Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung |
Ngày 29/3, công trình Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế (NGTKMNBH) chính thức hoàn thành, đưa vào khai thác sau 16 tháng “thần tốc” thi công, góp phần khẳng định sự phát triển vượt bậc của ngành GTVT đúng dấu mốc lịch sử 40 năm giải phóng Đà Nẵng. Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung đã trao đổi với Báo Giao thông về “đại dự án” này.
Theo ông Lê Văn Trung, công trình được xây dựng có hình thức lập thể hình xuyến hoàn chỉnh, gồm ba tầng: Tầng mặt đất cho các nhánh rẽ đường bộ không giao với đường sắt, mặt đường gom rộng 5,5m; cầu vượt tầng 1 là vòng xuyến trên cao gồm bốn làn xe chạy có bề rộng là 15m với các nhánh rẽ rộng 16m (cho hai hướng lên xuống); cầu vượt tầng 2 cho hướng ưu tiên từ Huế vào trung tâm thành phố và ngược lại gồm bốn làn xe chạy có bề rộng cầu là 17m.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 2 nghìn tỷ đồng theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) làm nhà đầu tư (NĐT). Sở GTVT được Bộ GTVT ủy quyền thẩm tra hồ sơ quản lý dự án và thay mặt UBND TP Đà Nẵng theo dõi, đôn đốc tiến độ, chất lượng dự án. Quy mô, khối lượng công việc dự án rất lớn, điều kiện thi công gặp một số khó khăn, bất lợi. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, quyết tâm, tập trung cao độ, dự án cán đích đúng ngày Đà Nẵng kỷ niệm 40 năm giải phóng càng có ý nghĩa đặc biệt.
Cầu vượt Ngã ba Huế (Đà Nẵng) |
Thưa ông, điều gì đã tạo ra “kỳ tích” này?
Suốt 16 tháng thi công, công trình NGTKMNBH tập trung tối đa nhân vật lực, trang thiết bị, chuyên gia. Toàn dự án huy động nguồn nhân lực kỷ lục với 480 nghìn lao động, kỹ sư và công nhân, tương đương 11.520.000 giờ lao động. Đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân của Trungnam Group và các đơn vị bạn, vào những thời điểm cao điểm tập trung lên đến hơn 1 nghìn người cùng với hàng trăm máy móc thiết bị, phương tiện hăng say thi công 24/24 giờ mỗi ngày kể cả những ngày lễ, Tết với tất cả sức trẻ, tâm huyết, sáng tạo và khí thế lao động nhộn nhịp, khẩn trương.
Nhiều giải pháp quản lý và thi công sáng tạo của NĐT và các đơn vị thi công đã góp phần đẩy nhanh được tiến độ thi công và tăng năng suất lao động như: Tất cả các đơn vị từ NĐT, nhà thầu, tư vấn thiết kế (TVTK), tư vấn giám sát (TVGS)…
Hàng loạt sáng kiến về yếu tố kỹ thuật đã được các nhà thầu áp dụng cho phép tiết kiệm thời gian và đẩy nhanh tiến độ thi công như: Cho thí nghiệm chuẩn bị trước hàng trăm thành phần cấp phối bê tông; đề xuất khoan đối chứng địa chất tại trụ tháp T6 và kiểm tra tính toán lại giảm được chiều dài cọc đường kính 2m để đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vẫn đảm bảo chất lượng; sử dụng hệ thống ván khuôn leo cho trụ tháp nhịp dây văng thay ván khuôn truyền thống rút ngắn thời gian thi công từng đốt trụ tháp, đề xuất thiết kế thân trụ tròn tăng tính mỹ quan và đẩy nhanh được tiến độ thi công…
Chúng tôi đã tổ chức và phát động các đợt thi đua thi công hoàn thành các hạng mục công trình như: Hoàn thành hạng mục thi công cọc khoan nhồi có đường kính 2m (NĐT đã thưởng đến 1 tỷ đồng cho đợt thi đua này), nhất là chiến dịch 20 ngày đêm bắt đầu từ ngày 1/3/2015 đến 20/3/2015 để cơ bản hoàn thành các hạng mục cuối cùng như: Thảm nhựa, lát vỉa hè, lắp lan can và điện chiếu sáng, trang trí, trồng cây xanh…
Ngoài ra, trong quá trình thi công, sự quan tâm, hỗ trợ, động viên sâu sắc và kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TP Đà Nẵng, các cấp chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành hữu quan; đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ, thông cảm của nhân dân TP, nhất là 450 hộ dân thuộc diện giải tỏa đã chấp hành chủ trương, tháo dỡ nhà cửa, thực hiện giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công cũng góp phần làm nên kỳ tích thi công NGTKMNBH.
Đâu là những điểm nhấn đặc biệt ở công trình “thần tốc” này, thưa ông?
Đây là cầu vượt ba tầng lần đầu tiên được triển khai xây dựng, trở thành một điểm nhấn kiến trúc, góp phần xây dựng đô thị Đà Nẵng hiện đại, văn minh, năng động và không ngừng phát triển, vươn lên. Trong quá trình thiết kế, các nhà tư vấn đã lấy nguồn cảm hứng từ hình ảnh Linga và Yoni - một biểu tượng văn hóa phồn thực của đồng bào Chăm với ý nghĩa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của loài người để làm ý tưởng thiết kế kiến trúc công trình này.
Trong đó, điểm nhấn kiến trúc của toàn bộ công trình là trụ tháp Linga cao 65m kết hợp với hệ cầu dây văng parabol hai mặt phẳng nằm giữa vòng xuyến Yoni nhằm gợi lên hình ảnh về một cửa ngõ mà ở đó dòng chảy cuộc sống không bao giờ ngơi nghỉ. Đó cũng chính là sự hòa hợp của âm - dương, của thiên thời - địa lợi - nhân hòa để đưa Đà Nẵng lên những tầm cao mới…Và có thể nói, đây sẽ là công trình thế kỷ của những người con ngành GTVT Đà Nẵng nói riêng và của nhân dân Đà Nẵng nói chung.
Dự án cũng góp phần xóa bỏ điểm đen TNGT khá phức tạp trước đây, tạo văn minh, tiện ích cho người dân. Ông đánh giá cụ thể về tác động này của dự án?
Công trình NGTKMNBH được xây dựng tại khu vực Ngã ba Huế trước đây là đầu mối giao thông quan trọng, giao cắt đồng mức giữa Quốc lộ 1 với trục đường chính Điện Biên Phủ dẫn vào trung tâm TP và đường sắt Bắc - Nam đi qua nên thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Số vụ TNGT tại khu vực này chiếm hơn 30% tổng số vụ TNGT của toàn TP Đà Nẵng, đặc biệt, có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đau lòng.
Dự án được Bộ GTVT xác định là một trong 80 nút giao thông cần được triển khai khẩn cấp theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ, điểm nhấn kiến trúc, công trình NGTKMNBH đưa vào khai thác, sử dụng chắc chắn góp phần xóa “điểm đen” về ách tắc và TNGT này.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận