Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố không bao giờ công nhận Crimea thuộc Nga
"Không bao giờ chấp nhận Crimea thuộc Nga"
Ngày 26/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa bày tỏ quan điểm cứng rắn của ông trong vấn đề từng làm suy yếu trầm trọng quan hệ Nga-Mỹ cách đây 7 năm đó là việc Bán đảo Crimea ly khai Ukraine và sát nhập vào Nga.
“Trong ngày kỷ niệm đầy đen tối này, chúng tôi xin nhắc lại một sự thật: Crimea thuộc về Ukraine. Mỹ không và sẽ không bao giờ công nhận cái gọi là sát nhập bán đảo vào Nga; Mỹ sẽ cùng Ukraine phản đối những hành động gây hấn của Nga.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tất cả những việc cần thiết, buộc Nga phải chịu trách nhiệm trước những hành vi lạm dụng và gây hấn tại Ukraine của họ” – Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định.
Kể từ ngày nhậm chức (20/1) đến nay, chính quyền của ông Joe Biden vẫn đang đánh giá lại chính sách ngoại giao với Nga, Trung Quốc và một số khu vực quan trọng.
"Cơn ác mộng" cho quan hệ Mỹ-Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước sát nhập với các lãnh đạo Crimea tại Moscow
Nói Crimea là “cơn ác mộng” của Nga trong quan hệ với Mỹ vì đây từng là một trong những nhân tố quan trọng đẩy quan hệ Moscow-Washington vào bế tắc nghiêm trọng, làm nổ ra cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau từ năm 2014.
Đến nay, một số quan chức cấp cao cùng một số ngành quan trọng của Nga vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, từ vấn đề sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, và là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy nền kinh tế Nga vào khó khăn, đình trệ.
Năm đó, ông Biden chính là “người đi đầu” trong chính quyền ông Obama kêu gọi các đồng minh châu Âu chống lại Moscow và hậu thuẫn Ukraine vì vấn đề Crimea.
Song, mâu thuẫn này tạm lắng dịu trong 4 năm qua dưới thời ông Donald Trump. Thậm chí, Nga không cần phải lo lắng bởi ông Trump gần như không động chạm tới, thậm chí, cựu Tổng thống Hoa Kỳ có lần khẳng định Crimea thuộc Nga.
Nay, “điểm nóng Crimea” năm xưa lại được thêm lửa đúng như những gì mà các chuyên gia Nga và quốc tế e ngại khi ông Joe Biden giành chiến thắng và chuẩn bị bước vào Nhà Trắng.
Giới chuyên gia đều dự đoán, có thể Nga sẽ phải chịu thêm các lệnh trừng phạt liên quan vì quyết định sát nhập Crimea, trong thời gian tới.
Nga sẵn sàng chấp nhận cơ chế kiểm soát nhân quyền Crimea
Bộ Ngoại giao Nga nhiều lần tuyên bố mọi hoạt động của Nga trong vấn đề Crimea đều phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), tôn trọng quyền tự quyết định vận mệnh của mọi người dân, áp dụng cho cả quyền lợi của các dân tộc thiểu số, dù ở Crimea hay bất cứ nơi nào.
Cùng ngày, lãnh đạo Nhà Trắng ra tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga một lần nữa khẳng định quan điểm trên và khẳng định, Moscow luôn sẵn sàng chấp nhận mọi cơ chế kiểm soát quốc tế về nhân quyền tại Crimea.
Bán đảo Crimea ly khai Ukraine và sát nhập vào Nga sau cuộc chưng cầu dân ý hồi tháng 3/2014.
Kết qủa cho thấy 96,77% cử tri tại Crimea và 95,6% cử tri tại Sevastopol đồng ý ủng hộ ly khai Ukraine sát nhập với Nga.
Ban lãnh đạo của bán đảo Crimea tuyên bố, người dân tại đây đi theo con đường dân chủ, hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Trong khi đó, Ukraine không chấp nhận, vẫn coi Crimea là lãnh thổ của mình và đang bị chiếm đóng tạm thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận