Thời sự Quốc tế

Công nghệ châu Á trỗi dậy thách thức Google, Facebook

20/06/2019, 08:32

Với thị trường phương Tây, hoạt động và sự phát triển của các công ty công nghệ gần như đã bão hòa...

img
Một người dùng ứng dụng WeChat đang thực hiện giao dịch bằng điện thoại di động thông minh

Với thị trường phương Tây, hoạt động và sự phát triển của các công ty công nghệ gần như đã bão hòa. Chính vì thế, trong giai đoạn hiện nay, cơ hội phát triển đang chuyển sang các thị trường lớn ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.

Mở đường cho xã hội không tiền mặt

Những “ông lớn” ở Thung lũng Silicon Mỹ như Google và Facebook hay Amazon đều phải đối mặt với những hạn chế ở Trung Quốc, khiến các công ty công nghệ nội địa ở nước này nói riêng và châu Á nói chung tự tin thúc đẩy những ý tưởng mới với tốc độ phát triển không ngừng.

Một báo cáo của Nic Newman, chuyên gia báo chí, công nghệ truyền thông của Chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Nghiên cứu báo chí Reuters và Đại học Oxford, Vương quốc Anh xuất bản đầu năm 2019 nhấn mạnh rằng, các công ty công nghệ ở châu Á đã chứng tỏ khả năng nắm bắt, phát minh các công nghệ đầu tiên trên nền tảng di động.

Theo phân tích của Hillhouse Capital - công ty quản lý đầu tư có trụ sở ở châu Á, việc thanh toán khi mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ bằng tiền mặt ở Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, các giao dịch được thanh toán trên nền tảng điện thoại di động lại liên tục tăng gấp đôi kể từ năm 2017 đến nay đạt mức 5 ngàn tỷ USD.

Phần lớn sự tăng trưởng đến từ thanh toán qua điện thoại thông minh trong ứng dụng nhắn tin WeChat nổi tiếng của Trung Quốc. Người tiêu dùng có thể thanh toán mọi giao dịch trong vài giây chỉ bằng thao tác quét mã vạch. Trong khi đó, các quầy hàng tiện ích luôn tràn ngập bên những con đường ở các thành phố lớn, họ sẵn sàng chấp nhận và tạo điều kiện cho việc thanh toán di động.

WeChat có hơn 500 triệu người dùng có tham gia các loại hình thanh toán di động, chia sẻ thị trường với AliPay, một đối thủ khác của công ty này tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Hàn Quốc là một thị trường khác, nơi công ty khai thác nền tảng di động lớn nhất (Naver và Kakao) đang thống trị. Dịch vụ thanh toán Kakao Pay có khoảng 10 triệu người dùng và là một phần của gói với ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất trên đất nước (Kakao Talk). Kakao Pay cạnh tranh với số lượng ngày càng tăng của các hệ thống điện tử khác như T-Pay và Samsung Pay.

Hình thức thanh toán di động được liên kết với các trang web thương mại điện tử mạnh đã cho phép gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent và Alibaba có năng lực mạnh để chạy đua trên bảng xếp hạng các công ty có giá trị nhất thế giới, trở thành đối thủ lâu dài thực sự của 3 “đại gia” công nghệ Mỹ là Google, Facebook và Amazon.

Kích hoạt nhiều dịch vụ mới

Đối với các thương nhân, việc phí giao dịch khi thực hiện các giao dịch thanh toán trên điện thoại di động có chi phí thấp hơn nhiều so với thẻ tín dụng ngân hàng truyền thống được cho là một cơ hội để họ triển khai các mô hình, chiêu thức kinh doanh mới, gồm rất nhiều các dịch vụ chia sẻ từ cho thuê xe đạp đến rao bán tin tức.

Các đường phố ở thành phố chính của Trung Quốc hiện thường xuyên phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn với những chiếc xe đạp đầy màu sắc của các công ty cho thuê xe vận hành trên các ứng dụng di động trực tuyến.

Chỉ với một khoản tiền tương đương khoản 15 cent (hơn 20 ngàn VND), người dùng có thể thuê xe đạp và để chúng ở bất cứ đâu họ muốn. Mobike và Ofo là hai trong số các nhà khai thác chia sẻ xe đạp tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc đại lục và cả hai công ty này đều đang có kế hoạch mở rộng hoạt động ra môi trường quốc tế.

Các khoản phí trả trước có thể nhỏ, nhưng các công ty Trung Quốc nhận thấy rằng dữ liệu được thu thập về người dùng mới là giá trị. Những dữ liệu này sẽ cho phép họ khai thác triệt để và đó cũng là “lợi nhuận trong tương lai” của các công ty công nghệ.

Ở một thị trường khác, nơi chuyên tiêu thụ các sản phẩm thông tin số (truyền thông, báo chí mạng), hiện nay, một số trang tin tức, báo điện tử chạy trên nền tảng di động hàng đầu ở Trung Quốc đã giới thiệu các dịch vụ xem-đọc-nghe tin tức bằng các khoản thanh toán nhỏ cho mỗi bài báo, thậm chí cho các nhà báo.

Quy trình tương tự áp dụng cho việc phát trực tiếp nội dung theo yêu cầu của độc giả dùng thiết bị di động thông minh.

img
WeChat (Trung Quốc) đã trở thành đối thủ nặng ký của Google, Facebook và Amazon (Mỹ)

Vô vàn ứng dụng điều hành bằng công nghệ AI

Frederic Filloux, tác giả của ấn bản Monday Note tại Paris, Pháp cho hay, ông đã rất chú ý đến Toutiao, một ứng dụng sử dụng trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc có khả năng tổng hợp nội dung từ khoảng 4.000 trang báo điện tử, nhà xuất bản tin tức truyền thống cũng như các blogger và nội dung đăng tải trên mạng xã hội cá nhân khác ở nước này.

Toutiao có khoảng 120 triệu người dùng hoạt động hàng ngày và sở hữu lượng thời gian tham gia trung bình của người dùng ở mức cao kỷ lục - 74 phút/ ngày.

Nguồn cấp tin tức được cập nhật liên tục dựa trên những gì hệ thống AI Toutiao thu thập được, đặc biệt là việc nhận định sở thích, khuynh hướng đọc, thời gian dành cho một bài viết và vị trí của người xem.

Toutiao từng tuyên bố công khai rằng, chỉ trong vòng 24 giờ, các nhân viên của họ có thể tìm ra tất cả những thông tin đầy đủ về một người dùng trong hệ thống của mình.

Tại Hàn Quốc, công ty di động Naver cũng đang tìm cách vận dụng những phát minh mới nhất về công nghệ AI vào các dịch vụ di động của mình. Line là một công cụ tổng hợp tin tức di động phổ biến ở Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Trong khi đó, các cổng tin tức tổng hợp trên các nền tảng di động như Flipboard và Laserlike ở Mỹ và châu Âu lại đang giậm chân tại chỗ, đạt được rất ít tiến bộ về khả năng sử dụng công nghệ AI.

Nhưng điều đó có thể thay đổi khi công ty Toutiao của Trung Quốc (đang được định giá 22 tỷ USD) đang tìm cách tiến mạnh vào các nước phương Tây trong năm nay.

Công ty mẹ của Toutiao, Bytedance gần đây cũng đã mua Musical.ly, một nền tảng cung cấp dịch vụ hát khớp môi, ứng dụng rất phổ biến với các thanh thiếu niên Mỹ từng được phát triển ở Thượng Hải và là một trong những ứng dụng Trung Quốc đầu tiên phổ biến ở các nước phương Tây.

Bùng nổ người dùng thiết bị di động ở Ấn Độ

Số lượng người dùng điện thoại thông minh ở Ấn Độ ước tính đã đạt 420 triệu vào giữa năm 2017 và vẫn tăng trong năm 2018 vừa qua, theo một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters.

Người Ấn Độ bắt đầu có thể sử dụng dịch vụ internet để tải, nhận, truyền dữ liệu với giá cả phải chăng hơn sau khi Reliance Jio - mạng thiết bị di động của Ấn Độ tham gia thị trường, cung cấp truy cập miễn phí trong 6 tháng, buộc các công ty khai thác dịch vụ cung cấp mạng di động khác phải hạ giá để cạnh tranh.

Reliance Jio từng một thời được xem là “kẻ gây rối”. Hãng này có Jio - sim điện thoại được bán và sử dụng nhiều nhất ở Ấn Độ và chỉ trong vòng 2 năm, đã có 190 triệu người đăng ký. Reliance Jio lần lượt đánh bại Airtel và các đối thủ khác như Idea, Docomo và hiện đang giữ vị trí số một tại Ấn Độ với tốc độ liên kết cao nhất.

Chỉ trong hơn một năm qua, Jio đã thu hút được thêm 100 triệu người dùng cho mạng 4G tốc độ cao, nhưng dự đoán cho thấy Reliance Jio vẫn còn một chặng tiềm năng rất lớn. Báo cáo The Ericsson Mobility Report gần đây nhất cho thấy, Reliance Jio có thể đạt 1,4 tỷ thuê bao di động đến năm 2021.

Giống như Trung Quốc, Ấn Độ đang có những bước tiến tới một tương lai xã hội không giấy tờ và không tiền mặt bằng cách kết nối chương trình nhận dạng quốc gia với công nghệ điện thoại thông minh.

Chương trình Aadhaar của Ấn Độ có thể cung cấp dịch vụ nhận dạng duy nhất cho mọi công dân. Hiện, chính phủ Ấn Độ đang khuyến khích tất cả người dân tham gia chiến dịch thu thập dữ liệu sinh trắc học như lấy dấu vân tay và quét mống mắt.

Quá trình này được cho là sẽ cung cấp những lợi ích cho tất cả mọi người dân cũng như hạn chế tất cả những tiêu cực liên quan đến thói quan liêu và hạch sách của các quan chức ở mọi cấp.

Thế giới cũng chứng kiến một cuộc cách mạng nội dung trên các nền tảng, thiết bị di động ở Ấn Độ. Nhiều trang báo điện tử, nhà xuất bản số cũng đang từng bước phát hành các nội dung thích hợp với các loại màn hình, hệ điều hành di động.

Với các lĩnh vực như giáo dục và giải trí, BYJU do người Ấn Độ xây dựng, là một ứng dụng học tập trực tuyến đã có 12 triệu lượt tải và 700.000 thuê bao trả tiền. BYJU được các kỹ sư CNTT viết ra và phổ biến với mục đích đầu tiên làm cho việc học thú vị hơn thông các video và hình minh họa có liên quan, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở nước này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.