Đà Nẵng ghi nhận thêm 5 ca mắc mới COVID-19, Việt Nam có 1014 bệnh nhân
Bản tin lúc 18h của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết có thêm 5 ca mắc mới COVID-19 ở Đà Nẵng được ghi nhận. Hiện Việt Nam có 1014 bệnh nhân
Số ca mắc ở Việt Nam
- Tính đến 18h ngày 22/8: Việt Nam có tổng cộng 672 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: ghi nhận 527 ca.
- Tính từ 6h đến 18h ngày 22/8: ghi nhận 5 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Thông tin về các ca mắc mới: 05 ca mắc mới (BN1010-1014): tại Đà Nẵng
CA BỆNH 1010 (BN1010): Bệnh nhân nam, 52 tuổi, có địa chỉ tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, có tiếp xúc gần với BN958.
CA BỆNH 1011 (BN1011): Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, có địa chỉ tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, là tiểu thương tại chợ Tân Lập (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
CA BỆNH 1012 (BN1012): Bệnh nhân nữ, 69 tuổi, có địa chỉ tại phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, là tiểu thương tại chợ Siêu thị (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
CA BỆNH 1013 (BN1013): Bệnh nhân nữ, 51 tuổi, có địa chỉ tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng, là tiểu thương tại chợ Siêu thị (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
CA BỆNH 1014 (BN1014): Bệnh nhân nam, 60 tuổi, có địa chỉ tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, là thành viên Ban Quản lý Chợ Lầu Đèn (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Hiện cả 5 bệnh nhân này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang.
Phun khử khuẩn tại 3 khu chợ xuất hiện tiểu thương mắc Covid-19
Chiều 22/8, hơn 30 cán bộ chiến sỹ và xe chuyên dụng của Quân khu 5 thực hiện phun hóa chất Cloramin B khử khuẩn tại quận Thanh Khê (Đà Nẵng), nơi có 3 khu chợ xuất hiện tiểu thương mắc Covid-19.
Tại chợ Tân Lập, lực lượng chức năng bố trí 2 xe chuyên dụng đảm nhận việc phun toàn bộ cổng chợ và các tuyến đường xung quanh như Phạm Văn Nghị, Nguyễn Tri Phương. Bình phun khử khuẩn mini cũng được sử dụng để phun tại các quầy hàng của tiểu thương trong chợ. Đây là khu chợ vừa được phát hiện có tiểu thương mắc Covid-19.
Chợ Siêu Thị trên đường Võ Văn Tần, nơi có 2 thiểu thương mắc COVID-19 cũng được lực lượng quân đội cũng phun hóa chất từ trong ra ngoài. Cùng với đó, chợ Lầu Đèn nơi có nhân viên Ban quản lý chợ được xác định dương tinhsh với virus SARS-CoV-2 cũng được phun khử khuẩn và phong tỏa tạm thời.
Như Báo Giao thông đưa tin, ngày 22/8, Sở Y tế Đà Nẵng ra thông báo khẩn tìm những người liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 là L.T (60 tuổi, trú K278/12B đường Trần Cao Vân, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê).
Bệnh nhân là nhân viên Ban Quản lý chợ Lầu Đèn, phường Xuân Hà, tổ trưởng tổ dân phố 55, phường Xuân Hà. Buổi sáng hằng ngày bệnh nhân đi làm tại chợ Lầu Đèn, buổi chiều về nhà và làm các công việc của tổ trưởng tổ dân phố.
Trước đó, rạng sáng cùng ngày, Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng phát thông báo nhanh về các trường hợp tiểu thương chợ Tân Lập và chợ Siêu Thị (cùng quận Thanh Khê) có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Một bệnh nhân ở Đà Nẵng dương tính SARS-CoV-2 sau 5 lần xét nghiệm
Sau 4 lần xét nghiệm từ khi nhập viện có kêt quả âm tính, đến lần xét nghiệm thứ 5 bệnh nhân 1010 mới được xác định nhiễm Covid-19.
BN 1010: tổ 1, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), là chồng BN 958. Từ ngày 24/7-30/7 BN chỉ ở tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngày 30/7, BN được lấy mẫu dịch hầu họng (lần 1) và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngày 31/7, BN cùng vợ được chuyển đến cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng và được cách ly cùng phòng với BN 730 và BN 935.
Các ngày 1/8, 13/8, và 15/8, BN được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng và đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Còn 2 người cách ly cùng phòng có kết quả dương tính. Đến 21/8, tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình, BN được lấy mẫu dịch hầu họng (lần 5) và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
BN 1011: K110 Phan Thanh (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), là tiểu thương buôn bán mắm dưa tại chợ Tân Lập (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê). Từ 7h đến đầu giờ chiều từ ngày 6/8 - 20/8, BN đến bán mắm dưa tại lô 97 thuộc chợ Tân Lập. Buổi chiều từ 16-17h, BN đến bán mắm dưa tại chợ Cồn (tại lô 102 và 103 của chị gái, cũng là tiểu thương tại chợ Cồn.
Ngoài ra, trong thời gian này, BN đến mua cá ở quầy cá tại chợ Tân Lập; đến nhà một tiểu thương để trả tiền rau và đến mua bột bánh canh tại quầy hàng ở chợ Tân Lập; đến mua gà của 1 người bán hàng rong trong chợ Cồn (không nhớ rõ tên, địa chỉ).
BN còn đến trường Trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng (154 Hà Huy Tập, quận Thanh Khê) lấy mẫu xét nghiệm lần 1. Ngày 21/8, BN được lấy mẫu dịch hầu họng (lần 2) và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
BN 1012: ở đường Đỗ Quang (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê). Tiểu thương buôn bán gia vị tại chợ Siêu thị ở quận Thanh Khê. Buổi sáng từ ngày 7/8 - 19/8, BN bệnh nhân được chồng chở đến buôn bán gia vị tại lô số 82 thuộc chợ Siêu thị, tiếp xúc với người đo thân nhiệt tại chợ và khách hàng.
Ngày 21/8, BN đến Chợ Siêu thị và tiếp xúc với 1 nhân viên giao hàng (không rõ tên) và 2 tiểu thương bán hàng gia vị trong chợ. BN có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tối cùng ngày.
BN 1013: đường Hoàng Tích Trí (phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Tiểu thương buôn bán hải sản tại chợ Siêu thị. Khoảng 4h sáng từ ngày 4/8 - 14/8, một xe thồ cư trú tại chợ Thanh Khê (quận Thanh Khê) chở BN đến Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) để mua hải sản. Đi cùng bệnh nhân là chị D (tiểu thương tại chợ Thanh Bình, quận Hải Châu).
Khoảng ngày 15/8 (không nhớ rõ ngày), BN có tiếp xúc với tổ trưởng tổ dân phố để lấy giấy tờ. Hằng ngày, tại chợ Siêu thị, BN tiếp xúc với bảo vệ chợ và người thu tiền tiết kiệm và nhiều tiểu thương trong chợ. Ngày 20/8, BN có tiếp xúc với nhân viên bưu điện đến nhà giao túi xách; tiếp xúc với 1 cô giáo (không nhớ tên).
BN 1014: K278 Trần Cao Vân (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), nhân viên Ban quản lý chợ Lầu Đèn (quận Thanh Khê), từng đến khám tại tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng từ nửa cuối tháng 7.
Từ ngày 8/8-16/8, BN trở lại làm việc tại chợ Lầu Đèn, hằng ngày, thường xuyên đến thu lệ phí và đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh của các tiểu thương trong chợ, thường xuyên tiếp xúc với nhân viên vệ sinh tại chợ Lầu Đèn).
Khoảng 15h ngày 19/8, BN đi phát giấy mời nhận gạo hỗ trợ cho 7 gia đình. Ngày 20/8, BN đến nhà và tiếp xúc với bà H (K304 Trần Cao Vân) và chị T. T. L (thuê trọ tại K278 Trần Cao Vân).
Chiều cùng ngày, BN đến nhà sinh hoạt chung Tân Chánh (phường Xuân Hà) tham gia phát gạo cho người dân.
Ngày 21/8, sau khi làm việc tại chợ Lầu Đèn, BN đến nhận dung dịch sát khuẩn tại Trạm y tế phường Xuân Hà; đến nộp tiền tại ngân hàng An Bình ở số 255 Lê Duẩn (phường Tân Chính, quận Thanh Khê).
Thanh niên Nghệ An đi Quảng Ngãi về không khai báo, ho và sốt cao
Nam thanh niên trọ ở P. Bến Thủy, TP. Vinh, đi Quảng Ngãi về không khai báo y tế, sau đó bị sốt cao được đưa đi cách ly khiến mọi người lo lắng.
Chiều 21/8, UBND phường Bến Thủy, TP. Vinh, Nghệ An phát đi thông báo khẩn về trường hợp nam thanh niên đi từ vùng dịch về không khai báo y tế. Sau hơn 1 tuần có biểu hiện ho sốt buộc phải đưa đi cách ly và khử khuẩn cả khu trọ.
Theo đó, nam thanh niên tên là Lê T.A (SN 1991, đang trọ tại Phòng 604, khu nhà trọ đường Nguyễn Văn Trỗi, khối 12, phường Bến Thủy. T.A đã đi từ Quảng Ngãi về phường Bến Thủy vào ngày 9/8 nhưng không thực hiện thông báo y tế theo quy định. Đến 17h ngày 21/8, anh T.A có triệu chứng gai rét, ớn lạnh, sốt, mới lên khai báo y tế tại phường Bến Thủy.
Qua 3 lần đo nhiệt độ, bệnh nhân đều sốt trên 37,5 độ C. Lập tức bệnh nhân được đưa tới bệnh viện để cách ly theo dõi. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC) đã lấy mẫu đi xét nghiệm.
Trong thời gian chờ kết quả, Chủ tịch UBND phường Bến Thủy - Nguyễn Xuân Huân thông báo và yêu cầu: “Toàn bộ khu vực nhà trọ, ông Lê Viết Long không được để người tự do ra vào và thực hiện tốt các quy định về tự phòng trong quy định phòng dịch. Giao cho Tổ giám sát cộng đồng khối 12, phường Bến Thủy chịu trách nhiệm thông báo, giám sát và thực hiện văn bản thông báo này cho tới khi có thông báo mới”.
Sáng 22/8, thông tin nhanh với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác nhận và cho biết: Ngay trong đêm chúng tôi đã cho phân tích mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân T.A. Đến sáng nay đã cho kết quả âm tính lần 1. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn và phòng dịch thì bệnh nhân này vẫn phải cách ly theo quy định.
Ông Định cũng cho biết: Kết quả xét nghiệm của tất cả những người đã lấy mẫu trong ngày hôm qua, tới 6h sáng nay đều âm tính. Trong đó có cả trường hợp bệnh nhân về từ Guinea Cận xích đạo dương tính với SARS-CoV-2 được chữa khỏi cho về nhà ở xã Nghi Văn, Nghi Lộc; sau đó bị sốt trở lại.
Chiều 21/8, 2 ca mắc mới Covid-19, vùng dịch miền Trung đã được kiểm soát
Chiều 21/8, Bộ Y tế thông tin về 2 ca mắc mới Covid-19, đều là F1 tại Đà Nẵng. Cơ bản vùng dịch miền Trung đã được kiểm soát.
2 ca mới Covid-19 ở Đà Nẵng
Bộ Y tế thông tin về 2 ca mắc mới (BN1008-1009) tại Đà Nẵng. Đó là BN 1008, nữ, 75 tuổi, có địa chỉ tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, là F1 (mẹ) của BN 988. Và BN 1009, nam, 47 tuổi, có địa chỉ tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, là F1 (con) BN 797, (vợ) BN781, (mẹ) BN 780.
Hiện 2 bệnh nhân này được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 100.569, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.818; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 31.333; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 67.418.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hôm nay có 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh: BN 459, BN 676, BN 989. Và 130 ca âm tính với SARS-CoV-2.
Ổ dịch miền Trung đã được kiểm soát
Những ngày gần đây ngành y tế các tỉnh miền Trung liên tiếp nhận những tin vui khi hàng chục ca mắc Covid-19 được chữa trị khỏi, các bệnh nhân nặng được điều trị thành công và hơn hết số lượng ca mắc mới thấp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng khẳng định: “Đến giờ có thể khẳng định là chúngta đã kiểm soát được tại dịch ở miền Trung”.
Ông Sơn dự đoán, trong thời gian tới nếu không có những trường hợp phát sinh đột biến thì Bệnh viện Đà Nẵng cũng sẽ được gỡ phong tỏa.
“Chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch để cho tất cả cán bộ viên chức của Bệnh viện Đà Nẵng sau thời gian phong tỏa, cách ly, đầy đủ theo quy định, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ trở lại làm việc phục vụ cho người dân tại Đà Nẵng”, Thứ trưởng nói.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đánh giá, sự phối hợp và hỗ trợ từ các bệnh viện Đà Nẵng như Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, các bệnh viện của Quảng Nam và Bệnh viện Trung ương Huế đã góp phần khống chế dịch bệnh tại miền Trung.
“Nếu sau này khi mà các đội đặc nhiệm của Bộ Y tế và hàng trăm y bác sĩ chi viện từ khắp cả nước rút khỏi Đà Nẵng, những bệnh nhân nặng được hồi sức thì khả năng của ngành y tế Đà Nẵng hoàn toàn có thể đáp ứng được tất cả đợt dịch Covid-19 (nếu có)”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Nói thêm về năng lực xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh tại TP Đà Nẵng, ông Sơn dẫn chứng: “Lúc mới đầu, năng lực xét nghiệm tìm Covid-19 chỉ dừng lại ở con số 1.000 mẫu/ngày, nhưng đến nay có thể đáp ứng được gần 50.000 mẫu/ngày. Đến hiện tại Đà Nẵng đã xét nghiệm được hơn 150.000 mẫu xét nghiệm, từ đó phát hiện ra những ca F0 trong cộng đồng, quản lý được F1 từ đó có biện pháp thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại nhà đối với F2. Nhờ những biện pháp trên được thực thi một cách hoàn chỉnh trên toàn TP Đà Nẵng, nên chúng tôi cảm thấy an tâm và dịch Covid-19 tại Đà Nẵng và miền Trung đã được kiểm soát”.
Hà Nội: 22.000 người trở về từ Đà Nẵng chưa có kết quả xét nghiệm Covid-19
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Quý lưu ý nguồn lây bệnh vẫn có thể còn trong hơn 22.000 mẫu người về từ Đà Nẵng chưa có kết quả xét nghiệm.
3 bệnh viện không đảm bảo an toàn phòng dịch
Chiều 21/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận huyện để tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, từ ngày 19-21/8, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới. Liên quan đến trường hợp bệnh nhân tại Bệnh viện E, chiều 20/8, sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, Bộ Y tế đã rút trường hợp BN 994 ra khỏi danh sách những người mắc Covid-19 và cho phép Bệnh viện E tiếp tục hoạt động trở lại.
Ông Hạnh cũng cho biết, đến 12h ngày 21/8 đã lấy được 71.842 mẫu các trường hợp về từ Đà Nẵng; đã có kết quả 49.158 mẫu, ghi nhận 1 trường hợp dương tính (BN979). Đến na, cả 30 quận, huyện, thị xã đã cơ bản hoàn thành công tác lấy mẫu xét nghiệm.
Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 40 bệnh viện (BV) cả công lập và tư nhân. Qua đó, 30 bệnh viện được đánh giá an toàn; 7 bệnh viện an toàn ở mức thấp; 3 bệnh viện không an toàn là BV Mắt Sài Gòn – Hà Nội 1, BV Mắt Việt Nhật, BV Mắt Hi-Tech.
“3 ngày qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm vẫn tiềm ẩn nhất là trong bệnh viện và tại nhà hàng, quán ăn. Vì vậy, cần tiếp tục chủ động, kiên quyết triển khai hiệu quả, mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch”, ông Hoàng Đức Hạnh nhận định.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết người dân bày tỏ phấn khởi khi biết thông tin Bệnh viện E đã dỡ bỏ cách ly. Tuy nhiên, người dân vẫn còn tỏ ra lo lắng khi vẫn còn một cơ sở y tế để bệnh nhân di chuyển nhiều và tiếp xúc nhiều với cán bộ y tế.
Đáng chú ý, ông Trường cho biết, nhân dân thấy nhiều nơi chưa tuyên truyền quyết liệt xử lý các vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Ông Trường đề nghị, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; tăng cường tuyên truyền để nhân dân biết và cùng tham gia giám sát công tác phòng, chống dịch ngay tại cơ sở.
Vẫn còn hàng quán vỉa hè không thực hiện giãn cách
Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu thực trạng, trên cùng một con phố mà có chỗ làm tốt, chỗ vẫn bán hàng vỉa hè, không đảm bảo giãn cách. Từ đó, bà Ngọc yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiểm tra và xử lý các vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại các hàng quán vỉa hè. Đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội tham mưu Thành ủy khởi động lại 5 đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra đột xuất tại các quận, huyện, thị xã…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nêu 2 bài học lại trường hợp ở Bệnh viện E. Thứ nhất, ngay khi có thông tin, các đơn vị đã thực hiện đồng bộ công tác; trong 1 đêm rà soát và đưa các trường hợp F1 đi cách ly, tổ chức cách ly F2 tại nhà. Thứ hai, qua xét nghiệm các y bác sỹ; bệnh nhân có bệnh nền nặng đều âm tính.
“Như vậy là trong bệnh viện không có nguồn lây. Tuy nhiên, việc bệnh nhân đi qua 4 khoa ở bệnh viện này cũng rất đáng lo ngại và ngay ngày mai (22/8), thành phố sẽ mời Bộ Y tế cùng họp với tất cả các bệnh viện trên địa bàn để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch”, ông Quý cho biết.
Về việc Hà Nội đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm người từ Đà Nẵng về, ông Quý nhìn nhận: "Việc này cũng giúp thành phố loại trừ thêm 1 mối lo". Tuy nhiên, nguồn lây bệnh vẫn có thể còn trong hơn 22.000 mẫu người về từ Đà Nẵng chưa có kết quả xét nghiệm; Hà Nội là trung tâm kết nối; người dân còn chủ quan…
“Hiện nay lo nhất là bệnh viện, cửa hàng ăn uống; đám cưới, đám hiếu…Đó là những điểm từng xuất hiện ổ dịch trên cả nước”, Phó chủ tịch Hà Nội nói và yêu cầu chính quyền xã phường, thị trấn vào cuộc quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn người dâ; khi có thông tin phản ánh của người dân hay báo chí về các trường hợp, các nơi vi phạm thì phải xử lý ngay.
Lưu ý Sở Y tế và Sở GD&ĐT còn chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn về phòng chống dịch để phục vụ khai giảng năm học mới, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu chậm nhất đến thứ hai phải ban hành văn bản này.
Phố đi bộ Hà Nội lần thứ hai tạm ngừng hoạt động
UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có quyết định tạm dừng việc tổ chức các hoạt động tại không gian đi bộ trên địa bàn quận từ 21/8.
Ngày 21/8, UBND quận Hoàn Kiếm có Thông báo số 235/TB-UBND yêu cầu tạm dừng việc tổ chức các hoạt động tại không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Thông báo nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, để hạn chế các hoạt động tập trung đông người nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ cho tạm dừng việc tổ chức các hoạt động tại không gian đi bộ trên địa bàn quận từ ngày 21/8/2020.
Các hoạt động tại không gian đi bộ trên địa bàn quận chỉ tiếp tục được thực hiện sau khi có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần thành lập ngay tổ phòng, chống dịch bệnh để tuyên truyền và giám sát việc cách ly của người dân, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của nhà hàng ăn uống, cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Các địa phương cần tăng cường xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định; tuyên truyền, khuyến cáo người dân các nội dung: Không ra khỏi nhà khi không cần thiết; đến cơ sở y tế khi có biểu hiện ho, sốt; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; không tập trung đông người và giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.
Các địa phương cũng phải tiếp tục chỉ đạo các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường dừng hoạt động, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng bên ngoài đóng cửa nhưng trong vẫn hoạt động; không để quán nước vỉa hè hoạt động; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống… Các hoạt động hiếu, hỷ cần hạn chế đông người và có biện pháp phòng, chống dịch.
Diễn biến liên quan, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 221.042 trường hợp mắc COVID-19 và 4.982 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 23 triệu người.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 23.071.205 ca, trong đó có 801.546 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 15.674.536 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 61.829 ca và 6.595.123 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 21/8, thế giới có tới 148 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong tại nhiều nước ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Bé gái 6 tuổi người Mỹ tử vong do các biến chứng của virus SARS-CoV-2. Giới chức y tế cho biết, một bé gái 6 tuổi tại hạt Hillsborough đã trở thành trường hợp trẻ nhất tử vong vì các biến chứng của virus SARS-CoV-2 ở bang Florida, Mỹ.
Theo dữ liệu từ Sở Y tế bang Florida, bé gái nằm trong số 119 trường hợp tử vong được báo cáo trong ngày 21/8. Hiện không rõ liệu nạn nhân có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiếp xúc với một trường hợp mắc bệnh Covid-19 đã biết, hay lây nhiễm của bé gái liên quan đến việc đi lại.
Trường hợp tử vong vì Covid-19 trẻ nhất trước đó của bang Florida được xác nhận là một bé gái 9 tuổi tại hạt Putnam. Các trường hợp tử vong vì Covid-19 trẻ tuổi khác tại bang Đông Nam nước Mỹ này gồm một bé trai 11 tuổi, thiếu nữ 16 tuổi và nam thanh niên 17 tuổi.
Florida hiện là bang có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai trên toàn nước Mỹ. Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, kể từ khi đại dịch bắt đầu, bang Florida đã báo cáo gần 593.290 trường hợp nhiễm bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận