“Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người phiên dịch…
Đây là một trong những nội dung của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) được QH thông qua sáng nay (20/6) với tỷ lệ ĐBQH tán thành đạt 90,16%. Luật mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015, thay thế Luật Công chứng số 82/2006/QH11.
Quy trách nhiệm để kiểm soát chất lượng bản dịch
Liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên đối với công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản, luật quy định: lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Luật mới cũng bỏ nguyên tắc hành nghề công chứng "không vì mục đích lợi nhuận" - ảnh Minh họa |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH Phan Trung Lý, quy định như vậy đồng nghĩa với việc công chứng viên là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thành của bản dịch so với văn bản gốc.
“Quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có nhu cầu sử dụng bản dịch có công chứng, tránh việc khi phát hiện sai sót trong bản dịch thì người dân không biết phải tìm ai để yêu cầu bồi thường”, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH nói.
Cũng theo ông Phan Trung Lý, do phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước người yêu cầu công chứng về bản dịch được công chứng nên công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ để có thể kiểm soát được chất lượng bản dịch.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 61 của dự thảo Luật cũng đã quy định rõ cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện; đây cũng là cơ sở để bảo đảm nâng cao trách nhiệm của người phiên dịch trong quá trình này.
Bỏ quy định tuổi hành nghề công chứng
Trong dự thảo Luật trình QH tại đầu kỳ họp, liên quan đến độ tuổi hành nghề của công chứng viên, ban soạn thảo đã đưa ra hai phương án. Phương án 1: Không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Phương án 2: Công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật Viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.
Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất nên nội dung này đã được xin ý kiến ĐBQH qua hình thức gửi phiếu xin ý kiến. Tiếp thu ý kiến ĐBQH (58,8% tổng số ĐBQH tán thành phương án 1), Ủy ban TVQH đã xin phép QH bỏ quy định về tuổi hành nghề công chứng trong dự thảo Luật này. Tuổi hành nghề của công chứng sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Viên chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan tương tự như đối với các nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác.
Trong khi đó, liên quan đến một trong những tiêu chuẩn của công chứng viên, Ủy ban TVQH nhận thấy, do công chứng là công việc pháp luật có tính chuyên sâu cao, nên có bằng cử nhân luật là tiêu chuẩn tối thiểu cần phải có để trở thành công chứng viên, tương tự như quy định về tiêu chuẩn đối với luật sư (trong Luật Luật sư), hay như đối với quản tài viên - là chức danh mới được quy định trong Luật Phá sản... Do đó, Ủy ban TVQH đã đề nghị QH cho giữ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 như đã thể hiện trong dự thảo Luật.
Về người được miễn đào tạo nghề công chứng, theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý, phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng hiện nay là tương đối rộng và quy định này phù hợp với giai đoạn ban đầu của xã hội hóa nghề công chứng. Ủy ban TVQH đề nghị chỉnh lý lại quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 10 theo hướng chỉ miễn đào tạo nghề công chứng cho người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên, tương đương với thời gian tối thiểu là 10 năm công tác tại các cơ quan tư pháp.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận