Ông Trần Hồng Thái, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc Gia |
Ngày 26/2, bên lề hội thảo kỹ thuật thuộc Tuần lễ Ủy ban Bão Quốc tế tại Hà Nội, ông Trần Hồng Thái, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc Gia, nhận định: Trong những năm vừa qua với sự phát triển hệ thống radar thời tiết, công nghệ vệ tinh, viễn thám, kết hợp với trao đổi dữ liệu trong khu vực, chất lướng dự báo của Việt Nam đã từng bước được nâng lên. “Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy vài năm trở lại đây, độ chính xác dự báo đã tăng lên và mức độ thiệt hại do thiên tai đã giảm đi đáng kể”, ông Thái nhấn mạnh. Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc Gia cũng cho rằng, ngành khí tượng Việt Nam vẫn đang còn hạn chế. Điển hình là hệ thống quan trắc còn khá thưa, tỷ lệ trạm quan trắc tự động còn rất ít khiến việc tiếp nhận số liệu không đầy đủ, không chính xác và kịp thời.
“Chất lượng dự báo thiên tai vẫn là niềm đau đáu của ngành khí tượng. Mặc dù đã cố gắng rất nhiều để nâng cao chất lượng dự báo song trước hết chúng tôi vẫn xin nhận trách nhiệm về mình. Thực tế, Việt Nam đã tiếp cận với trình độ dự báo quốc tế, sử dụng mô hình số trị kết hợp với kỹ thuật tạo nên chuỗi số liệu phục vụ cho các bản tin dự báo. Bên cạnh đó chúng tôi đã cố gắng áp dụng các định dạng bản tin dự báo của các nươc tiên tiến để đưa ra thông tin dễ hiểu về đường đi của bão, tâm bão, vùng ảnh hưởng của bão…Vậy nhưng trong nhiều trường hợp, không chỉ người dân mà ngay cả lãnh đạo các cấp tại địa phương vẫn còn sự hiểu lầm hoặc chưa sử dụng đúng thông tin trong bản tin dự báo…Dù sao tôi cũng nghĩ rằng, khi còn thiệt hại người và của vì thiên tai thì ngành khí tượng còn sẽ phải cố gắng, chưa thể nói đã hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thái chia sẻ.
Theo ông Raymond Tanabe, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, không chỉ tại Việt Nam, dự báo cường độ bão vẫn đang là bài toán thách thức của các nhà dự báo của Mỹ và các nước tiên tiến trên thế giới. “Khó khăn trong dự báo các trận bão nhiệt đới lớn chính là dự báo cường độ bão. Dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng tới nay chúng tôi mới đạt được kết quả tốt trong dự báo vị trí và thời gian đổ bộ của bão, còn dự báo cường độ bão vẫn chưa có tiến triển”, ông Raymond Tanabe lý giải.
Được biết, Việt Nam đã được Ủy ban Bão Quốc tế chọn là nơi chủ trì trung tâm hỗ trợ dự báo trong khu vực Đông Nam Á. Trung tâm này bắt đầu chạy thử nghiệm năm 2015 và chính thức vận hành năm 2016. Hiện Trung tâm đang vận hành 1 trang web bằng tiếng Anh, hàng ngày cung cấp và chia sẻ nhiều sản phẩm của các mô hình dữ liệu của khu vực và toàn cầu; cung cấp các sản phẩm hỗ trợ dự báo những thiên tai như mưa lớn, gió mạnh, bão cho các nước khu vực Đông Nam Á để cùng khai thác và chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận