tư Dung Quất thực hiện bên phải tuyến; đoạn từ Km9 - km23 do Ban quản lý dự án Biển Đông (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư phần bên phải tuyến.
Nhưng quá trình triển khai đoạn Km 0 – Km 9 mới chỉ hoàn thành GPMB, thi công nền đường thì dừng lại do cơ sở pháp lý chưa đảm bảo. Sau đó, đoạn tuyến này giao lại cho Ban quản lý khu công nghiệp Dung Quất tiếp tục thi công. Sau khoảng 10 năm dự án thành phần 1 của giai đoạn 1 mới xong, đưa vào khai thác.
Đến năm 2006, việc triển khai thành phần 2 của giai đoạn 1 được khởi động. Toàn bộ dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đường Bình Long - Dung Quất thực hiện. Đến năm 2009, giai đoạn 1 dự án chính thức hoàn thiện.
Qua hơn 5 năm đưa vào khai thác, tuyến đường Võ Văn Kiệt trở nên chật chội khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nên tỉnh Quảng Ngãi triển khai giai đoạn 2 vào năm 2014 và mất hơn 2 năm thực hiện, tuyến đường mới chính thức hoàn thành với hình hài, diện mạo hôm nay.
Cũng theo ông Thủy, chưa có dự án giao thông nào trên địa bàn tỉnh mà gặp nhiều khó khăn như dự án đường Bình Long - Dung Quất. Dù chiều dài chỉ 23km nhưng để hoàn thiện theo đúng quy hoạch ban đầu phải mất gần 20 năm.
Còn với ông Trương Quang Hiệp, kỹ sư tham gia quản lý dự án thì ký ức mở đường khai phá cảng Dung Quất là một hành trình ngoài sức tưởng tượng. Để thi công dự án này phải mở một tuyến đường công vụ mới hoàn toàn và nguồn vật liệu, phương tiện thiết bị phục vụ thi quá thiếu thốn.
Rồi những trắc trở khác, nhất là tình trạng vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh khá nhiều khiến anh em tham gia dự án vừa làm vừa sợ, dù trước đó lực lượng công binh đã rà phá bom mìn. Song, vượt qua tất cả từ chủ đầu tư đến nhà thầu, tuyến đường huyết mạch cuối cùng cũng hình thành.
“Chính con đường ấy đã mở cửa để vịnh Dung Quất vươn mình trở thành cảng Dung Quất và khai phá con đường mở cửa tiến ra đại dương của Quảng Ngãi, hình thành nên khu kinh tế to lớn, bề thế như hôm nay”, ông Hiệp xúc động.
Khu kinh tế Dung Quất được thành lập vào năm 1996 trên cơ sở Quyết định 207 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 10.300ha, sau mở rộng lên hơn 45.300ha.
Tính đến nay Dung Quất có khoảng 350 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 380.000 tỷ đồng, trong đó có 245 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Sau 26 năm thành lập, khu kinh tế Dung Quất đã đóng góp ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2009 - 2022, đã nộp khoảng 153.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận