Mọi mặt hàng đều có thể bị làm giả |
Theo ông Lê Thế Bảo, nạn sản xuất, kinh doanh và buôn bán hàng lậu, hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp. Mọi mặt hàng đều có thể bị giả, nhái, từ hàng cao cấp đến hàng rẻ tiền, từ sản phẩm hiện đại như điện thoại đến những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe cho người tiêu dùng như mỹ phẩm, đồ ăn, thuốc uống…11 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 17.500 vụ liên quan đến buôn lậu, hàng giả và hàng nhái.
Ông Lê Thế Bảo cho rằng, để dẹp nạn hàng giả, hàng nhái, cần sự đồng bộ từ cơ chế chính sách, lực lượng chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Riêng với lực lượng chức năng, nếu vẫn còn hiện tượng tiêu cực ở một bộ phận cán bộ bảo vệ pháp luật thì công tác chống buôn lậu sẽ không chuyển biến.
Trước đó, tại lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng nhái, hàng giả được tổ chức ngày 28/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, có tình trạng bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Do đó, "công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái phải làm quyết liệt, chọn lựa cán bộ có phẩm chất để làm chuyển biến công tác đấu tranh với loại tội phạm này", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, để chống hàng nhái, hàng giả, doanh nghiệp cần đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm để được pháp luật bảo vệ; xây dựng hệ thống phân phối tốt và xây dựng thương hiệu tốt.
Còn ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) thì khuyến cáo, người tiêu dùng cần biết cách bảo vệ mình trước hàng giả, hàng nhái như khi mua hàng cần lấy hóa đơn bán hàng, đây căn cứ để các lực lượng chức năng xử lý nếu phát hiện hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Quỳnh Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận