Lực lượng Thanh tra - an toàn thuộc Chi cục ĐTNĐ phía Bắc kiếm tra điều kiện an toàn tàu cao tốc chở khách trước khi xuất bến |
Những “điểm nóng” về ATGT đường thủy được lực lượng Thanh tra - an toàn đường thủy kiên trì giải quyết để giữ cho sông nước bình yên. Dù gặp nhiều khó khăn, lực lượng “công chức áo xanh” ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong công tác bảo đảm TTATGT đường thủy.
Xóa nhiều “điểm nóng”
Những ngày cuối tháng 9/2017, chúng tôi có mặt tại sông Lô đoạn cầu Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ), nơi từng là “điểm nóng” về tình trạng ụ nổi, bến nổi, phương tiện thủy nội địa neo đậu lộn xộn, lấn chiếm luồng để chuyển tải vật liệu xây dựng, hàng hóa. Ghi nhận thực tế cho thấy, “điểm nóng” ngày nào giờ đã bình yên, không còn cảnh phương tiện neo đậu lộn xộn, lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ cầu vượt sông.
Ông Phạm Thế Đương, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 1 (trực thuộc Chi cục ĐTNĐ phía Bắc) cho biết, từ năm 2016 do mực nước sông Lô phía thượng nguồn xuống thấp, phương tiện thủy trọng tải lớn không đi được nên neo đậu tại đây để nhận chuyển tải hàng từ phương tiện loại nhỏ, phát sinh hình thức bến nổi, ụ nổi. Phương tiện đông đúc, lại gần cầu vượt sông khiến thường xuyên xảy ra tình trạng lộn xộn, lấn chiếm luồng chạy tàu và ảnh hưởng đến an toàn cầu.
"Trung bình mỗi công chức thanh tra phải quản lý, bảo đảm TTATGT hơn 97km đường thủy quốc gia. Các đội đều không được trang bị ôtô, lại hạn chế về phương tiện thủy, kinh phí, nhiên liệu phục vụ công tác nên đều phải nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Ông Phạm Minh Tuấn |
“Trước thực trạng trên, Đội nỗ lực bám tuyến, địa bàn để kiên trì tuyên truyền đến các đơn vị, cá nhân có hoạt động trên đường thủy tại khu vực này; phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức sắp xếp khu vực hoạt động cho phương tiện, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm”, ông Đương nói.
Ngoài điểm nóng trên, tháng 7/2017 vừa qua, Đội Thanh tra - an toàn số 1 cũng huy động phương tiện, lực lượng tham gia cưỡng chế giải tỏa thành công vi phạm trật tự xã hội, ATGT đường thủy tại khu vực đền Bảo Hà trên sông Hồng (huyện Bảo Yên, Lào Cai). Điểm nóng này đã tồn tại trong thời gian dài, ngoài các hoạt động gây mất trật tự xã hội, còn có các phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm neo đậu, hoạt động gây mất TTATGT đường thủy và trong hành lang bảo vệ cầu Bảo Hà. Sau khi những điểm nóng này được giải quyết, hàng ngày Đội lại tập trung đi nắm tình hình để kịp thời phát hiện vi phạm ATGT đường thủy, trong đó tập trung bảo đảm an toàn hoạt động vận tải khách ngang sông, khu du lịch, bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy.
Trong khi đó, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2 Trần Văn Khiết cho biết, 3 tháng gần đây, lực lượng thanh tra - an toàn của Đội tập trung kiểm tra, giám sát tình hình TTATGT tại các cầu trọng điểm và bến khách ngang sông tại 8 tỉnh, thành khu vực phía Bắc để hạn chế vi phạm, tai nạn trong mùa mưa bão. “Ngoài nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng được giao, chúng tôi còn là lực lượng chính giúp đảm bảo an toàn các lễ hội lớn diễn ra trên sông nước”, ông Khiết cho biết.
Nỗ lực bám tuyến, bám luồng
Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, trước kia lực lượng Thanh tra đường thủy Trung ương trực thuộc Cục, còn từ năm 2015, lực lượng này được tổ chức thành các Đội Thanh tra - an toàn trực thuộc Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, phía Nam. Dù được tổ chức lại, lực lượng Thanh tra - an toàn gặp nhiều khó khăn như biên chế ít, địa bàn rộng, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, đơn vị có 5 đội Thanh tra - an toàn, với tổng số 35 người (trong đó 30 người là công chức thanh tra), được giao đảm nhiệm hơn 2.900km đường thủy Trung ương trên địa bàn 21 tỉnh, thành. Tuy vậy, lực lượng “công chức áo xanh” ngày càng nỗ lực trong công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm và bảo đảm TTATGT đường thủy, góp phần đưa Luật Giao thông ĐTNĐ vào cuộc sống.
Theo Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, trong 9 tháng đầu năm 2017, các Đội Thanh tra - an toàn của Chi cục đã trực tiếp tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ cho gần 900 đối tượng là chủ bến, người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông và hàng vạn hành khách.
Bên cạnh đó, các lực lượng đã kiểm tra hơn 3.600 đối tượng và xử phạt VPHC gần 300 trường hợp, áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động gần 100 cảng, bến, công trình, phương tiện thủy. Lực lượng thanh tra đường thủy cũng tham gia hơn 20 đợt phối hợp liên ngành về đường thủy cấp Trung ương và địa phương và đã xử phạt vi phạm hành chính gần 200 trường hợp vi phạm. Trước đó, năm 2015-2016, cũng đình chỉ hoạt động hơn 800 trường hợp cảng, bến, phương tiện vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ.
Được biết, Cục ĐTNĐ Việt Nam đang đề xuất thành lập Chi cục ĐTNĐ miền Trung, trong đó có lực lượng thanh tra - an toàn trực thuộc để thực hiện quản lý, bảo đảm TTATGT các tuyến đường thủy quốc gia tại khu vực này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận