Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông C.M.T., Giám đốc 1 công ty xây dựng lớn ở Cần Thơ chia sẻ: "Doanh nghiệp Cần Thơ vui mừng vì toàn TP đã xuống Chỉ thị 15 (chỉ trừ 9 phường ở quận Ninh Kiều và Cái Răng - PV), tất cả đều háo hức và sẵn sàng hoạt động trở lại".
Nhà thầu chuẩn bị thi công lại sau đợt dịch Covid-19 kéo dài.
Theo ông, hiện nay có nhiều văn bản hướng dẫn phương án “3 tại chỗ”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế, đảm bảo kế hoạch thực hiện mục tiêu kép của chính phủ và UBND TP Cần Thơ đề ra.
Tuy nhiên, nhà thầu xây dựng này cho rằng: "Hiện nay thủ tục cấp phép hoạt động thi công trở lại ở mỗi công trình bị chậm trễ, do nhà thầu còn "mơ hồ" về đơn vị có thẩm quyền phê duyệt phương án cấp giấy hoạt động lại. Cần có quy định cụ thể, rõ ràng".
Nhà thầu này đề xuất nơi có thẩm quyền phê duyệt phương án (không phân biệt lớn nhỏ) hoạt động lại, nên giao cho UBND quận, huyện. Nơi đây sẽ cấp thủ tục cho nhà thầu hoạt động lại với công trình nào thi công trên địa bàn đó.
Vì như thế công tác kiểm tra giám sát, theo dõi tình hình hoạt động thi công và phòng, chống dịch sẽ nhanh hơn, trong suốt quá trình thi công cũng thuận lợi và chặt chẽ hơn, đồng thời đảm bảo “5K” khi di chuyển qua lại liên quận và đảm bảo “3 tại chỗ’’ theo chỉ đạo của TP.
"Hiện nay những văn bản quy định, Sở Công thương và Sở Xây dựng được giao giám sát thì thủ tục hơi lâu, khiến cho việc hoạt động thi công lại khó khăn hơn", ông T. cho biết.
Công trình thi công dở dang trong mùa dịch Covid-19 sẽ sớm hoàn thành thủ tục thi công lại.
Còn ông Ng.H.A. - chủ 1 công ty xây dựng ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết cũng gặp khó khi hoạt động trở lại. Bởi theo ông, tất cả công nhân phải test nhanh hoặc test PCR (khoảng hơn 800.000 đồng/mẫu test PCR, test nhanh cũng hơn 200.000 đồng/mẫu), cứ 3 ngày một lần.
"Chi phí sẽ tăng cao làm cho nhà thầu phải tính toán kỹ trước khi cho công trình hoạt động trở lại", ông nói. Ông tính toán, với công trình cần khoảng 30 công nhân, chỉ với chi phí test nhanh 3 ngày/lần, doanh nghiệp phải mất hơn 60 triệu đồng/tháng.
"Doanh nghiệp sẽ làm theo chỉ đạo của TP là vừa làm vừa phòng chống dịch. Chỉ mong muốn khi hoạt động thi công trở lại thì nhờ chủ trương cho test mẫu gộp cho công nhân công trình. Như vậy doanh nghiệp sẽ bớt gánh thêm chi phí", ông này đề xuất.
Theo 1 cán bộ ở Sở Xây dựng TP Cần Thơ, sau khi nghiên cứu Hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng kèm theo Văn bản số 3373/BXD-GĐ ngày 23/8/2021 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng, Sở Xây dựng đã soạn thảo hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch trên các công trường xây dựng gửi lấy ý kiến các Sở, ban ngành và UBND các quận, huyện và nhận được ý kiến thống nhất cao.
Với tinh thần là vừa làm, vừa theo dõi, uốn nắn kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp tiếp theo. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng hướng dẫn tạm thời một số nội dung cơ bản về phòng chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng tại TP Cần Thơ để các chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng trên công trường, người lao động làm việc trên công trường xây dựng nghiên cứu, làm cơ sở thực hiện việc khởi động lại các công trình xây dựng vừa thi công vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Trong quý II, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 xảy ra với nhiều ổ dịch bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động xây dựng nói riêng. Các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phải thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế.
"Trong quá trình thực hiện Hướng dẫn tạm thời về phòng chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản hồi về Sở Xây dựng để sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với tình hình thực tế; trong trường hợp vượt thẩm quyền Sở Xây dựng xin ý kiến chỉ đạo UBND TP và Bộ Xây dựng".
Công trình thi công lại phải bảo đảm "5K" và test nhanh, PCR cho công nhân công trường.
Qua kiến nghị của nhà thầu cũng như công ty xây dựng, phòng sẽ xem xét, phối hợp với ngành Y tế để báo cáo lại lãnh đạo Sở có hướng giải quyết tốt nhất và kịp thời cho doanh nghiệp an tâm hoạt động thi công trở lại", ông này nói.
Theo Tổng cục Thống kê, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục trình tự cấp giấy phép xây dựng để các công trình, dự án sớm được thi công, tạo lập nhiều kênh thông tin để lắng nghe và chia sẻ, phản hồi lại các ý kiến của các doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận