Ông Khuất Việt Hùng |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ trong đảm bảo ATGT là xu thế tất yếu và là một phần không thể thiếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây được xem như giải pháp nền tảng trong đảm bảo ATGT thời gian tới.
Không thể mãi quản lý thủ công
Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác đảm bảo ATGT diễn ra như thế nào, thưa ông?
Từ năm 2011, chúng ta đã có nhiều nỗ lực ứng dụng CNTT trong đảm bảo ATGT. Hệ thống đường cao tốc được quản lý bằng giao thông thông minh nhưng chưa có tuyến nào hoàn chỉnh ứng dụng CNTT điều tiết dòng giao thông. Bên cạnh đó, việc lắp camera trên cao tốc chỉ để giám sát giao thông mà chưa cung cấp được tình trạng giao thông trực tuyến, thông báo sự cố dẫn đến ùn tắc giao thông để lái xe điều chỉnh tốc độ hợp lý.
"Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với sự xuất hiện dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đảm bảo ATGT. Thủ tướng Chính phủ đã có nhận định, có thể chúng ta đi sau các quốc gia khác ở những cuộc cách mạng công nghiệp trước nhưng với trình độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, chúng ta có cơ hội để tiếp cận và theo kịp các quốc gia khác trong cuộc cách mạng CNTT." Ông Khuất Việt Hùng |
Hệ thống camera giám sát xử lý vi phạm giao thông đã có nhưng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do trước đây chúng ta quy định hệ thống này phải do lực lượng chức năng đầu tư, quản lý, khai thác, trong khi công nghệ và nhân sự công nghệ của lực lượng CSGT còn hạn chế. Ngành Giao thông đã đầu tư hệ thống giao thông thông minh và có thể cung cấp dữ liệu đủ tin cậy cho cảnh sát xử phạt nhưng với quy định trên, ngành Công an lại tiếp tục đầu tư hệ thống tương tự mà lẽ ra chỉ cần đầu một hệ thống. Bên cạnh đó, việc sẵn sàng về mặt nhân lực cho CNTT, trình độ của cán bộ quản lý đến người thực thi nhiệm vụ nói chung trong việc làm chủ CNTT còn hạn chế nhất định. Đây là những lý do khiến cho việc áp dụng CNTT trong đó có công nghệ để xử phạt vẫn chưa được thực hiện.
Trong quản lý giao thông đô thị, việc ứng dụng giao thông trực tuyến trong điều hành giao thông vẫn đang “chập chững” ở những bước đi đầu tiên, biển báo điện tử cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân số lượng còn ít và thông tin còn đơn giản; chưa thông báo được thực trạng giao thông trên tuyến và hướng dẫn đi cung đường khác tránh ùn tắc. Thêm nữa việc dùng dữ liệu trực tuyến để điều khiển đèn giao thông theo thực tế nhu cầu còn yếu, còn có sự tách biệt giữa cơ quan điều khiển giao thông với cơ quan quản lý khai thác mạng lưới giao thông trong điều khiển tín hiệu. Việc lập biểu đồ tập trung theo thực tiễn giao thông vẫn chưa được thực hiện, đơn cử như vẫn còn áp dụng biểu đồ thủ công trong điều hành xe buýt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang nỗ lực áp dụng thu phí tự động không dừng nhưng hệ thống chưa được khai thác hiệu quả.
Vậy ông đánh giá thế nào về sự cần thiết phải ứng dụng công nghệ trong đảm bảo ATGT?
Trong bối cảnh hệ thống đường cao tốc ngày càng hiện đại, vận tải khối lượng lớn như hàng không, đường sắt tốc độ cao ngày càng phát triển, không thể quản lý thủ công mà cần có hệ thống giao thông thông minh để quản lý, đảm bảo ATGT. Đối với các đô thị, các trục giao thông lớn, năng lực hạ tầng giao thông luôn không đáp ứng được nhu cầu vận tải, ùn tắc giao thông sẽ xảy ra nếu vạch kẻ đường, biển báo, chu kỳ đèn tín hiệu không phù hợp.
Đặc biệt là khi xảy ra sự cố giao thông hay nhu cầu giao thông tăng cao, nếu không có thông tin hướng dẫn, cảnh báo nguy cơ tai nạn, điều tiết kịp thời từ xa bằng hệ thống điện tử cho người tham gia giao thông biết trước để điều chỉnh tốc độ, lựa chọn tuyến đường, phương tiện phù hợp, ùn tắc sẽ thêm trầm trọng dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy, đòi hỏi phải ứng dụng CNTT trong đảm bảo ATGT như một giải pháp có tính chất nền tảng và tất yếu, giúp đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Tư nhân khó tham gia vì cơ chế
Chúng ta cũng đã có chủ trương huy động tư nhân tham gia đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, câu chuyện Công ty FPT đầu tư hệ thống giám sát xử lý vi phạm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang có nguy cơ “chết yểu”. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Như tôi đã nói, khi chưa có Nghị định 46, chỉ có cơ quan chức năng là CSGT mới được phép đầu tư, vận hành, khai thác hệ thống giám sát mới được áp dụng để xử phạt. Đây chính là rào cản và với rào cản này ngành Giao thông có đầu tư cũng không được quyết toán và không được đưa vào sử dụng.
Rõ ràng chúng ta đang quá chậm trong việc hình thành nên cơ chế, trong đó bao gồm cả những quy định của pháp luật và phải quy định bằng những văn bản pháp quy, doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư. Đây là bài học để chúng ta nhìn nhận sự cần thiết phải có cơ chế thu hút tư nhân vào ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, đảm bảo ATGT. Khi có quy định tại Nghị định 46 chúng ta mới bắt đầu có căn cứ pháp lý để triển khai thuận lợi hơn, nhưng cần phải cụ thể hóa hơn thành những quy định của ngành GTVT, Tài chính, Đầu tư mới triển khai được vào thực tiễn.
Hiện nay, nguồn lực để Nhà nước đầu tư cho CNTT trong đảm bảo ATGT còn hạn chế. Ông nhận định thế nào về vai trò của tư nhân tham gia trong lĩnh vực này?
Nghị quyết 10 Hội nghị TW lần thứ 5 (khóa VII) đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọngcho sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng CNXH ở Việt Nam. Giai đoạn 2011-2016, đất nước đã “thay da, đổi thịt” nhờ có sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Để có sự phát triển này, có sự đóng góp quan trọng từ nguồn vốn xã hội hóa với 170 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, để đầu tư phát triển từ kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo ATGT trong thời gian tới, tư nhân có vai trò quan trọng.
Trong ứng dụng công nghệ, tính linh hoạt, nhanh nhạy, kịp thời trong tốc độ ra quyết định của tư nhân có thế mạnh bản chất vượt trội so với quy trình quản lý đầu tư công. Phát triển công nghệ phải huy động nguồn lực tư nhân, bao gồm cả nguồn lực về tài chính và nguồn lực về trí tuệ. Tôi lấy ví dụ như: Uber và Grab, nếu cứ chờ đợi như đầu tư công, không bao giờ có loại hình kết nối vận tải tiên tiến này. Cái chúng ta cần là quy định pháp luật, thể chế, cơ chế để huy động tư nhân tham gia đầu tư. Một mặt, chúng ta thu hút đầu tư tư nhân, một mặt chúng ta phải giám sát được để tránh lợi ích nhóm, tránh độc quyền, tránh thao túng lũng đoạn.
Hoàn thiện cơ chế cho CNTT
Giao thông thông minh (ITS) là hướng đến điều khiển giao thông tự động, hệ thống có các giác quan như hệ thống camera, dữ liệu giám sát hành trình, thu thập thông tin để trung tâm điều khiển nhận biết được trạng thái giao thông, ra các quyết định điều khiển giao thông. Để có hệ thống ITS, điều đầu tiên phải có chuẩn kiến trúc, sau đó là có các chuẩn kết nối. Khi có được hệ thống các tiêu chuẩn khác nhau khi đó mới có nền tảng kỹ thuật để đầu tư. Khi đã có nền tảng kỹ thuật phải có cơ chế đầu tư.
Cơ chế ở đây bao gồm quy định pháp luật cho phép, cần xác định hệ thống ITS chỉ nhà nước đầu tư hay huy động tư nhân tham gia. Tư nhân có ưu điểm linh hoạt trong quá trình ra quyết định, đặc biệt là khi công nghệ thay đổi, cần phải phát huy ưu điểm này. Cái gì thuộc Nhà nước, Nhà nước phải đảm bảo, chịu trách nhiệm trước người dân về an toàn thông tin cá nhân của người dân, thông tin cá nhân chỉ nhà nước mới được phép sử dụng theo quy định của pháp luật. Tất cả những điều này cần có thể chế, quy định chặt chẽ để tạo ra môi trường ứng dụng CNTT trong đảm bảo trật tự ATGT. Ngay như trong thu phí không dừng đã tranh cãi từ lâu, tính an toàn, bí mật thông tin ai chịu trách nhiệm.
Có thể khẳng định, phần lớn doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã làm chủ được công nghệ nhưng họ không biết là phải bắt đầu từ đâu. Vì vậy, phải hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, thể chế, chính sách để tạo dựng thị trường về ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT, tránh trường hợp doanh nghiệp tự “mò mẫm” đầu tư như trường hợp của Công ty FPT với hệ thống giám sát xử lý vi phạm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Bộ GTVT và các Bộ, ngành cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy hoàn thiện thể chế, tạo dựng thị trường cho sự phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực GTVT.
Chính phủ đã có Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Chúng ta phải làm gì để thực hiện hiệu quả Nghị quyết trong đảm bảo ATGT?
Nghị quyết 36a với nhiều định hướng tiến bộ trong xây dựng Chính phủ điện tử nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phát triển GTVT. Tuy nhiên, nghị quyết chỉ dừng ở mức độ định hướng, tiếp theo phải có những quy định pháp luật tường minh để cụ thể hóa nghị quyết này. Phải hoàn thiện các văn bản quy phạp pháp luật cụ thể bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, thông tư, phải có quy trình thủ tục cần thiết, phải có địa chỉ người ra quyết định, người chịu trách nhiệm cụ thể liên quan tới từng lĩnh vực thì nghị quyết mới đi vào cuộc sống.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận