Gần 3.000 du khách đến Côn Đảo/ngày
Trong 2 năm gần đây, lượng khách đến với Côn Đảo tăng đột biến. Nếu như trước đây chỉ có máy bay của hãng VASCO mỗi ngày đưa khoảng 700 hành khách ra đảo, đến nay con số đã tăng lên gấp 3 lần. Từ cuối năm 2017, hãng tàu Superdong chạy từ Sóc Trăng mỗi ngày 3 chuyến, với 900 hành khách ra Côn Đảo trong hành trình khoảng 2,5 giờ. Đầu năm 2019, tiếp tục có thêm tàu Côn Đảo Express 36 chở khoảng 600 hành khách ra Côn Đảo. Như vậy, tính sơ bộ mỗi ngày, có khoảng hơn 2.200 du khách ra tham quan Côn Đảo.
Dự báo, tới đây các dịch vụ cung ứng điện, nước tại cảng Bến Đầm không đủ đáp ứng và điều kiện an toàn cảng tàu khách. Việc có quá nhiều tàu cũng như phát sinh chất thải, nước thải sinh hoạt tăng đột biến, gây ô nhiễm môi trường khu vực vịnh Bến Đầm.
Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo
Việc gia tăng các phương tiện vận chuyển khách du lịch ra Côn Đảo là tín hiệu tích cực, kết nối biển đảo quê hương và khai thác tốt tiềm năng du lịch của hòn đảo xinh đẹp này. Tuy nhiên, việc tăng trưởng “nóng” lượng khách ra Côn Đảo khiến chính quyền địa phương lo ngại.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, theo quyết định phê duyệt phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2030, hòn đảo này đón được khoảng 300.000 lượt khách du lịch. Thế nhưng, chỉ trong năm 2019 này, lượng du khách chắc chắn sẽ vượt con số trên. Vì lượng du khách đến Côn Đảo tăng rất nhanh, thậm chí là quá nóng, chỉ tính riêng quý I năm nay lượng khách đã tăng hơn 37%. “Lúc cao điểm, chỉ trong một ngày có gần 3.000 du khách đến Côn Đảo”, ông Hàng cho biết.
Chưa xem xét cấp phép thêm tàu cao tốc ra Côn Đảo
Thống kê tại Côn Đảo chỉ có hơn 1.100 cơ sở lưu trú và chủ yếu là các nhà nghỉ homestay với giá cũng khoảng 700.000 đồng/ngày đêm. Lượng du khách đến với Côn Đảo tăng đột biến, nhưng mục đích của hành khách đi một lần cho biết là phần nhiều. Trong đó, có rất nhiều khách đi trong thời gian chỉ 2 ngày, một ngày ra, ở lại một đêm và ngày hôm sau về. Các chi tiêu cho dịch vụ du lịch, mang lại giá trị gia tăng cao cho Côn Đảo không nhiều.
Điều đáng nói, thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong khi lượng khách quốc nội tăng, lượng khách quốc tế đến Côn Đảo lại có xu hướng giảm. Năm 2018, Côn Đảo đón 286.171 lượt khách, tăng 17,31% so với năm 2017, trong đó lượng khách quốc tế chỉ tăng 2,63% so với năm 2017 (32.016 lượt). Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Thị trấn Côn Sơn những ngày này như một đại công trường, đi đâu cũng thấy ngổn ngang các công trình xây dựng khách sạn. Các tuyến đường trung tâm thị trấn Côn Sơn như: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Thị Sáu,… đều có các khách sạn đang được xây dang dở. Tuy vậy, các cơ sở lưu trú này chủ yếu là của các hộ gia đình, xây dựng theo dạng nhà ở kết hợp khách sạn với khoảng hơn 10 phòng, chất lượng dịch vụ theo dạng bình dân.
Mới đây, UBND huyện Côn Đảo đã có văn bản gửi UBND, Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị tạm thời chưa xem xét cấp phép thêm cho các phương tiện tàu cao tốc ra Côn Đảo. Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, hiện nay với 2 tàu của Superdong và một tàu Côn Đảo Express 36 cập bến mỗi ngày cùng với các tàu dầu, tàu hàng, tàu chuyên dụng… khiến cảng Bến Đầm đang quá tải.
Việc hành khách ra Côn Đảo tăng là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên điều này cũng mang đến nhiều thách thức. Các chuyên gia về du lịch cho rằng, Côn Đảo cần phát triển du lịch theo hướng cao cấp, bền vững để tạo sự khác biệt. TS Nguyễn Văn Thành (Đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng, Côn Đảo không cần chạy theo số lượng mà nên chọn chất lượng nguồn khách; Côn Đảo cần chú trọng nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, hiện đại, tránh tình trạng xây dựng tràn lan, phá vỡ quy hoạch.
“Đặc biệt là quá trình phát triển phải gắn bảo vệ môi trường, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, phá vỡ sự hoang sơ của Côn Đảo”, TS Thành nói.
Ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Greenlines DP:
Đầu tư đưa tàu cao tốc giường nằm ra Côn Đảo
Chúng tôi đang chuẩn bị những lớp tàu hiện đại hơn, êm ái hơn, có giường nằm, ít say sóng hơn, để đưa những cựu chiến binh, hành khách ra thăm đảo. Điểm khác biệt là chúng tôi hướng đến phân khúc du khách chất lượng cao, có thể mang đến GDP tốt cho Côn Đảo. Bởi hiện nay, các tàu chủ yếu chú trọng đưa thật nhiều khách ra đảo, nhưng các tiện nghi trên tàu, việc chống say sóng… chưa được như mong đợi. Trên tất cả các tàu sẽ không sử dụng túi nilon, không sử dụng những ly, vật liệu bằng nhựa, hoặc vật liệu có thể gây nguy hại cho môi trường; đồng thời chú trọng đến những dịch vụ chất lượng cao, đảm bảo sự phát triển bền vững cho Côn Đảo.
Chúng tôi sẽ hướng đến việc đóng những chiếc tàu to hơn, thời gian đi lại ổn định, có thể mất 6 tiếng để đi từ TP HCM hoặc 4 tiếng để đi từ Cần Thơ ra Côn Đảo. Đây là những chiếc tàu to dài khoảng 100m, có giường nằm, tiện nghi, nhưng bù lại chi phí có thể thấp hơn. Đây là điều kiện quan trọng để cạnh tranh tốt với máy bay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận