Định giá vé hòa nhạc theo nhu cầu
Theo Allkpop, tại cuộc Hội nghị Nhà đầu tư quý I/2023, Hybe (công ty quản lý của BTS) đã giới thiệu về hệ thống định giá động để định hướng áp dụng cho các buổi hòa nhạc.
Hệ thống này từng được giới thiệu bởi công ty Ticketmaster, đã được áp dụng thử nghiệm cho các buổi hòa nhạc gần đây của Suga (thành viên BTS) và nhóm TXT. Công ty dự kiến sẽ áp dụng hệ thống này cho tất cả các buổi biểu diễn của nghệ sĩ trực thuộc công ty trong tương lai.
Công ty quản lý của BTS bị cho là đang tìm mọi cách thu lợi từ người hâm mộ
Theo đó, hệ thống định giá động tương tự như các mô hình định giá vé máy bay và phòng khách sạn. Mô hình định giá vé dựa trên nhu cầu. Khi nhu cầu tăng lên, giá vé tăng theo. Giá tiếp tục thay đổi trong suốt quá trình bán vé và người mua sẽ không biết đâu là mức giá cuối cùng.
Điều này khiến cộng đồng người hâm mộ của BTS vô cùng phẫn nộ vì cho rằng, việc tính giá vé hòa nhạc như vậy là bừa bãi.
Trên Twitter, người hâm mộ của BTS đã bắt đầu chiến dịch lập hastag “#SayNoToDynamicPricing” (Nói không với định giá động) để phản đối. Các hastag đã nhanh chóng leo lên top trending (xu hướng) toàn cầu của Twitter.
Thực tế, hệ thống định giá động từng là chủ đề gây tranh cãi khi được triển khai tại buổi hòa nhạc của Taylor Swift vào tháng 11/2022. Thậm chí, điều này còn khiến Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ phải tổ chức một phiên điều trần để xem xét vai trò của Ticketmaster.
Hệ thống cũng đã được sử dụng cho các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ như Harry Styles, Coldplay và Black Pink ở Anh.
Hệ thống nhằm ngăn chặn những kẻ bán vé “chợ đen”, đầu cơ kiếm lợi từ việc mua và bán lại vé. Điều này được cho là sẽ góp phần mang lại nhiều doanh thu hơn cho các nghệ sĩ.
Nhưng với người hâm mộ, hệ thống này gây ra nhiều bất tiện. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin thời gian qua, người hâm mộ của BTS xôn xao khi phải chi 1.800 USD để mua vé cho buổi hòa nhạc của thành viên Suga tại Mỹ, dù giá vé ban đầu chỉ 400 USD. Chưa kể, để đăng nhập vào hệ thống mua vé, người mua phải trả 22 USD để đăng ký thành viên.
Không ít ý kiến cho rằng, đây là hành động nhằm “bào tiền” người hâm mộ của Hybe. Bởi với mức giá giá vé không thể biết trước và có thể cao hơn giá gốc gấp nhiều lần, chỉ những người có hầu bao rủng rỉnh mới có thể đi xem hòa nhạc.
Khán giả phải trả phí để xem phụ đề khi dùng ứng dụng
Không chỉ với hệ thống định giá động, Hybe được cho là đang tìm cách thu lợi từ người hâm mộ của BTS khi công bố sẽ nâng cấp nền tảng Weverse.
Nền tảng Weverse sẽ thay đổi và một số nội dung người dùng phải trả phí để được trải nghiệm
Nền tảng từng được ra đời để các nhóm nhạc của Hybe giao lưu, tương tác cùng khán giả qua tin nhắn hoặc các chương trình phát sóng trực tiếp.
Nhưng trong thông báo mới nhất, công ty này cho biết sẽ có những thay đổi với nền tảng này. Người hâm mộ sẽ phải đăng ký tư cách thành viên để tham gia nền tảng. Tuy nhiên, người dùng có thể phải trả một khoản phí để sử dụng một số tính năng nhất định như tùy chọn phụ đề, tùy chọn không có quảng cáo và cập nhật bản phát lại sớm.
Kế hoạch mới được công bố đã khiến người hâm mộ tức giận. Bởi điều này có thể gây ảnh hưởng tới trải nghiệm của fan khi tương tác với nghệ sĩ.
Người hâm mộ trong nước nếu không muốn bị ảnh hưởng sẽ phải trả phí để không có quảng cáo, trong khi khán giả quốc tế sẽ gặp rào cản khi muốn tương tác cùng thần tượng. Thay vì được cung cấp miễn phí, họ có thể phải trả phí để xem phụ đề.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận