Ký cam kết, dán biển phản quang
Theo ghi nhận, xe công nông là phương tiện giao thông mang tính đặc thù đối với người dân Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung, loại xe này như một phương tiện “chuyên dụng” giúp vận chuyển phân bón, nông sản, phục vụ sản xuất, bất chấp mọi tuyến đường.
Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông tuyên truyền, dán phản quang cho xe công nông. Ảnh: M.Q
Tuy nhiên, xe công nông đang tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT, đặc biệt di chuyển vào ban đêm vì hầu hết các xe đều không có đèn, không có tín hiệu nhận biết từ xa… và được ví như “cục sắt di động” trong đêm.
Đơn cử, khoảng 9h30 ngày 1/12, tại đường liên thôn Đắk Thọ (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) xảy ra vụ tai nạn hy hữu khiến một thanh niên điều khiển xe công nông tử vong tại chỗ. Nguyên nhân ban đầu được xác định, nam thanh niên điều khiển xe công nông không biển số, chở xe múc quá nặng khiến trục rơ moóc bị gãy. Vụ tai nạn làm chiếc xe múc phía sau đổ về trước, đè tử vong nam thanh niên, đang ngồi tại vị trí lái.
Trước tình hình trên, lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức nhiều đợt phát tờ rơi tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Xe công nông gãy trục rơ moóc, khiến một nam thanh niên tử vong vừa xảy ra sáng 1/12 tại huyện Đắk Mil. Ảnh: M.Q
Theo ghi nhận, những ngày cuối tháng 11, trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn huyện Đắk Mil), Phòng CSGT phối hợp với Công an xã Thuận An và Đội CSGT Công an huyện Đắk Mil vừa thực hiện nhiệm vụ TTKS giao thông, vừa tuyên truyền nhắc nhở, dán decal phản quang nhận diện đối với xe công nông.
Tại đây, nhiều xe công nông thôn đang lưu thông đi rẫy được tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện để tuyên truyền và dán decal phản quang. Đồng thời, lực lượng CSGT còn phát tờ rơi và tổ chức cho các chủ phương tiện ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Ông Y Diêu (ngụ huyện Đắk Mil) cho biết: “Do đặc điểm địa hình đồi núi nên xe công nông mới di chuyển được, giúp người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Xe chủ yếu phục vụ đi đường trong nương rẫy nên nhiều lúc không để ý đến đèn chiếu sáng, cứ quen tay thì điều khiển. Vào lúc trời tối, các phương tiện lưu thông trên đường không có đèn chiếu sáng nên rất nguy hiểm cho người đi đường. Mỗi khi lưu thông chúng tôi cảm thấy rất lo lắng nhưng không biết phải làm sao. Được lực lượng CSGT phát tờ rơi hướng dẫn, tuyên tuyền, tổ chức ký cam kết chấp hành luật giao thông đường bộ và dán decal phản quang người dân rất vui, an tâm”.
Lực lượng CSGT đến tận nhà tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo trật tự ATGT liên quan đến xe công nông. Ảnh: M.Q
Cũng theo ông Y Diêu, việc làm của CSGT rất thiết thực, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu TNGT. Người dân sẽ truyền tai nhau, nhắc nhở người thân và các hộ dân xung quanh thực hiện tốt các quy định khi điều khiển xe công nông tham gia giao thông bảo đảm an toàn, tránh tai nạn xảy ra.
Thượng úy Sầm Hoàng Thái, Phó trưởng Công an xã Thuận An (huyện Đắk Mil) cho biết, trên địa bàn huyện Đắk Mil nói chung, xã Thuận An nói riêng có rất nhiều xe công nông. Khi đến vụ mùa thu hoạch cà phê, lượng xe tham gia giao thông tăng cao. Đặc biệt, vào ban đêm xe công nông thường không có đèn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.
Lực lượng CSGT phối hợp với Công an xã triển khai chương trình tuyên truyền, tổ chức cho các chủ phương tiện ký cam kết và dán decal phản quang lên thùng xe để các phương tiện khác dễ phát hiện, hạn chế thấp nhất va chạm liên quan đến loại phương tiện này là việc làm rất thiết thực, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn”.
CSGT tuyên truyền, cho chủ xe công nông ký cam kết. Ảnh: M.Q
Nỗ lực tuyên truyền, giảm tai nạn liên quan xe công nông
Trung tá Lê Ngọc Quyết, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Xe công nông được ví như “con trâu” của người dân, vừa phục vụ tưới tiêu, cày bừa và vận chuyển nông sản. Vì vậy, công tác xử lý xe công nông trên địa bàn đang gặp khó. Khi chưa có phương tiện thay thế được, Phòng CSGT đã và đang phối hợp với Công an các huyện, thành phố tìm nhiều giải pháp vừa tuyên truyền, vừa xử lý, nhắc nhở để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Theo Ban ATGT tỉnh Đắk Nông, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ, làm 25 người chết, 39 người bị thương, hư hỏng 70 phương tiện, thiệt hại tài sản ước tính 992,5 triệu đồng.
Thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục duy trì và nhân rộng cách làm trên để góp phần phòng ngừa, kéo giảm TNGT liên quan đến xe công nông”, trung tá Quyết nhấn mạnh.
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông, hàng năm có không ít vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến loại xe công nông. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 5 vụ tai nạn và va chạm giao thông liên quan đến loại xe này, làm chết 1 người và 4 người bị thương.
Các vụ TNGT thường xảy ra vào thời điểm đêm tối, các tuyến đường giao cắt với quốc lộ, tỉnh lộ, nơi có mật độ xe cộ nhiều.
Chủ xe công nông ký cam kết, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: M.Q
Thượng tá Phạm Quốc Lập, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: “Xe công nông là phương tiện duy nhất và quan trọng đối với việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông loại phương tiện này khá nhiều, trong đó riêng huyện Đắk Mil có khoảng trên 7.000 xe. Trong khi đó, xe công nông không có các hệ thống đèn, phản quang nhận diện nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Để hạn chế nguy cơ và kéo giảm TNGT liên quan đến loại phương tiện này, Phòng CSGT đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố và chính quyền cơ sở chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, dán decal phản quang đảm bảo ATGT đối với xe loại xe này”.
Theo thượng tá Lập, khi lưu thông hoặc dừng đỗ vào ban đêm, các xe công nông hầu như không có đèn hay tín hiệu cảnh báo khiến các phương tiện khác rất khó phát hiện, dễ đâm vào. Do đó, xe công nông có gắn biển phản quang giúp người đi đường dễ dàng nhận biết từ xa nên chủ động hãm tốc độ, nhờ đó sẽ giảm thiểu được các vụ tai nạn.
Theo Ban ATGT tỉnh Đắk Nông, trong 9 tháng đầu năm 2021, Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa 97 đợt tuyên truyền, chiếu 24 lượt phim tuyên truyền, cho 56.485 lượt người; cấp phát 500 cuốn luật Giao thông đường bộ, 32.616 tờ rơi, 4.135 cuốn cẩm nang ATGT, 1.438 mũ bảo hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận