Lý do bởi hiện tại dịch bệnh là thứ đang ngốn các nguồn lực cần thiết của các Chính phủ tại châu Âu. Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson là người đang chịu áp lực, chắc chắn sẽ phải tìm cách gia hạn thời kỳ chuyển tiếp. Theo báo Bloomberg, tiến trình Brexit thậm chí có thể bị "giết chết" bởi Covid-19.
Sự tự tin không chắc chắn của ông Johnson
Vương quốc Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1/2020, điều này cũng đồng nghĩa với việc những người đang mang hộ chiếu Anh bị tước bỏ quyền lợi trong khối châu Âu, kể cả các công chức và nghị sĩ Anh.
Một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31/12/2020 đã được thiết lập và tạm thời kết quả của 40 năm liên kết pháp lý và hải quan vẫn được duy trì để đảm bảo dòng chảy hàng hóa và dịch vụ không bị ách tắc cho đến khi các thỏa thuận thương mại mới được các bên ký kết.
Giai đoạn đàm phán tiếp theo với các quan chức EU ở Brussels lẽ ra đã được tổ chức tại Thủ đô London trong tuần này thì cũng đã bị hủy bỏ đột ngột. Nguyên nhân các Chính phủ trong khối EU bị kẹp chặt trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh và bản thân họ cũng không thể đi lại vì các giới hạn từ lệnh phong tỏa được thiết lập ở nhiều nơi.
Ngày 18/3, khi được hỏi trong cuộc họp báo về tình hình Covid-19 hàng ngày rằng liệu có phải kéo dài giai đoạn chuyển đổi Brexit nữa hay không, Thủ tướng Anh Johnson nói: Không có gì được thảo luận ở Phố Downing cả. Tôi không có ý định thay đổi.
Tuy nhiên, báo Bloomberg cho hay, theo một số nguồn tin thân cận ở Brussels, Thủ tướng Anh Johnson có thể đang âm thầm lên kế hoạch mới để cho phép mình có thể yêu cầu nước Anh gia hạn tiến trình chuyển đổi. “Nói thì cứ phải nói nhưng ai cũng có thể hiểu rằng, vào thời điểm này, Chính phủ của ông Johnson chắc chắn đã nhận ra rằng, tiến trình đàm phán về một Brexit có thỏa thuận sẽ bị trì hoãn lại và giới hạn của nó sẽ vượt qua mốc thời gian cuối tháng 12 tới”, ông Simon Fraser, Phó chủ tịch Diễn đàn Chatham House, cựu Cao ủy Liên minh châu Âu về đàm phán thương mại bình luận.
Cả châu Âu còn đang lo chống dịch
Theo ông Fraser, ai cũng phải biết, vào lúc này, tất cả các nguồn năng lượng của toàn bộ Liên minh EU sẽ được đưa vào cuộc chiến chống lại Covid-19. “Với việc các doanh nghiệp trên khắp lục địa già bắt đầu phải đối mặt với thách thức lớn nhất của họ trong nhiều thập kỷ qua đã thúc đẩy các tập đoàn, quốc gia mình ưu tiên giải quyết sự bất ổn. Brexit là thứ yếu, thậm chí tạo ra thêm bất ổn vào thời điểm này. Nếu bắt buộc họp đối mặt với một thứ không chắc chắn, nhiều rủi ro như Brexit, chắc chỉ có điên”, ông Fraser nói.
Cũng theo ông Fraser, cuộc khủng hoảng bệnh dịch hiện nay có khả năng thay đổi hoàn toàn các tuyến thương mại xuyên biên giới và chuỗi cung ứng quốc tế trong dài hạn. Sẽ thật là ngờ nghệch khi phải thiết lập một thỏa thuận cụ thể mà nó lại khiến cho EU bị giảm nhiều quyền tham gia vào thị trường bên cạnh lớn nhất (Vương quốc Anh) trước khi giải quyết được cuộc khủng hoảng Covid-19.
Từ cuối năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo về những hạn chế về thời gian, do sự nghiêm trọng của một số vấn đề nổi cộm, từ quyền lợi khi đánh bắt cá ở Biển Bắc đến vấn đề kiểm soát biên giới giữa khu vực Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Có khả năng Brussels sẽ hoan nghênh hoãn đàm phán, kéo dài thời gian dù có hay không có dịch Covid-19. Theo ông Fraser, ngay cả khi Chính phủ Anh khẳng định rằng các cuộc đàm phán vẫn có thể tiến hành thông qua hội nghị video, tuy nhiên, không thành viên nào của EU ủng hộ.
Một bài viết trên tờ Thời báo Tài chính cho biết, EU đã thực hiện các cuộc họp khẩn cấp qua video nhưng thực sự hình thức này không hiệu quả vì số lượng người tham gia quá đông.
EU đã đóng cửa biên giới với các nước ngoài khu vực, dù có những nước vẫn được Vương quốc Anh mở cửa cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Pháp cảnh báo rằng họ sẽ tự đóng cửa với Anh nếu London không áp dụng các biện pháp ngăn chặn Covid-19 tương tự cho các quốc gia EU khác.
Nước Anh cũng đang khủng hoảng vì Covid-19
5 năm tranh luận, bàn cãi đau đớn, tạo ra những chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Anh và toàn bộ châu Âu, cuối cùng vẫn chưa mang lại điều gì tốt đẹp. Trong bối cảnh hiện nay, khả quan nhất thì kế hoạch đàm phán cho một Brexit có thỏa thuận của Anh sẽ tiếp tục bị trì hoãn. Nếu diễn biến dịch tiếp tục xấu đi, thiệt hại về người và của tăng lên, Brexit có thể cũng sẽ bị Covid-19 giết chết.
Thủ tướng Anh Johnson cũng đã phải tuyên bố các trường học sẽ đóng cửa trên toàn quốc kể từ ngày 19/3 khi số người chết lên tới 100 người dù trước đó một số quan chức của chính quyền Anh có hướng tiếp cận với dịch Covid-19 theo cách thức không được các chuyên gia về virus ủng hộ - đó là chủ trương tạo miễn dịch tập thể, không can thiệp y tế.
Một tin tức đáng buồn với kế hoạch Brexit của Anh là hôm 20/3 vừa qua, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh - ông David Frost đang phải tự cách ly sau khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus Covid-19. Ông Frost, 55 tuổi, là người có công giành được đột phá trên bàn đàm phán, giúp Anh rời khỏi EU dưới thời Thủ tướng Boris Johnson. David Frost được công nhận có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với chính sách Brexit của London.
Tệ hại hơn nữa, người đồng cấp của ông David Frost, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu - ông Michel Barnier cũng đã nhận kết quả dương tính với virus Corona chủng mới.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, sớm hay muộn chính quyền London cũng sẽ phải thực hiện các biện pháp phong tỏa mạnh, hà khắc hơn nữa, vì Thủ đô London đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc và chết vì Covid-19 nhất.
Năm ngoái, GDP của Anh đã mất đi 130 tỷ bảng (150 tỷ USD) vì ảnh hưởng bởi kế hoạch Brexit và điều này đã khiến cho rất nhiều lãnh đạo của Anh phải hối tiếc. Đồng bảng Anh trong tuần qua cũng bị xuống giá so với đồng USD ở mức thấp nhất kể từ năm 1985, bởi người dân Anh và thế giới đã có một ấn tượng cực kỳ xấu về chính quyền London trước phản ứng của họ trong việc ứng phó với Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận