Từ ngày 13/6 - 17/6, đoàn thanh tra Tổng cục Đường bộ VN đã thanh tra tại Sở GTVT Thừa Thiên Huế và Công ty cổ phần Đường bộ I Thừa Thiên Huế.
Tổng cục Đường bộ yêu cầu Sở GTVT Thừa Thiên Huế khắc phục ngay các tồn tại trong quản lý, bảo trì đường bộ - Ảnh minh họa
Kết quả thanh tra cho thấy, từ năm 2020 - 2022, Sở GTVT Thừa Thiên Huế được cấp trên 17 tỷ đồng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên. Kinh phí cho các công trình sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất sở này được cấp hơn 70 tỷ đồng.
Sở GTVT Thừa Thiên Huế được Tổng cục Đường bộ VN ủy quyền quản lý, bảo trì 1 đoạn tuyến QL49B với tổng chiều dài hơn 104 km, trong đó có 5 km trùng với QL49. Trên tuyến có 19 cầu với tổng chiều dài hơn 2.600 km.
Tổng cục Đường bộ VN đánh giá, Sở GTVT Thừa Thiên Huế đã tổ chức bộ máy đáp ứng với yêu cầu quản lý, khai thác và bảo trì các tuyến quốc lộ được ủy quyền quản lý.
Tuy nhiên, đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên do nhà thầu Công ty cổ phần Đường bộ I Thừa Thiên Huế thực hiện còn nhiều tồn tại như bảng chấm điểm chi tiết đính kèm biên bản nghiệm thu kỹ thuật chất lượng chưa đóng dấu giáp lai hoặc ký nháy từng trang. Thiếu một số biên bản kết quả nghiệm thu đánh giá nội bộ của nhà thầu, kết quả kiểm tra nội nghiệp và hiện trường.
Đối với quản lý chất lượng công trình sửa chữa định kỳ, đột xuất, kết luận thanh tra cho biết, Sở GTVT Thừa Thiên Huế thực hiện 13 công trình. Năm 2020 có 3 công trình đã quyết toán. Năm 2021 có 7 công trình, trong đó 6 công trình đã quyết toán. Năm 2022 có 3 công trình đang thi công.
Sở GTVT Thừa Thiên Huế đã thực hiện công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình theo quy định.
Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng của nhà thầu thi công ở hầu hết các công trình còn tồn tại như thông tin ghi trong nhật ký thi công chưa cập nhật theo quy định tại Nghị định 06/2001 của Chính phủ.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, qua kiểm tra hiện trường bảo trì trên QL49B, mặt đường nhiều đoạn bị rạn nứt, lún lõm cục bộ. Mặt cầu, mặt đường còn đọng nhiều đất, cát chưa được vệ sinh kịp thời. Bên cạnh đó, hệ thống đảm bảo ATGT như hộ lan tôn sóng thấp, vạch sơn tim đường, nhiều cột biển báo hiệu đường bộ sơn bị mờ, bong tróc. Nhiều vị trí chưa có biển cảnh báo, vạch sơn cho người đi bộ qua đường.
Để còn các tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc về Sở GTVT Thừa Thiên Huế và Công ty cổ phần Đường bộ I Thừa Thiên Huế.
Sở GTVT Thừa Thiên Huế chưa quyết liệt trong quản lý, đôn đốc các nhà thầu thực hiện các quy định về quản lý, bảo trì đường bộ. Chưa triệt để trong công tác xử lý vi phạm hành lang đường bộ.
"Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên chưa thực sâu sát. Nhà thầu thi công công trình đường bộ chưa thực hiện đầy đủ việc lập và ghi chép nhật ký thi công để quản lý chất lượng thi công công trình", kết luận đánh giá.
Tổng cục Đường bộ yêu cầu Sở GTVT Thừa Thiên Huế chỉ đạo Công ty cổ phần Đường bộ I Thừa Thiên Huế có giải pháp khắc phục các tồn tại. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các nhà thầu trong quản lý chất lượng thi công công trình, kịp thời xử lý các nhà thầu vi phạm quy định.
"Sở GTVT Thừa Thiên Huế tổ chức họp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các phòng, ban tham mưu vì để xảy ra các tồn tại. Bên cạnh đó, chấn chỉnh đối với Công ty cổ phần Đường bộ I Thừa Thiên Huế vì để xảy ra các tồn tại nêu trên. Báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục Đường bộ VN trước ngày 30/8/2022", Tổng cục Đường bộ yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận