Bộ GTVT vừa ban hành hướng dẫn tạm thời về hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư thành lập “Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường” để kiểm tra, phê duyệt “Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 tại công trường” do nhà thầu thi công xây dựng lập
Đảm bảo an toàn thi công dự án giao thông
Theo Bộ GTVT, hướng dẫn tạm thời này áp dụng đối với hoạt động thi công xây dựng tại các dự án, công trình giao thông trên phạm vi toàn quốc đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đối tượng áp dụng là các chủ đầu tư, nhà thầu, người lao động và các tổ chức cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông.
Việc ban hành hướng dẫn tạm thời nhằm đảm bảo việc thi công xây dựng tại các dự án, công trình giao thông hoạt động bình thường, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng, giải ngân vốn đầu tư, đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, việc hướng dẫn còn giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn, người lao động và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bộ GTVT cho biết, việc phân loại, phạm vi đánh giá cấp độ dịch thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết 128 ngày 12/10/2021 của Chính phủ. Theo đó, cấp độ dịch được phân loại làm 4 cấp: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam. Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã; Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.
Theo hướng dẫn tạm thời, Bộ GTVT yêu cầu các tổ chức, đơn vị liên quan xây dựng: “Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 tại công trường”, với các nội dung chính:
Căn cứ cấp độ dịch Covid-19 được công bố để xác định ảnh hưởng trên phạm vi công trường và các phương án, biện pháp tổ chức thực hiện tương ứng với từng cấp độ dịch để kiểm soát đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong công tác vận chuyển, cung cấp nhiên liệu, vật tư, vật liệu, hàng hóa phục vụ thi công xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ đời sống, sinh hoạt của người lao động trên công trường.
Phương án xử lý và bố trí phòng, khu vực để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có các biểu hiện nghi nhiễm Covid-19, có ca nhiễm Covid-19 hoặc F1, F2.
Phương án tổ chức thi công xây dựng tại công trường; phương án đảm bảo an toàn, điều kiện sinh hoạt cho người lao động trong trường hợp dịch bùng phát ở cấp độ cao trên địa bàn công trường; phương án tổ chức xét nghiệm cho người lao động.
Phân công, quy định rõ người có trách nhiệm thực hiện, thời gian thực hiện, người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động thi công xây dựng trên công trường gắn với việc bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Giải pháp đồng bộ để phòng dịch trên công trường
Về tổ chức thực hiện, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư thành lập “Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường” với thành viên bao gồm: Đại diện chủ đầu tư, đại diện tư vấn giám sát; chỉ huy trưởng công trường và người làm công tác y tế của nhà thầu thi công,... để kiểm tra, phê duyệt “Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 tại công trường” do nhà thầu thi công xây dựng lập; xử lý tình huống khi địa phương thay đổi cấp độ dịch,…
Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai, ban hành các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 tại công trường để thống nhất với các nhà thầu trong việc thực hiện; Chủ động cùng với nhà thầu xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho cán bộ, người lao động; báo cáo với chính quyền địa phương để ưu tiên tiêm vắc xin,…
Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện các hoạt động xây dựng và quản lý, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại công trường để bảo đảm công trường hoạt động bình thường, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, phối hợp với Bộ GTVT để chỉ đạo, hướng dẫn, điều chỉnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng kịp thời, phù hợp tình hình, đặc điểm của từng địa phương và đảm bảo việc vận chuyển vật tư, vật liệu, hàng hóa, thiết bị, nhân lực,... phục vụ thi công xây dựng các công trình, dự án giao thông được an toàn, kịp thời, thuận lợi, liên tục, thông suốt để triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Trường hợp Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế ban hành quy định mới về phòng, chống dịch Covid-19 liên quan đến các đối tượng áp dụng tại Hướng dẫn tạm thời này thì thực hiện theo quy định mới.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Văn Long, Giám đốc Điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long - đại diện chủ đầu tư) cho biết, sau hơn một năm kể từ khi khởi công gói thầu đầu tiên (30/9/2020), dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 đang triển khai 66 mũi thi công tại 5 gói thầu xây lắp.
Đến nay, sau khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách, dự án đang tăng tốc thi công và gặp nhiều thuận lợi hơn. Sản lượng toàn dự án hiện đạt khoảng 2.107 tỷ đồng (đạt gần 31% giá trị hợp đồng), cơ bản đáp ứng theo kế hoạch.
Theo ông Long, năm 2021, dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 được giao kế hoạch vốn khoảng 2.931 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân được khoảng 2.416 tỷ đồng (đạt 82,5%), đáp ứng kế hoạch giải ngân đã đăng ký.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận