Hô biến một con đường!
Trong đơn kiến nghị gửi đến Báo Giao thông, anh Phạm Vũ Quang Khải (44 tuổi), ngụ ấp 94 xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết, hơn 10 năm nay gia đình anh và nhiều hộ dân xung quanh không có đường đi để vận chuyển nông sản.
Gia đình anh Khải sinh sống tại xã Túc Trưng từ trước năm 1975. Khi ấy, con đường dẫn từ khu vực rẫy canh tác ra quốc lộ 20 đủ rộng cho xe máy cày chạy, xe tải vào chở nông sản đi giao hàng.
Năm 2011, Quốc lộ 20 đoạn qua xã Túc Trưng huyện Định Quán được nâng cấp, làm cho quốc lộ 20 cao hơn mặt đường giao thông vào rẫy hơn 1m. Chính vì đường ra quốc lộ quá dốc, khó di chuyển nên các hộ dân phải tập kết nông sản thành từng cụm, sau đó chở bằng xe máy đi vòng vèo qua các lối mòn dưới các vườn cao su để ra quốc lộ.
Anh Phạm Duy Khang (30 tuổi, ngụ huyện Long Khánh) cho biết, nhiều năm trước anh hợp tác thuê 1ha đất rẫy để làm vườn ươm sầu riêng và mít tại khu vực sau rẫy của anh Khải và ông Lý. Khi ấy con đường đi vào khu vực này xe tải có thể ra vào thoải mái. Sau đó, khi tuyến đường bị bít lại, anh Khang buộc phải trả lại đất thuê vì vận chuyển quá tốn kém, chi phí cao gấp 3 lần so với việc xe tải vào thẳng rẫy chở đi.
Anh Phạm Vũ Quang Khải và ông Lưu Quang Lý đi trên con đường dẫn vào rẫy canh tác đã bị một hàng cao su trồng ngay giữa tim đường dẫn ra Quốc Lộ 20.
“Chúng tôi cứ nghĩ là sau khi nâng cấp xong quốc lộ, đơn vị thi công cũng sẽ đắp đất bù vào phần chênh giữa đường quốc lộ và các đường nhánh để người dân đi lại. Tuy nhiên, vào năm 2012, nông trường cao su Túc Trưng lại trồng luôn 1 hàng cao su lên phần đường giao thông dẫn ra quốc lộ nên chính thức không còn đường đi nữa. Nhiều lần hỏi thăm cán bộ địa chính xã và cả cán bộ nông trường cao su, tôi chỉ được nghe nói đây là phần đất đã được nhà nước giao cho nông trường cao su nên được phép trồng cao su", anh Khải trình bày.
Hàng cao su trên đường giao thông trồng từ năm 2012 đến nay đã cao lớn và đang được nông trường cao su Túc Trưng thu hoạch mủ tươi.
Theo những người dân ở đây, khi tìm hiểu thì họ được cho biết muốn có lại con đường đó thì phải qua rất nhiều thủ tục. Đó là cán bộ địa chính xác nhận hiện trạng, chính quyền xã và nông trường cao su phải gửi đề xuất lên Tổng công ty cao su Đồng Nai, rồi Tổng công ty cao su Đồng Nai còn phải xin phép Tập đoàn cao su Việt Nam mới có thể chặt bỏ cao su...
Bao giờ dân được trả lại đường?
Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông, thực tế tại tuyến đường dẫn ra quốc lộ 20 mà người dân phản ánh, cao su của Nông trường cao su Túc Trưng trồng đang độ thu hoạch và nằm gần giữa tim đường.
Ông Lưu Quang Lý (64 tuổi), canh tác sát rẫy của gia đình anh Khải nói: “Gia đình tôi canh tác ở đây từ trước năm 1975. Vị trí này là con đường giao thông hiện hữu chứ không hề có chuyện là đường của nông trường cao su mở. Không hiểu vì sự nhầm lẫn nào mà lại có thể trồng cao su lên chính giữa con đường như vậy".
Đường giao thông hiện hữu nhiều năm trước khi nông trường cao su canh tác tại địa phương và con đường vẫn xuất hiện trên trích lục bản đồ địa chính của văn phòng đăng ký đất đai
Tại bản trích lục và biên vẽ thửa đất bản đồ địa chính số 45/2022 theo tỷ lệ 1/2000 của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, thửa đất số 21 trồng cây lâu năm là của gia đình anh Phạm Vũ Quang Khải. Tuyến đường giao thông thể hiện rõ tại cột mốc 12 đến 13 với chiều ngang 4,69 met. Đáng chú ý rằng, trích lục nêu: “Thửa đất thể hiện trên bản vẽ này được trích lục, biên vẽ trọn thửa 21 thuộc tờ bản đồ số 9, bản đồ địa chính xã Túc Trưng được thành lập tháng 8 năm 2002”. Như vậy, căn cứ về mốc thời gian và kiến nghị của nhiều người dân sinh sống canh tác trong khu vực, không khó để xác định rằng con đường này đã hiện hữu trước khi Nông trường cao su Túc Trưng trồng lứa cao su hiện tại vào năm 2012 và bít lối đi cũ.
Trả lời PV Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã chỉ đạo chủ tịch UBND huyện Định Quán khẩn trương xử lý.
“Đây là nguyện vọng chính đáng và cấp thiết của người dân. Trong trường hợp có sự nhầm lẫn hoặc vướng mắc về pháp lý thì xem xét xử lý bổ sung sau. Trước mắt địa phương cần nhanh chóng mở ngay đường đi cho người dân”, vị này nói.
Tròn 1 thập kỷ người dân đi lại, vận chuyển nông sản phải men theo lối mòn trong các vườn cao su trong khi con đường dân sinh trước đó "bỗng dưng" trở thành đất trồng cao su.
Qua kết quả rà soát của Sở TMMT tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai đang quản lý gần 35.800ha đất. Tổng diện tích đất trên nằm ở 13 nông trường cao su trực thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai là: Trảng Bom, Túc Trưng, Thái Hiệp Thành, Long Thành, An Lộc, An Viễn, Bình Lộc, Bình Sơn, Cẩm Đường, Cẩm Mỹ, Dầu Giây, Hàng Gòn, Ông Quế. Tuy nhiên, diện tích đất được giao nhưng tổng công ty không sử dụng lên đến hơn 650ha. UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở TNMT lập thủ tục thu hồi.
Ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết đã chỉ đạo UBND xã Túc Trưng trích lục lại nguồn gốc đất ban đầu trong vụ việc người dân kiến nghị. Về cơ sở pháp lý, xã Túc Trưng phải chủ trì buổi làm việc với nông trường cao su Túc Trưng và các ban ngành địa phương cùng người dân có kiến nghị để xác minh rõ hiện trạng con đường này, để từ đó đề xuất phương án xử lý, giải quyết, mục tiêu phải hoàn thành trước ngày 30/4.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc tổng công ty cao su Đồng Nai cho biết, vị trí tuyến đường đã được nhà nước giao đất cho tổng công ty cao su Đồng Nai. Tuy nhiên, do tính cần thiết của sự việc và tạo điều kiện để người dân trong khu vực thuận tiện canh tác, tổng công ty sẵn lòng mở đường.
“Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thủ tục đốn hạ cao su là bắt buộc phải có trong quản lý vì là tài sản nhà nước, nên cần phải có đề nghị của địa phương và nông trường cao su Túc Trưng để làm căn cứ. Tổng công ty đã chỉ đạo phía nông trường khẩn trương xác nhận với người dân và chuyển đề xuất về tổng công ty.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận