Theo Bộ GTVT, kế hoạch hành động này được xây dựng dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam và Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 có bốn nội dung: Hình thành ba cụm liên kết đóng tàu ở ba miền Bắc - Trung - Nam; Xây dựng ba trung tâm sửa chữa tàu hạng thấp đến trung theo hướng tập trung ở vùng có lợi thế về vị trí địa lý, gần các cảng biển lớn hoặc tuyến hàng hải quốc tế; Nâng cao tỉ lệ nội địa hóa; Và xây dựng thể chế, hệ thống pháp lý cho ngành, phát triển các loại hình sản phẩm, quy mô sản phẩm, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển.
Từ những mục tiêu cụ thể nêu trên, kế hoạch hành động đã được xây dựng tập trung vào các nhóm hoạt động gồm: Tái cơ cấu hệ thống nhà máy đóng tàu cả nước hiện có theo hướng sử dụng tập trung cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đã có; Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành Đóng tàu; Phát triển thị trường tiêu thụ và dịch vụ sửa chữa tàu trong nước và xuất khẩu; Đào tạo nhân lực có trình độ cao, chuyên nghiệp; Xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển, phục vụ ba cụm liên kết ngành ở ba miền.
Ông Toma Mashaki, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, nội dung kế hoạch sẽ tập trung tái cấu trúc ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, đưa ra những nội dung cụ thể nhằm đưa ngành công nghiệp này đáp ứng được yêu cầu phát triển của giai đoạn tiếp theo.
Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công, việc Thủ tướng phê duyệt Chiến lược cho ngành Đóng tàu sẽ bảo đảm việc phát triển rõ ràng, cụ thể để triển khai một cách thực chất, đảm bảo kế hoạch được triển khai thật sự có hiệu quả, không đi lệch đường hướng đã đặt ra, không để lặp lại quá khứ. Chương trình này nhằm phấn đấu đưa ngành Đóng tàu không chỉ đảm bảo nhiệm vụ vận tải hàng hóa trong nước mà còn vươn ra xa hơn trong khu vực và thế giới.
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận