Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay
Chiều 25/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương vừa ghi nhận 2 bệnh nhân Covid-19 tử vong trong ngày tại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), trong đó có một trường hợp là thai phụ.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 là một thai phụ, sinh năm 1991, ngụ tại ấp Thạnh Ngãi, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Bệnh nhân nhập viện ngày 18/7, và được xử trí, thở oxy mask, điều trị kháng sinh, corticoid, kháng đông. Ngày 19/7, thai phụ trong tình trạng suy hô hấp nặng hơn, được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục. Bệnh diễn tiến nặng và tử vong; chẩn đoán tử vong viêm phổi mức độ nguy kịch do SARS-CoV2 - thai 20 tuần. Bệnh nhân có tiền căn đái tháo đường thai kỳ.
Ca Covid-19 thứ hai tử vong cùng ngày tại bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu là nữ bệnh nhân sinh năm 1971, ngụ tại ấp An Thuận, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri. Người này có tiền căn tăng huyết áp.
Trước đó, bệnh nhân test Covid-19 dương tính và được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2. Ngày 16/7, bệnh nhân khó thở, mệt được xử lý thở oxy mask và chuyển Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Tại đây bệnh nhân được xử trí, đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, điều trị kháng sinh, corticosteroid, kháng đông, dinh dưỡng, điều trị triệu chứng. Bệnh diễn tiến nặng và tử vong; chẩn đoán tử vong viêm phổi mức độ nguy kịch do SARS-CoV-2.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre, tính đến 18h ngày 25/7, địa phương đã ghi nhận 523 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có 19 ca đã được chữa khỏi và xuất viện, 6 ca tử vong.
Tối nay, thêm 3.552 ca mắc Covid-19 mới
Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 19h ngày 25/7 có 3.552 ca mắc mới ghi tại 31 tỉnh, thành phố.
Nhiều nhất vẫn tại TP. Hồ Chí Minh với 2.227, tiếp đến Bình Dương (368), Tây Ninh (186), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Đồng Nai (119), Phú Yên (95), Khánh Hòa (90), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (38), Bình Phước (20), Đắk Lắk (14), Bến Tre (12), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Trà Vinh (10), Kiên Giang (8 ), Ninh Thuận (7), Hậu Giang (7), Bình Định (6), Gia Lai (6), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), Nghệ An (3), Thừa Thiên Huế (2), Đắk Nông (2), Bắc Ninh (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1) trong đó có 594 ca trong cộng đồng.
Như vậy, trong ngày 25/7 có 7.531 ca mắc mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 7.525 ca ghi nhận trong nước; tại TP. Hồ Chí Minh (4.555), Bình Dương (1249), Tây Ninh (313), Đồng Nai (253), Tiền Giang (218), Khánh Hoà (172), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Phú Yên (109), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (56), Vĩnh Long (50), Bến Tre (45), Trà Vinh (27), Bình Phước (26), Kiên Giang (25), Đà Nẵng (16), Hà Nội (15), Đắk Lắk (14), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Hậu Giang (10), Sóc Trăng (9), Ninh Thuận (7), Bắc Ninh (6), Bình Định (6), Gia Lai (6), Đắk Nông (4), Nghệ An (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), An Giang (2), Thừa Thiên Huế (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1) trong đó có 1.516 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều 25/7, Việt Nam có tổng 98.465 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 96.287 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 94.717 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Trong ngày 25/7, có 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25/7, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 19.342 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca; Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 154.397 xét nghiệm cho 590.982 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.262.258 mẫu cho 14.982.078 lượt người.
1.300 y bác sĩ và tình nguyện viên đăng ký sau thư ngỏ kêu gọi chung tay chống dịch
Sau 1 ngày kể từ khi PGS.TS, Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP. HCM có Thư ngỏ kêu gọi các anh chị em đồng nghiệp trên toàn quốc chung tay tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP. HCM, đến 5h00 ngày 25/7, đã có hơn 1.300 người đăng ký.
Trong đó bác sĩ có trình độ Đại học gần 300 người; Dược sĩ là 200 người; Các ngành nghề khác gần 700 người. Độ tuổi tham gia tình nguyện viện rất phong phú: Dưới 20 tuổi: 47 người; Từ 20-50 tuổi: 1.197 người; Trên 50 tuổi: 94 người.
Chủ yếu những tình nguyện viên này hiện đang sinh sống tại TP.HCM, chỉ có một số nhỏ là ở khu vực ngoại thành.
Dự kiến, trong thứ Hai tuần tới, TP.HCM và Sở Y tế sẽ phân bổ số nhân lực tình nguyện này đến các cơ sở điều trị và các quận, huyện có nhu cầu về nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.
Tính đến 12h, Hà Nội ghi nhận 34 ca mới
Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến trưa ngày 25/7, Hà Nội ghi nhận thêm 24 trường hợp mắc mới, ở 7 quận huyện.
24 ca bệnh này bao gồm các trường hợp thuộc các chùm ca bệnh cũ như Tân Mai-Hoàng Mai, Nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ; liên quan đến các trường hợp về từ TP HCM; Công ty và những trường trường hợp phát hiện qua sàng lọc ho sốt tại cộng đồng hoặc ho sốt thứ phát. Cụ thể là:
Bệnh nhân N.T.N, nữ, sinh năm 1984, ở Sơn Lộc, Sơn Tây. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân V.V.Q (tiếp xúc gần ngày 20/7 khi đi xem đất). Ngày 22/7, bệnh nhân tự thực hiện cách ly tại nhà. Ngày 23/7, bệnh nhân được xác định là F1 của bệnh nhân Q., được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân L.T.H.L, nữ, sinh năm 1971, ở Phú Thịnh, Sơn Tây. Bệnh nhân là F1, là người bán hàng cùng chợ với F0 K.T.T. Ngày 20/7, 2 mẹ con chị T. có đến mua hàng của bệnh nhân. Từ ngày 21/7, bệnh nhân thực hiện tự cách ly tại nhà. Ngày 23/7, xác định là F1 của bệnh nhân T., được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân N.M.N, nữ sinh năm 1992, ở Quang Trung, Sơn Tây. Bệnh nhân là F1, là người đến siêu âm tại Phòng khám BS Sơn tại Phùng Xá, Thạch Thất. Ngày 21/7, tại đây bệnh nhân có tiếp xúc F0 H. là nhân viên đánh máy. Ngày 22/7, bệnh nhân chủ động xin nghỉ làm từ cách ly tại nhà. Ngày 23/7, bệnh nhân được xác định là F1 của bệnh nhân H., được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).Bệnh nhân Đ.T.P.T, nữ, sinh năm 1982, ở Sơn Lộc, Sơn Tây. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân V.V.Q (tiếp xúc gần ngày 20/7 khi đi xem đất). Ngày 22/7, bệnh nhân tự thực hiện cách ly tại nhà. Ngày 23/7, bệnh nhân được xác định là F1 của bệnh nhân Q., được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân H.T.P., nữ, sinh năm 1991, ở Xuân Khanh, Sơn Tây. Bệnh nhân là người về từ TP HCM từ ngày 22/7 được cách ly tập trung tại Xuân Khanh, Sơn Tây. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu do có triệu chứng, kết quả xét nghiệm dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân H.D.M, nam, sinh năm 1980, ở Xuân Khanh, Sơn Tây. Bệnh nhân là người về từ TP HCM từ ngày 22/7 được cách ly tập trung tại Xuân Khanh, Sơn Tây. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu do có triệu chứng, kết quả xét nghiệm dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân N.M.C, nam, sinh năm 1983, ở Lê Lợi, Sơn Tây. Bệnh nhân làm nghề lái xe taxi, di chuyển nhiều nơi. Ngày 23/7, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau rát họng vào khám tại BV Sơn Tây được lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân nghi ngờ, mẫu bệnh phẩm gửi CDC xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Bệnh nhân N.T.V, nữ, sinh năm 1960, ở An Thượng, Hoài Đức. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân C.T.H.Y, được cách ly tại nhà từ 19/7. Ngày 20/7 chuyển cách ly tại BV Tâm Thần Hà Nội do đi chăm chồng bị loạn thần. Ngày 24/7, bệnh nhân xuất hiện sốt được lấy mẫu lần 2 cho kết quả xét nghiệm dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân B.G.M, nữ, sinh năm 2003, ở Thụy Khuê, Tây Hồ. Bệnh nhân là F1 của N.T.T.L, được UBND phường ra Quyết định cách ly tại nhà từ ngày 22/7. Ngày 24/7, bệnh nhân có triệu chứng, được lấy mẫu lần 2 cho kết quả xét nghiệm dương tính (CDC Hà Nội).
Bệnh nhân T.Đ. C, nam, sinh năm 1986, ở Nguyễn Du, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là công nhân làm việc tại công trường xây dựng địa chỉ 27 Tô Hiến Thành. Ngày 23/7, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đi khai báo y tế được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ngày 24/7 cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân N.X.V, nam, sinh năm 2003, ở Đống Mác, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là nhân viên giao hàng tại nhà hàng Sói Biển (203 Trung Kính). Ngày 21/7, bệnh nhân có triệu chứng. Ngày 24/7, bệnh nhân được lấy mẫu sàng lọc cho kết quả dương tính.
Bệnh nhân N.X.V, nam, sinh năm 1995, ở Đống Mác, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là anh trai, sống cùng nhà bệnh nhân ở trên (tên là V.), 2 tháng nay nghỉ làm ở nhà. Ngày 22/7, bệnh nhân có triệu chứng, ngày 24/7 được lấy mẫu sàng lọc cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân T.V.M, nam, sinh năm 1963, ở Đống Mác, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là người bị liệt, nằm tại nhà (nhà cạnh 2 bệnh nhân nói trên ). Ngày 24/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm trong khu vực phong tỏa liên quan ca dương tính cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân Đ.V.C, nam, sinh năm 1991, ở Đống Mác, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là con rể, sống cùng nhà với bệnh nhân M., nhà ngay bên cạnh nhà có 2 ca dương tính. Ngày 24/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm trong khu vực phong tỏa liên qua ca bệnh dương tính cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân P.N.P, nam, sinh năm 1982, ở Mai Động, Hoàng Mai. Bệnh nhân là F1 (đồng nghiệp) của bệnh nhân Lê Xuân Hiệp. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu sau khi được xác định F1 và chuyển cách ly tập trung tại khu cách ly Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 24/7, bệnh nhân có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân H.T.H, nữ, sinh năm 1997, ở Tương Mai, Hoàng Mai. Bệnh nhân là F1 (cháu) của bệnh nhân N.T.H có tiếp xúc ngày 18/7. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện ngày 24/7).
Hai bệnh nhân cùng là F1 (mẹ và con của bệnh nhân N.C.C - Tập thể Tân Mai, Hoàng Mai) gồm bệnh nhân N.T.H, nữ, sinh năm 2010 và bệnh nhân N.T.X, nữ, sinh năm 1949. Ngày 19/7, hai bà cháu được lấy mẫu (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung tại khu cách ly Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 23/7, 2 người có triệu chứng ho, sốt và được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 24/7, kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân T.V.A, nam, sinh năm 1950, ở Tân Mai, Hoàng Mai. Bệnh nhân là F1 của gia đình 7 người dương tính tại Tập thể Tân Mai. Ngày 18/7, bệnh nhân được lấy mẫu (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung tại khu cách ly Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 23/7, bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt và được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 24/7, kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân C.T.H, nữ, sinh năm 1976, ở An Khánh, Hoài Đức. Bệnh nhân liên quan đến ca mắc B.T.N, thuộc chùm ca bệnh nhà thuốc Đức Tâm-95 Láng Hạ. Ngày 24/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân N.V.D, nam, sinh năm 1996, ở Phùng Xá, Thạch Thất. Bệnh nhân là F1 (chồng) của bệnh nhân N.T.T.H, thuộc chùm ca bệnh ho sốt tại công đồng. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung tại trường Đại học FPT – Thạch Thất. Ngày 24/7 bệnh nhân có sốt, lấy mẫu có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân Q.V.T, nam, sinh năm 1995, ở Hải Bối, Đông Anh. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân H.V.N, thuộc chùm ca bệnh công ty SEI, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã được cách ly tập trung tại trường Đại học FPT– Thạch Thất. Ngày 24/7, bệnh nhân có triệu chứng sốt và được lấy mẫu, kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân H.V.S, nam, sinh năm 2007, ở An Khánh, Hoài Đức. Bệnh nhân là F1 (con) của bệnh nhân N.T.N. Ngày 20/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (âm tính) và được đưa đi cách ly tập trung tại trường Đại học Lâm nghiệp - Chương Mỹ. Ngày 24/7, bệnh nhân có sốt và được lấy mẫu và cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân Đ.T.L, nữ, sinh năm 1981, ở Cấn Hữu, Quốc Oai. Bệnh nhân liên quan đến ca mắc N.T.C (Thạch Thất). Ngày 24/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Như vậy, từ sáng đến 12h ngày 25/7, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 34 trường hợp dương tính mới.
Cập nhật tin tức Covid-19 tại Việt Nam ngày 25/7
Sáng nay, Hà Nội thêm 10 ca dương tính tại 6 ổ dịch
Sáng nay (25/7), thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết thành phố ghi nhận thêm 10 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 tại 06 ổ dịch.04 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến Bắc Giang tại công ty SEI
Trong đó, 3 bệnh nhân đều là công nhân của Công ty SEI, được cách ly tập trung tại công ty từ ngày 5/7, sau đó chuyển cách ly tập trung tại Thạch Thất và Sóc Sơn, xét nghiệm nhiều lần đều âm tính.
2 bệnh nhân thuộc chùm liên quan Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng.
1 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng (nguyên phát).
1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan TP.Hồ Chí Minh.
1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến Tân Mai, Hoàng Mai.
Như vậy, Hà Nội đã có tổng số 699 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 kể từ ngày 29/4 đến nay, với 427 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng và 272 trường hợp là những người đã được cách ly tập trung.
Sở Tư pháp Hà Nội công bố chi tiết 16 mức phạt vi phạm phòng, chống dịch
Sở Tư pháp Hà Nội vừa công bố mức xử phạt đối với 16 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, trong đó mức phạt tiền cao nhất là 200 triệu đồng và có thể bị xử lý hình sự.
1. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài không cần thiết bị phạt tiền tối đa 3 triệu đồng.
2. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 1 triệu đồng; nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa 2 triệu đồng.
3. Người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh Covid-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh Covid-19 thì bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng.
4. Người nào không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh Covid-19 thì bị phạt tiền tối đa 3 triệu đồng.
5. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng đối với cá nhân, 40 triệu đồng đối với tổ chức.
6. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19, bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng đối với cá nhân, 40 triệu đồng đối với tổ chức.
7. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bệnh Covid-19, bị phạt tiền tối đa 30 triệu đồng.
8. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).
9. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015. (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).
10. Người nào không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm).
11. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. (Mức phạt tù tối đa 7 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm).
12. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 7 năm)
13. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).
14. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 15 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).
15. Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
16. Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).
3 triệu liều vắc xin COVID-19 Moderna đã về Việt Nam
Việt Nam tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vắc xin Moderna do chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX, trong đó 1.499.960 liều đã được chuyển đến TP Hồ Chí Minh vào ngày 24/7/2021 và 1.500.100 liều sẽ đến Hà Nội vào ngày 25/7/2021.
Nguồn vắc xin này bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.
Đây là lô vắc xin Moderna thứ hai đến Việt Nam trong tháng này, nâng tổng số vắc xin do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX lên đến hơn năm triệu liều.
Cả nước thêm 3.979 ca mắc mới Covid-19
Bộ Y tế thông tin, tính từ 19h ngày 24/7 đến 6h ngày 25/7 có 3.979 ca mắc mới, trong đó 06 ca nhập cảnh và 3.973 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.328), Bình Dương (881), Tiền Giang (218), Đồng Nai (134), Tây Ninh (127), Khánh Hòa (82), Vĩnh Long (50), Bến Tre (33), Cần Thơ (18), Trà Vinh (17), Kiên Giang (17), Đà Nẵng (16), Phú Yên (14), Hà Nội (11), Sóc Trăng (9), Bình Phước (6), Bắc Ninh (4), Hậu Giang (3), Đắk Nông (2), An Giang (2), Nghệ An (1) trong đó có 922 ca trong cộng đồng.
Theo đó, tính đến sáng ngày 25/7, Việt Nam có tổng 94.913 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 92.735 ca mắc trong nước; Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 91.165 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Bộ Y tế cũng thông tin, tổng số ca được điều trị khỏi là 17.583 ca; 130 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 17 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.107.861 mẫu cho 14.391.096 lượt người.
Trong ngày 25/7, có 57.908 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.
Trước diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh mỗi ngày, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hướng dẫn các quận, huyện tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 và thay đổi mô hình điều trị COVID-19 từ “tháp 4 tầng” sang “tháp 5 tầng”. Theo đó, tầng 1 là cơ sở cách ly tập trung cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền hoặc đã được điều trị ổn định và không béo phì. Tầng 2 là bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 cho F0 có triệu chứng và các bệnh nền kèm theo. Tầng 3 là bệnh viện điều trị COVID-19 cho F0 có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng. Tầng 4 là bệnh viện điều trị COVID-19 cho trường hợp mắc COVID-19 nặng do bệnh nền hoặc bệnh lý đi kèm. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức COVID-19 cho F0 có triệu chứng nặng và nguy kịch.
Vĩnh Long: Ổ dịch xuất hiện tại đám tang, phong tỏa hơn 1.370 hộ dân
Báo Thanh niên đưa tin, tối 24/7, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết tỉnh vừa ghi nhận một ổ dịch Covid-19 ở xã Tân Lộc, H.Tam Bình, Vĩnh Long. Ổ dịch xuất phát từ một đám tang người già, chứ không phải đám tang của bệnh nhân Covid-19.
Theo báo cáo của UBND xã Tân Lộc, ngày 10/7, anh L.V.T có đến UBND xã Tân Lộc xin phép tổ chức đám tang cho bà N.T.Tr (83 tuổi, ấp 1, xã Tân Lộc). Cán bộ UBND xã có hướng dẫn việc tổ chức đám tang phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch theo Chỉ thị số 15, không quá 30 người và phải đảm bảo đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách…
Qua theo dõi quá trình tổ chức, gia đình có thực hiện theo quy định. Những người dự trong đám tang chủ yếu là con cháu trong gia đình; một số hàng xóm đến thắp nhang rồi ra về; một số gửi phúng điếu chia buồn không đến. Đến 12 giờ trưa ngày 12.7 thì gia đình tổ chức đưa đi an táng tại đất nhà ở ấp 8 xã Tân Lộc.
Đến 12h ngày 18/7, anh H.V.C. (cháu nội bà N.T.Tr) và vợ là chị L.T.L. đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.Vĩnh Long) để khám bệnh và bệnh viện yêu cầu phải test nhanh Covid-19.
Kết quả, anh C. dương tính, chị L. âm tính, bệnh viện yêu cầu chị L. ở lại để xét nghiệm PCR.
Ngày 19/7, cả 2 người được lấy mẫu xét nghiệm PCR, đến ngày 20.7 có kết quả đều dương tính với Covid-19. Anh C. và chị L. đều là Công nhân Công ty TNHH Tỷ Xuân (KCN Hòa Phú, H.Long Hồ). Công ty Tỷ Xuân là nơi phát hiện ổ dịch Covid-19 đầu tiên ở Vĩnh Long
Đặc cách xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh về việc chỉ đạo tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các hội đồng thi rà soát kỹ các đối tượng thí sinh dự thi để có phương án tổ chức thi phù hợp bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; trên cơ sở xem xét phương án tổ chức thi của các địa phương, Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, nhất là Sở Y tế, khẩn trương tập trung rà soát kỹ các điều kiện về mọi mặt để tổ chức thi đợt 2 của Kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn sức khỏe cho thí sinh dự thi và những người tham gia Kỳ thi.
Thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc ở khu vực giãn cách, cách ly, phong tỏa không thể dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp nếu có nguyện vọng.
Thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 nhưng không dự thi do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có nguyện vọng sẽ được xem xét đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT nếu thuộc diện F0, F1, F2 hoặc đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nơi bị phong tỏa, cách ly phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo yêu cầu của ngành y tế.
Khẩn thiết kêu gọi y bác sĩ cả nước cùng TP.HCM chống dịch
Chiều ngày 24/7, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã có thư ngỏ gửi các đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế tại TP.HCM và các tỉnh gần, xa để kêu gọi chung tay cùng nhau hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
Bộ Y tế khẩn thiết kêu gọi y bác sĩ cả nước cùng TP.HCM chống dịch. (Ảnh minh họa: Nhân dân)
Thư viết: "Sự bùng phát dịch COVID-19 do biến chủng Delta tại TP.HCM trong thời gian qua đã gây ra những tác động mạnh đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố và gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Sự nỗ lực cố gắng không quản ngày đêm, chung tay cùng thành phố chống dịch luôn được sự ghi nhận, trân trọng và biết ơn của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố.
Hiện tại nhờ nỗ lực của Thành phố và sự chi viện của cả nước các hoạt động kiểm soát và khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện, nhưng sự phát tán của virus SARS-CoV-2 vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn và quá tải.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học TP HCM, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP.HCM.
Với trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái và tấm lòng thương yêu đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh,
Và cuối thư, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn viết: “Hãy chung tay cùng nhau khống chế dịch bệnh đưa Thành phố sớm quay lại cuộc sống bình thường”.
Hà Nội công bố 16 luồng xanh để phương tiện ra vào Thủ đô
Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, luồng xanh được Sở GTVT công bố có 2 nhóm, gồm luồng xanh quốc gia kết nối với luồng xanh thành phố Hà Nội và luồng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Với nhóm luồng xanh quốc gia kết nối với luồng xanh thành phố Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ kết nối với 22 chốt kiểm soát phương tiện ở khu vực cửa ngõ.
Xe vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt 24/24h khi đi qua 22 chốt theo 6 luồng xanh
Theo đó, từ hôm nay, khi xe vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt 24/24h khi đi qua 22 chốt theo 6 làn đường luồng xanh.
Với luồng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, tại khu vực ngoại thành (ngoài đường Vành đai 3): phương tiên lưu thông qua hệ thống đường kết nối từ đường Vành đai 3 với Quốc lộ 1A, 1B , Quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đường Hồ Chí Minh, các đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội -Thái Nguyên, Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 18, Quốc lộ 32.
Trong khu vực đường Vành đai 3, gồm có 10 làn đường luồng xanh được thiết lập tại trên các đường Vành vào trung tâm gồm: Vành đai 1, xe đi theo hướng: An Dương Vương - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhât Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Đê Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - La Thành và kết nối với hệ thống đường hướng tâm.
Luồng xanh tại khu vực Vành đai 2 vào trung tâm, xe đi theo hướng: cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Trường Chinh - đường Láng - đường Bưởi - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân và kết nối với hệ thống đường hướng tâm
Luồng xanh tại khu vực Vành dai 3 vào trung tâm, xe đi theo hướng: Vành đai 3 dưới thấp: Đường gom Vành đai 3 (Pháp Vân - Giải Phóng) - Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Pham Văn Đồng - cầu Thăng Long - Võ Văn Kiệt - Võ Chí Công - Hoàng Sa - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh và kết nối với hệ thống đường hướng tâm.
Hệ thống đường hướng tâm, gồm 6 luồng xanh: Nút giao Pháp Vân - Giải Phóng - Lê Duẩn; Nút giao Thanh Xuân, Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng; Nút giao Thanh Xuân - Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương - Láng Hạ, Giảng Võ; Nút giao Trung Hòa - Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Nam Cao; Nút giao Mai Dịch - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Kim Mã - Nguyễn Thái Học; Nút giao Trung tâm Quận Long Biên - Nguyễn Văn Cừ - cầu Chương Dương; Nút giao cầu vượt Đường 5 - Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy.
Cả nước đã có 90.934 bệnh nhân
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 24/7, cả nước có 7.968 ca mắc mới (31 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước). Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh 5396 ca, Long An (604), Bình Dương (785), Đồng Nai (221), Tiền Giang (220), Tây Ninh (132), Khánh Hoà (104), Đồng Tháp (75), Bà Rịa - Vũng Tàu (71), Bến Tre (61), Đà Nẵng (36), Bình Thuận (31), Đắk Lắk (27), Vĩnh Long (25), Cần Thơ (23), Vĩnh Phúc (21), Phú Yên (17), Kiên Giang (14), Bình Định (12), Hậu Giang (9), Hà Nội (9), Ninh Thuận (8 ), An Giang (7), Hưng Yên (4), Quảng Ngãi (4), Đắk Nông (4), Quảng Nam (3), Hà Nam (2), Bạc Liêu (2), Hà Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Cà Mau (2), Gia Lai (1), Thừa Thiên Huế (1) trong đó có 2.428 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều ngày 24/7, Việt Nam có tổng 90.934 ca mắc, trong đó có 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Bộ Y tế cũng thông tin, hôm này, cả nước có 2.047 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 17.583 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca; Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca. Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 98.990 xét nghiệm cho 410.862 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.107.861 mẫu cho 14.391.096 lượt người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận